(HNM) - Hàng loạt công trình đường, cầu, nút giao thông được triển khai trong giai đoạn 5 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính đã làm cho diện mạo hạ tầng giao thông Thủ đô Hà Nội đổi thay đáng kể.
Nói về những thành tựu nổi bật của ngành GTVT Thủ đô trong 5 năm từ khi mở rộng địa giới hành chính, điều đầu tiên phải kể đến việc hoàn thành và đưa vào khai thác các trục giao thông trọng điểm như: quốc lộ 32, đường trục Bắc Hà Đông (hay còn gọi là đường Lê Văn Lương kéo dài), đường Lê Trọng Tấn nối quận Hà Đông và huyện Hoài Đức, Đại lộ Thăng Long…
Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Bá Hoạt |
Giai đoạn trước đây, các tuyến đường trục chính nối Thủ đô với các huyện, thị của tỉnh Hà Tây (cũ) chủ yếu chỉ có quốc lộ 32 và quốc lộ 6. Tuy nhiên, các tuyến đường này quá hẹp, thường lâm vào tình trạng quá tải và xuống cấp nghiêm trọng. Từ Hà Nội lên Sơn Tây phải mất 3 giờ đi ô tô mới lên tới nơi. Đường lên thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) cũng rất vất vả. Trước khi sáp nhập, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, lãnh đạo TP Hà Nội và tỉnh Hà Tây (cũ) đã nghiên cứu lập quy hoạch để triển khai một số dự án giao thông trọng điểm. Song, do chính sách đầu tư và cơ chế quản lý khác nhau nên tiến độ thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu. Chỉ đến khi cùng dưới một mái nhà chung, với sự chỉ đạo nhất quán và quyết tâm cao độ của Thành ủy, UBND thành phố, bằng các hình thức đầu tư đa dạng (sử dụng vốn ngân sách, dự án BT…), các dự án giao thông trọng điểm này mới được đẩy nhanh. Điển hình là tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông được triển khai theo hình thức BT do Tập đoàn Nam Cường đầu tư được đưa vào khai thác năm 2010 nhân kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Mặc dù chỉ dài 5,7km nhưng tuyến đường mới này đã "chia lửa" rất hiệu quả cho quốc lộ 6.
Quốc lộ 32 nối Từ Liêm với Sơn Tây dài gần 30km từng nhiều năm gắn liền với cái tên "con đường đau khổ" nay đã trở thành tuyến huyết mạch để Sơn Tây gần hơn với trung tâm Hà Nội. Bây giờ, đi từ trung tâm thành phố tới Thành cổ Sơn Tây, thời gian ngồi ô tô chỉ mất khoảng 1 tiếng rưỡi. Hai bên tuyến đường này, nhiều khu đô thị, khu dân cư được quy hoạch đồng bộ. Các thị trấn Trôi, Phùng, Gạch… trở thành những điểm nhấn kinh tế-xã hội của một vùng đất còn nhiều tiềm năng…
Đột phá giao thông nông thôn
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết: Cùng với những tuyến trục chính nối Hà Nội với một vùng xứ Đoài rộng lớn, thành phố đã quan tâm đầu tư phát triển mạng lưới giao thông nông thôn. Sau 5 năm sáp nhập, đến thời điểm này, hơn 1.660km đường liên huyện đã cơ bản được đầu tư mặt đường kiên cố (đạt 84%); hơn 10.340km đường xã được kiên cố hóa (chiếm 62%), 38% còn lại chủ yếu là đường thuộc khu vực nội đồng. Nhiều tuyến sau đầu tư đã phát huy tác dụng to lớn như: Đường 73 (Ba Thá - Miếu Môn) dài 5km, đường cầu Lão-Ba Thá dài 8,45km, đường 414 từ Sơn Tây đến Khu di tích K9 dài 20km… Hàng loạt cây cầu yếu, thậm chí cầu chỉ là những mảnh ván đặt trên những chiếc thùng phuy ghép, từng là nỗi ám ảnh của người dân địa phương trong mùa bão lũ nay đã được thay thế bằng những chiếc cầu bê tông vững chãi như cầu Hòa Thạch, cầu Phùng Xá, cầu Văn Phương, cầu Sơn Đồng, cầu Hậu Xá…
Bến xe Yên Nghĩa được đầu tư quy mô lớn trên địa bàn quận Hà Đông là biểu hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo TP Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội trong phát triển giao thông công cộng. Khi quỹ đất trong khu vực nội đô ngày càng khó khăn, trong khi các bến xe ngày càng quá tải, thành phố đã đi trước một bước khi xóa bỏ Bến xe Hà Đông cũ để xây dựng bến xe mới Yên Nghĩa rộng 7,3ha. Bến xe mới được đầu tư xây dựng đồng bộ và đưa vào hoạt động từ năm 2010, được quy hoạch để phục vụ toàn bộ tuyến vận tải hành khách liên tỉnh của các địa phương dọc quốc lộ 6 và đường Hồ Chí Minh về Hà Nội và ngược lại.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho rằng: Phát triển hạ tầng giao thông nông thôn đã thực sự là bước đột phá góp phần vào thành công chung của quá trình xây dựng nông thôn mới. Để kéo các vùng sâu, vùng xa, khó khăn về gần hơn Thủ đô, giao thông phải đi đầu, phải đột phá. Có thể nói, sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, GTVT là một trong những lĩnh vực được thực hiện hiệu quả nhất và được chính quyền, nhân dân các địa phương đánh giá cao.
Ý kiến nhân dân Bà Nguyễn Thị Vang (xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín): Các đối tượng chính sách được quan tâm, chăm sóc chu đáo |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.