(HNM) - Người điều khiển xe cần cẩu bị đổ khi đang thi công cầu Hồng Ngự 2 (thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), gây ra vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của người mẹ trẻ 31 tuổi và hai con (5 tuổi, 2 tuổi) sáng 5-5 đã bị tạm giữ để điều tra, làm rõ hành vi "vô ý làm chết người".
Việc cơ quan chức năng sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, từ đó xác định trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, đơn vị liên quan, là bình thường. Thế nhưng, nhìn lại vụ việc này cũng như nhiều vụ việc trước đó có thể thấy không ít bất thường.Tai nạn thường xảy ra bất ngờ ( đối với người gây ra tai nạn và cả những người bị tai nạn) nhưng liên tục xảy ra các vụ tai nạn trong quá trình thi công công trình có còn là bất ngờ với toàn xã hội?
Trở lại vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra sáng 5-5, theo cơ quan điều tra, người điều khiển cần cẩu bị bắt khẩn cấp vì để điều khiển loại phương tiện này phải đáp ứng 3 yêu cầu: được đào tạo chuyên môn, có chứng chỉ huấn luyện an toàn về vận hành phương tiện và có văn bản chỉ định là người vận hành. Thế nhưng, kiểm tra sơ bộ cho thấy, người điều khiển cần cẩu vào thời điểm tai nạn xảy ra chỉ đáp ứng yêu cầu thứ nhất là được đào tạo chuyên môn. Còn chủ đầu tư thì khẳng định, phương tiện vẫn trong thời hạn đăng kiểm. Nếu chỉ dừng lại ở đây, hoàn toàn có thể hiểu là phương tiện bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, nhưng người điều khiển đã… mắc lỗi! Thế nhưng, tại sao một người chỉ đáp ứng 1/3 điều kiện lại được nhận vào điều khiển phương tiện? Phương tiện có bảo đảm chất lượng hay không, cơ quan chức năng sẽ điều tra, làm rõ. Tạm thời cứ cho là phương tiện bảo đảm an toàn, cũng có thể nhận thấy: Đơn vị sử dụng lao động và các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đã buông lỏng quản lý. Tại sao một lao động không bảo đảm các yêu cầu cần lại được tiếp nhận, tham gia thi công tại công trường vừa thi công vừa phải bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông?
Như đã nói, tai nạn lao động xảy ra bất ngờ và rất khó lường. Tuy vậy, hoàn toàn có thể ngăn ngừa, hạn chế nếu các cơ quan chức năng làm hết trách nhiệm của mình. Trước đó chừng hai tháng, ở Hà Nội cũng xảy ra vụ cần cẩu bất chợt đổ sụp giữa đường. May mà khi đó không có phương tiện qua lại. Chưa kể hàng loạt vụ tai nạn lao động gần tương tự trên các công trình giao thông đã cướp đi sinh mạng, làm bị thương không ít người, trong đó có thể nhắc tới hai vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trên công trường đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông xảy ra năm 2014…
Theo phân tích của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về hồ sơ báo cáo các vụ tai nạn lao động gây chết người trong năm 2014, có 72,7% vụ tai nạn xảy ra do lỗi của doanh nghiệp sử dụng lao động; 13,4% do chính bản thân người lao động. Như vậy, rõ ràng, trách nhiệm của doanh nghiệp sử dụng lao động là rất lớn. Nếu thực hiện đúng các quy định, có thể ngăn chặn, hạn chế hơn 85% vụ tai nạn lao động. Bài học kinh nghiệm đã có, nguyên nhân cũng hết sức rõ ràng, nhưng xem ra công tác khắc phục vẫn còn nhiều hạn chế. Liên tiếp các vụ tai nạn lao động xảy ra, trong đó có vụ tai nạn lao động nghiêm trọng ở dự án Formosa (Hà Tĩnh) đã buộc dư luận phải đặt câu hỏi: Phải chăng, các cơ quan chức năng chỉ rút kinh nghiệm rồi… để đấy!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.