Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rút bảo hiểm xã hội một lần và nỗi lo an sinh khi tuổi già

Phú Cường| 18/02/2022 17:56

(HNMO) - Việc tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) giúp người dân có lương hưu để chi tiêu, hưởng chính sách bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe lúc hết tuổi lao động. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, một bộ phận không nhỏ người lao động rút BHXH một lần, đồng nghĩa họ phải gánh nỗi lo bảo đảm an sinh khi tuổi già.

Nhiều người rút bảo hiểm xã hội một lần

Người dân, người lao động tham gia BHXH là hình thức tích lũy cho tuổi già, bởi mức đóng không lớn, mà quyền lợi được thụ hưởng khá nhiều. Hiện tại, đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc, mức đóng vào quỹ BHXH bằng 25% mức tiền lương hằng tháng của người lao động, trong đó, người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17%. Ví dụ, nếu tiền lương đóng BHXH của người lao động là 5 triệu đồng/tháng, thì Quỹ BHXH thu 1.250.000 đồng (người lao động đóng 400.000 đồng, người sử dụng lao động đóng 850.000 đồng). Như vậy, khi tham gia BHXH, hằng tháng, người lao động chỉ đóng số tiền bằng 8% tiền lương hằng tháng, nhưng được hưởng nhiều lợi ích, gồm các chế độ: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Với mức đóng 400.000 đồng/tháng, đến tuổi nghỉ hưu, người lao động nhận được tiền lương hưu tối đa 3.750.000 đồng/người/tháng.

Đối với người lao động tự do, khi tham gia BHXH tự nguyện, người lao động được lựa chọn mức đóng phù hợp với điều kiện của mình, mức thấp nhất bằng chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn (từ năm 2021 trở về trước là 700.000 đồng, hiện nay là 1,5 triệu đồng). Đóng đủ số thời gian quy định, người lao động có thể hưởng lương hưu 75% bình quân mức đóng. Ngoài ra, người hưởng lương hưu còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế có mức hưởng 95% khi khám, chữa bệnh đúng tuyến; người thân được hưởng chế độ tử tuất khi người tham gia BHXH qua đời...

Lợi ích của việc tham gia BHXH đã được khẳng định. Dẫn chứng là hằng tháng, cả nước có hơn 3 triệu người được nhận lương hưu, có khoản chi tiêu khi hết tuổi lao động; đồng thời được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe... Tiếc rằng, vì nhiều lý do, trong đó lý do chủ yếu là cần tiền để trang trải khó khăn trước mắt, nhiều người chọn rút BHXH một lần. Anh Nguyễn Ngọc Nam, tạm trú tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh) cho biết, tháng 8-2021, anh bị mất việc làm, đến cuối năm vẫn chưa tìm được việc làm mới. Mọi sinh hoạt trong gia đình gồm 4 người phụ thuộc vào 7 triệu đồng của vợ, khó khăn chồng chất. Cũng trong giai đoạn này, mẹ anh Nam ở quê không may mắc bệnh trọng, phải nhập viện điều trị. Trong hoàn cảnh ấy, anh Nam xin rút bảo hiểm xã hội một lần để có khoản chi tiêu. 

Ngoài trường hợp nêu trên, theo BHXH Việt Nam, những năm gần đây, trung bình mỗi năm cả nước có gần 750.000 người đề nghị rút BHXH một lần, tương ứng với 2 người tham gia mới, thì có một người rời hệ thống và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong 2 năm liên tiếp (2020 và 2021), mỗi năm, BHXH ghi nhận hơn 860.000 lao động rút BHXH một lần. Thực trạng này đặt ra nhiều vấn đề xã hội, dân sinh cần quan tâm giải quyết.

Bảo đảm việc làm cho người lao động là giải pháp quan trọng để người lao động hạn chế rút BHXH một lần.

Cần nhiều giải pháp khả thi

Để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, qua đó góp phần bảo đảm đời sống, an sinh xã hội cho người lao động, an toàn cho Quỹ BHXH, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng chỉ rõ, trước hết, các bên cần quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện lao động cho người lao động. Cùng với đó là việc tăng quyền lợi nếu người lao động bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí; giảm điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí… Theo ông Quảng, để làm được điều này, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng chú trọng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp duy trì việc làm... 

Dưới góc thực hiện chính sách tại cơ sở, chị Nhữ Thị Hằng, cán bộ phụ trách công tác BHXH tại một doanh nghiệp, đóng tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh) kiến nghị, Nhà nước nâng mức trợ cấp thất nghiệp theo hướng bằng mức lương tối thiểu vùng, giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mắt để họ không nghĩ tới khoản tiền một lần. Về lâu dài, nếu người lao động không tham gia BHXH bắt buộc, thì có thể sang khu vực tự nguyện, song Nhà nước cần nâng mức hỗ trợ tiền đóng cho khu vực này và tạo điều kiện cho người lao động được hưởng các chính sách tương đồng như khu vực bắt buộc.

Tìm hiểu về chính sách BHXH, anh Trần Văn Hiếu, tổ dân phố 8, phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) cho rằng, việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu nếu được triển khai sẽ góp phần hạn chế được tình trạng nhận BHXH một lần. Tuy nhiên, việc giảm thời gian đóng phải được tính toán phù hợp với mức hưởng, bảo đảm người già sống được bằng lương hưu. Vì trên thực tế, hiện nay có những người nhận lương hưu thấp, khiến người chưa tham gia có phần cân nhắc trước khi quyết định tham gia...

Liên quan đến vấn đề này, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế; giảm thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí; điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Trước mắt, các cơ quan chức năng tập trung đưa chính sách trợ giúp người lao động, người sử dụng lao động theo nội dung Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vào đời sống, qua đó giúp người lao động cải thiện điều kiện sống, điều kiện lao động, yên tâm gắn bó với công việc. Còn người sử dụng lao động duy trì việc làm, từng bước tạo thêm việc làm mới, hạn chế tình trạng lao động rơi vào cảnh thất nghiệp, cuộc sống gặp khó khăn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rút bảo hiểm xã hội một lần và nỗi lo an sinh khi tuổi già

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.