(HNM) - Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu, đe dọa tính mạng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của nhiều người. Tại Hà Nội, từ ngày 26-2-2017 đến nay có tới 34 người bị ngộ độc vì rượu có hàm lượng methanol quá cao, trong đó 9 người đã tử vong.
PGS.TS Bùi Quang Huy. |
Tổ chức Y tế thế giới đã xếp các bệnh lý do rượu là nguyên nhân đứng hàng thứ 3 gây tử vong, sau bệnh tim mạch và ung thư. Về vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103.
Tác hại quá lớn...
- Là một chuyên gia y tế, ông đánh giá thế nào về việc liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu thời gian qua?
- Có thể coi nghiện rượu là một dạng tệ nạn xã hội. Khoảng 10% đàn ông Việt Nam ở tuổi trưởng thành uống rượu quá mức, nên ngộ độc rượu rất dễ xảy ra. Có hai khả năng dẫn đến ngộ độc rượu, một là do uống quá nhiều, làm cho nồng độ rượu trong máu tăng cao, dẫn đến ngộ độc; thứ hai, uống nhầm rượu methanol (dù chỉ một lượng nhỏ) cũng gây ngộ độc, hậu quả thường rất trầm trọng. Đa số các ca ngộ độc rượu nặng là do hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép tới hàng chục, thậm chí cả nghìn lần.
- Sử dụng rượu quá mức sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
- Một người bình thường uống quá 150ml rượu trắng (40 độ cồn) là đủ gây ra hiện tượng say rượu. Uống trên 300ml mỗi ngày và uống liên tục trong thời gian tối thiểu 10 năm, sẽ gây ra chứng nghiện rượu.
Tổn thương thường gặp của người nghiện rượu là ở não và biểu hiện dễ thấy là teo não, gây ra sự suy giảm về trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, thay đổi tính tình. Khi ngừng uống rượu đột ngột, bệnh nhân sẽ có hội chứng cai rượu, với các triệu chứng rất đa dạng như run tay chân, mất ngủ, rối loạn thần kinh thực vật, hoang tưởng. Nếu hội chứng cai rượu không được điều trị, có thể sẽ chuyển thành sảng rượu.
Người mắc sảng rượu là cấp cứu tâm thần tối khẩn cấp, nếu không được điều trị kịp thời, thì tỷ lệ tử vong lên tới 33%. Ngoài ra, người uống nhiều rượu dễ bị tổn thương ở gan, dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan. Rồi bị thương tổn ở cơ quan tạo máu, khiến bệnh nhân lâm vào tình trạng thiếu máu, nhược sắc, tổn thương da, teo các tế bào mỡ ở dưới da, teo cơ. Không những vậy, uống nhiều rượu còn ảnh hưởng đến tim, làm tăng huyết áp, rối loạn dẫn truyền, nhồi máu cơ tim, bệnh nội tiết, viêm tụy mạn tính, bệnh đái tháo đường…
Chính do tác hại của việc dùng rượu quá mức, mà Tổ chức Y tế thế giới đã xếp các bệnh lý do rượu là nguyên nhân đứng hàng thứ 3 gây tử vong, sau bệnh tim mạch và ung thư.
- Đó là tác hại của loại rượu bình thường, còn rượu không bảo đảm chất lượng thì sao, thưa ông?
- Rượu không bảo đảm chất lượng, được bán trôi nổi trên thị trường có thể gây hậu quả lớn hơn nhiều. Các loại rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ thường có nhiều tạp chất andehit gây đau đầu, buồn nôn, chóng mặt. Hay rượu được nấu bằng nồi đồng, đựng trong săm ô tô thì lưu huỳnh ở săm sẽ tan vào rượu, người dùng dễ bị bệnh gan nhiễm mỡ, viêm gan và xơ gan.
Nếu rượu có lẫn methanol sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Rượu methanol có mùi vị, màu sắc giống hệt với rượu ethanol nên dễ bị nhầm lẫn và chỉ cần uống một lượng nhỏ rượu methanol là bệnh nhân sẽ bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn. Ngay sau đó, bệnh nhân sẽ rơi vào hôn mê sâu và để lại các di chứng rất nặng nề ở não. Bệnh nhân sẽ bị mù vĩnh viễn do tổn thương võng mạc, mất trí nhớ và không thể hồi phục do đã bị tổn thương não. Nhiều người tử vong sau vài ngày hôn mê sâu do gan, thận, não đều bị tổn thương trầm trọng, không thể hồi phục.
- Ông có thể cho biết những biểu hiện của một số bệnh điển hình liên quan đến rượu?
- Với bệnh nghiện rượu, bệnh nhân thèm uống rượu liên tục, luôn nghĩ đến rượu, nếu không được uống thì run tay, nôn, vã mồ hôi. Khi được uống rượu, những biểu hiện trên biến mất, vì vậy, bệnh nhân cần uống rượu liên tục, không bỏ được.
Với bệnh viêm gan, xơ gan do rượu, bệnh nhân luôn mệt mỏi, đau hạ sườn phải, sợ mỡ, chán ăn, mỡ máu, men gan tăng cao. Khi siêu âm thì thấy rõ hình ảnh của viêm gan, xơ gan. Cá biệt nhiều trường hợp bệnh nhân bị cổ trướng. Với bệnh tim do rượu, bệnh nhân đau đầu thường xuyên, có cảm giác đội mũ chật, đau ngực trái, khó thở, đánh trống ngực, huyết áp tăng cao, mạch nhanh, siêu âm thấy tim to...
“Trẻ hóa” độ tuổi nghiện rượu
- Tỷ lệ bệnh nhân tâm thần liên quan đến rượu ở Bệnh viện Quân y 103 chiếm bao nhiêu phần trăm? Quá trình điều trị có phức tạp và tốn kém không, thưa ông?
- Nghiện rượu là loại bệnh phổ biến nhất ở Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, chiếm khoảng 30% tổng số bệnh nhân vào khám và điều trị. Điều trị nghiện rượu rất phức tạp, bởi lẽ, rượu được bày bán công khai ở khắp mọi nơi, rất dễ mua. Đa số người dân đều cho rằng, có thể tự ngừng rượu, tự cai rượu được và sau cai, người nghiện rất dễ tái nghiện, tỷ lệ lên tới 95%.
Người nghiện rượu phải được điều trị nội trú tối thiểu 3 tuần, sau đó tiếp tục điều trị chống tái nghiện bằng thuốc kháng rượu trong thời gian tối thiểu 2 năm. Chi phí điều trị cai rượu tốn kém cả về vật chất, thời gian, tinh thần cho bệnh nhân và người thân.
- Sử dụng rượu quá mức gây ra gánh nặng y tế như thế nào?
- Đa phần người dân uống rượu tự chưng cất, không đóng thuế, không kiểm định về chất lượng và hậu quả xảy ra chủ yếu ở nhóm uống rượu loại này. Do vậy, lợi ích kinh tế của rượu mang lại ít, nhưng phí tổn do uống nhiều rượu lại rất lớn. Tổn thất lớn nhất xuất phát từ việc người nghiện rượu không thể làm việc được, rồi gây tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Theo số liệu ở Đức, tổn thất do không thể làm việc chiếm 70%, do tai nạn khoảng 20% và do phải điều trị chiếm 10%.
- Có phải bệnh nhân liên quan đến rượu ngày càng trẻ hóa không, thưa ông?
- Đúng vậy! Cách đây khoảng 20 năm, bệnh nhân nghiện rượu ở Việt Nam thường ở độ tuổi 45 - 50. Hiện nay, độ tuổi nghiện rượu trung bình là 40, cá biệt có trường hợp 26 tuổi đã nghiện rượu. Nguyên nhân có nhiều, do điều kiện kinh tế của đa số người dân đã dư dả hơn, thói quen tiệc tùng của một bộ phận giới trẻ, việc quảng bá bia, rượu không được kiểm soát chặt và do các gia đình chưa chú ý đúng mức tới việc giúp trẻ tránh xa rượu, bia… Điều quan trọng, việc quản lý sản xuất, kinh doanh rượu còn quá lỏng lẻo và tồn tại nhiều bất cập.
Rượu nhạt, chén nhỏ, rót ít, uống thưa!
- Về bản chất, thảm họa vì rượu là do cách sử dụng rượu vô độ của con người. Ông có thể đưa ra ngưỡng an toàn khi sử dụng rượu, bia?
- Ngưỡng uống an toàn cho nam giới là 560ml bia loại 5 độ cồn mỗi ngày hoặc 70ml rượu mạnh, hoặc 150ml rượu vang 18 độ. Với phụ nữ, lượng an toàn là một nửa so với nam giới. Với phụ nữ có thai, tuyệt đối không sử dụng rượu, bia.
- Ông đánh giá như thế nào về con số: 77,3% nam giới, 11% nữ giới ở nước ta sử dụng rượu, bia và tỷ lệ nam giới uống rượu, bia ở Việt Nam cao gấp 2 lần so với mức trung bình của thế giới?
- Tỷ lệ này so với các nước công nghiệp phát triển và các nước đang phát triển thì không cao hơn, nhưng so với những nước nông nghiệp thì đã ở mức báo động. Tuy nhiên, theo tôi, số lượng người uống rượu không phải là vấn đề lớn; chất lượng rượu và số lượng rượu tiêu thụ trên đầu người mới là điều quan trọng. Vì thực tế cho thấy, tại các nước Châu Âu, Châu Mỹ rất ít khi xảy ra các vụ ngộ độc, bởi rượu của họ hầu như rất ít tạp chất do đã được khử rất kỹ, trước khi đưa ra thị trường.
- Làm thế nào để hạn chế tình trạng uống rượu, bia quá đà như hiện nay?
- Để hạn chế tình trạng uống rượu, bia quá nhiều và hạn chế ngộ độc rượu, trước hết phải đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của rượu, bia. Đặc biệt, khi tuyên truyền, nên dùng các hình ảnh sinh động, gây ấn tượng mạnh (giống như thuốc lá) để nâng cao hiệu quả. Đồng thời, có chế tài xử phạt thật nặng các cơ sở sản xuất rượu vi phạm về chất lượng đã đăng ký, các hộ gia đình sản xuất rượu không có giấy phép nếu có bán rượu ra thị trường. Bắt buộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh có dùng cồn công nghiệp methanol phải có nhãn mác in to, rõ ràng trên bao bì để người mua dễ nhận biết, tránh nhầm lẫn với cồn ethanol. Hiện Việt Nam chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên, còn lại được quảng cáo như hàng hóa dịch vụ bình thường, do đó, cần siết chặt quy định pháp luật liên quan đến sử dụng, buôn bán, quảng cáo bia, rượu.
Về phía cơ quan, gia đình nên có các hình thức để hạn chế số lượng rượu uống như phạt nặng cán bộ, công chức, người lao động uống rượu, bia ở bữa ăn trưa; những người tham gia giao thông ngay sau khi uống bia, rượu... Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu tăng thuế đối với các mặt hàng bia, rượu.
Đối với người tiêu dùng, có thể chọn “công thức” uống rượu như sau: Rượu nhạt, chén nhỏ, rót ít, uống thưa. Nên giới hạn lượng rượu, bia ở mỗi buổi liên hoan. Chẳng hạn, buổi liên hoan có 30 người thì chỉ mua 30 chai bia và không gọi thêm đồ uống có cồn khi đã uống hết cơ số rượu, bia nói trên. Và, chỉ mua rượu, bia ở các cơ sở kinh doanh đáng tin cậy; duy trì “lịch” nghỉ uống rượu trong những ngày cuối tuần để giúp gan được nghỉ ngơi, hồi phục. Người uống rượu cần ăn nhiều rau xanh, thịt, cá, trứng và uống mỗi buổi sáng 1 cốc sữa tươi.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.