Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ruộng đất manh mún - khó hút công nghệ cao

Nguyễn Mai| 24/02/2017 07:07

(HNM) - Khó khăn lớn nhất hiện nay là ruộng đất manh mún, nhiều ô thửa nên khó thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao.


Ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu trong phát triển nông nghiệp của Thủ đô. Trong ảnh: Trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại xã Phương Đình, huyện Đan Phượng. Ảnh: Bá Hoạt.


Khó tích tụ ruộng đất

Sau thành công của chương trình dồn điền, đổi thửa gắn với xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương ở ngoại thành Hà Nội đã đẩy mạnh quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng CNC vào sản xuất. Đơn cử như huyện Đan Phượng đã hình thành một số dự án, mô hình ứng dụng CNC trong nông nghiệp, chứng minh hiệu quả rõ rệt so với canh tác truyền thống.

Trong đó, khu trồng hoa lan ứng dụng CNC tại xã Phương Đình là một ví dụ. Chủ nhân của khu này đã thực hiện toàn bộ các thao tác từ ươm giống, nuôi cấy, chăm sóc, thu hoạch hoa bằng dây chuyền đồng bộ. Với sự hỗ trợ của công nghệ, người trồng hoa có thể quyết định được màu sắc, chủng loại, kích thước hoa. Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng cho biết, từ hiệu quả mô hình này, Đan Phượng sẽ chỉ đạo nhân rộng ra nhiều xã, thị trấn của huyện.

Ứng dụng CNC vào sản xuất đem lại hiệu quả cao là điều không cần bàn thêm, nhưng để phát triển các mô hình này vẫn còn không ít trở ngại. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tất Thắng cho rằng, khó khăn nhất đó là đất đai. “Để tích tụ ruộng đất có 2 nguồn: Đối với đất quỹ 2 (do xã quản lý) diện tích nhỏ lẻ, manh mún; khi chia ruộng cho nhân dân, những chỗ đất đẹp đã chia hết, chỗ xấu mới để lại làm quỹ 2; thời gian cho thuê đất quỹ 2 cũng chỉ trong 5 năm nên DN không mặn mà đầu tư lớn. Nguồn thứ 2 là đất quỹ 1 (đã chia cho các hộ), áp theo giá đền bù giải phóng mặt bằng của Hà Nội cao hơn nhiều so với các tỉnh, thành phố khác nên không cạnh tranh được; trong khi đó, việc tuyên truyền để nông dân góp ruộng vào cùng sản xuất cũng không dễ bởi người dân “chín người mười ý”, khó thống nhất” - ông Thắng nói.

Đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương trong tích tụ ruộng đất, thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC. Chủ tịch UBND xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ Nguyễn Viết Cường cho biết, đã có DN về xã muốn thuê 10ha đất nhưng không thực hiện được mặc dù huyện và xã trải thảm đỏ mời gọi đầu tư.

Cách nào gỡ khó?

Tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2016-2020 diễn ra mới đây, Ban Chỉ đạo Chương trình chỉ rõ: Năm 2017, Hà Nội sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng CNC, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hà Nội đặt mục tiêu có vùng nông nghiệp ứng dụng CNC và phấn đấu mỗi huyện, thị xã có 1 điểm, mô hình ứng dụng CNC.

Từ thực tiễn ở cơ sở, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Tịnh cho rằng, nông dân lo ngại khi cho thuê đất thì sẽ thiếu việc làm. Do vậy, để vận động dân cho thuê hoặc cùng nhau tích tụ ruộng đất vào các HTX hay liên kết với DN phải bảo đảm quyền lợi cho nông dân, tạo điều kiện để người dân trở thành công nhân với thu nhập cao trên chính mảnh ruộng của họ.

Ở một góc nhìn khác, ông Phùng Xuân Tuyến, Bí thư Đảng ủy xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai cho biết: Trên địa bàn xã Đỗ Động người dân đã tự chuyển đổi ruộng đất cho nhau để có thửa lớn đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, các hộ thường chuyển nhượng ngầm chứ không thông qua chính quyền địa phương, từ đây dẫn đến việc quản lý gặp nhiều khó khăn.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Hà Minh Hải đề xuất: Để tháo gỡ khó khăn cho DN khi đầu tư vào nông nghiệp dứt khoát phải thông tin rõ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giới thiệu cho nhà đầu tư được biết để họ thuận tiện trong lựa chọn đầu tư. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Mười mong Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi Điều 193 của Luật Đất đai nhằm tạo điều kiện cho DN tích tụ ruộng đất, đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC.

Vừa qua, một số huyện có ý tưởng đứng ra thuê đất của nông dân (tại những vùng nông dân có nghề phụ và không mặn mà với đồng ruộng) rồi giao lại cho các DN thuê. Đó cũng là một trong những giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong tích tụ đất đai để có đủ diện tích đầu tư CNC vào sản xuất, tạo đột phá cho sản xuất nông nghiệp Thủ đô.

"Bằng nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ của thành phố, tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp của Hà Nội đã tăng nhanh. Trong chăn nuôi hầu hết các trang trại quy mô lớn đều xây dựng chuồng trại "thông minh", có điều hòa nhiệt độ; nuôi bò sữa có máy vắt sữa, máy thái cỏ; nuôi thủy sản có quạt nước; trong trồng trọt đã cơ giới hóa 100% khâu làm đất, 52% khâu gặt đập...".

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ruộng đất manh mún - khó hút công nghệ cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.