(HNM) - Trong những ngày đầu xuân, hầu hết các cánh đồng ngoại thành Hà Nội đều nhộn nhịp nông dân cấy lúa, trồng màu, nơi thì tấp nập máy cày, máy bừa làm đất; nơi thì nhổ mạ, cấy lúa. Chả cứ với người làm nghề nông, "tấc đất tấc vàng" thời nay là vậy. Thế nhưng điều lạ kỳ là trên các xứ đồng của xã Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) lại vắng bóng người, đất để hoang phí… Vì sao tồn tại tình trạng này?
Đồng ruộng bỏ hoang, người dân thiếu việc làm
Cả xã Vân Canh có khoảng 280ha đất nông nghiệp. Từ năm 2007 về trước, hơn 7.000 nhân khẩu của xã chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi và buôn bán nhỏ. Theo quy hoạch của UBND tỉnh Hà Tây (cũ), toàn bộ diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã sẽ bị thu hồi để xây dựng các khu đô thị. Tuy nhiên, đến năm 2008, cả xã mới giải phóng mặt bằng được hơn 200ha đất nông nghiệp để giao cho 3 chủ đầu tư thực hiện các dự án: Khu đô thị Vân Canh của Tập đoàn Nhà và Phát triển đô thị Việt Nam (HUD), Khu đô thị nhà vườn của Vinapol và Khu đô thị đại học Vân Canh của Công ty cổ phần An Lạc. Do công tác bố trí, sắp xếp các dự án chưa được hợp lý, khiến toàn bộ số diện tích còn lại của xã Vân Canh (khoảng 60ha) nằm xen kẹt giữa các dự án, rất khó cho việc canh tác ở các xứ: Đồng Thông, Đồng Chảy… của thôn Hậu Ái; Ải A, Ải B, Bờ Dừa, Cửa Chùa, Đồng Sống 1, 3… của thôn Kim Hoàng; Màu 3, Ổ Gà, Cửa Quán, Uây Xa, Đồng Cời, Cây Quýt, Đồng Tiến… của thôn An Trai. Hơn nữa, trong quá trình san lấp, thi công thực hiện các dự án, toàn bộ hệ thống kênh mương đã bị phá vỡ, không điều tiết được nước, khiến cho các hộ có ruộng ở đây không thể cấy lúa. Chính vì vậy, mặc dù thời vụ cấy lúa xuân đã qua một tuần, nhưng các cánh đồng của xã Vân Canh vẫn bỏ hoang, nơi ngập trắng nước, nơi đồng ruộng nứt nẻ, cỏ dại mọc um tùm.
Xứ đồng Đồng Sống 1, 3 ruộng đất bỏ hoang. |
Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Canh cho biết: "Với trách nhiệm của mình, Ban quản trị Hợp tác xã đã động viên bà con không để đất hoang hóa; đồng thời tham mưu với chính quyền địa phương cho phép các hộ chuyển đổi đất cấy lúa sang trồng rau màu ngắn ngày. Nhưng cũng chỉ có một số diện tích ở gần khu vực có ao, hồ mới trồng được rau, còn lại đành phải bỏ hoang. Hợp tác xã cũng đã lập danh sách các hộ có đất xen kẹt không canh tác được gửi UBND xã và UBND huyện Hoài Đức để yêu cầu các chủ dự án đang thi công trên địa bàn hỗ trợ những thiệt hại cho bà con nông dân, nhưng tới giờ vẫn chưa được quan tâm, giải quyết".
Ông Trần Xuân Vượng, Chủ tịch UBND xã Vân Canh lý giải: Trước khi hợp nhất Hà Tây và Hà Nội, toàn bộ đất nông nghiệp của xã Vân Canh đã được quy hoạch, phê duyệt theo tỷ lệ 1/500. Diện tích đất nông nghiệp còn lại của xã hiện đang bị kẹt giữa các dự án đã thu hồi đất của người dân giao để cho chủ đầu tư, do đó chính quyền địa phương rất khó khăn trong việc chỉ đạo sản xuất. Ngay như vụ xuân 2011 này, xã Vân Canh cũng không chỉ đạo cấy lúa được. Cả xã và huyện đều không đủ thẩm quyền bố trí, sắp xếp các dự án, bởi vậy, số diện tích bị kẹt vẫn đang phải chờ thành phố Hà Nội phê duyệt, thu hồi để giao cho các doanh nghiệp thực hiện dự án đã được quy hoạch.
Gian nan tìm kế sinh nhai
Hiện tốc độ đô thị hóa ở xã Vân Canh diễn ra rất nhanh. Bên cạnh những dự án xây dựng các khu đô thị, nhà vườn… là những khoảnh đất bỏ hoang, người dân không thể canh tác. Ông Trần Văn Uy ở thôn Kim Hoàng bức xúc: "Chúng tôi bây giờ hầu như chẳng còn đất để sản xuất, ruộng đồng đã bị thu hồi gần hết, số diện tích còn lại thì không thể làm được. Tuy đất dịch vụ chưa được chia, mới thấy trên giấy tờ nhưng nhiều gia đình đã bán để chi tiêu. Ai có nghề phụ còn đỡ, người không nghề thì chẳng biết làm gì…". Còn chị Lê Thị Toàn ở thôn An Trai buồn rầu cho biết: "Gia đình tôi có hơn 6 sào nằm trong diện đất kẹt, suốt từ năm 2008 đến nay không thể cấy trồng gì được. Hiện gia đình tôi phải ăn gạo đong, trong khi đó ruộng cấy lúa hai vụ lại phải bỏ hoang. Thật là nghịch cảnh, mọi người đều biết, xã biết, huyện biết nhưng tất cả đều bó tay, không ai giải quyết".
Cách đây khoảng 4 năm, khi người dân xã Vân Canh nhận được những khoản tiền đền bù đầu tiên, trong khi nhiều người dùng ngay tiền để làm nhà, mua xe máy, ô tô, thì ông Lê Văn Thọ vẫn kiên quyết giữ ngôi nhà cổ của cha ông để lại. Vậy mà mới đây, ông đành ngậm ngùi phá đi nơi đã an cư nhiều thế hệ, từng là niềm tự hào của gia đình để dựng lên một ngôi nhà 3 tầng bê tông cốt thép cho "bằng chị bằng em", tránh lạc lõng giữa khung cảnh "đô thị hóa". Để xây ngôi nhà mới, gia đình ông Thọ đã phải dồn toàn bộ số tiền đền bù đất, tiền bán 2 suất đất dịch vụ vào đó. Có được ngôi nhà khang trang để ở, nhưng ông không khỏi lo lắng cho tương lai con cái mình, khi đất canh tác vốn là kế sinh nhai của gia đình nay đã không còn. Cả 4 người con của ông cũng như nhiều thanh niên khác trong làng, phải ra ngoài làm thuê, làm mướn. Nỗi lo của ông Thọ cũng là nỗi lo của hàng trăm hộ gia đình nông dân ở xã Vân Canh hiện nay.
Nhiều người dân có tiền bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp trong tay, nhưng không biết cách làm ăn hoặc đầu tư để "tiền chửa, tiền đẻ", nhất là các đối tượng thanh niên mới lớn, làm cho tình hình an ninh trật tự xã hội trên địa bàn xã trở nên phức tạp. Ông Nguyễn Văn Thành bộc bạch: "Quả là khi bỗng dưng có cả đống tiền trong tay thì thật khó giữ mình, không ít người đã dính vào rượu chè, cờ bạc, lô đề. Chính bản thân ông cũng đã một thời như thế". Phó trưởng Công an xã Vân Canh Trần Văn Tân cũng khẳng định: "Việc làm không có, trong khi người dân lại sẵn tiền đền bù, dẫn đến tệ nạn xã hội trên địa bàn xã những năm gần đây tăng đột biến. Hầu như ngõ, xóm nào cũng có người chơi lô, đề, mặc dù lực lượng an ninh của địa phương rất cố gắng, nhưng không thể dẹp được".
Theo Nghị định 69/NĐ-CP, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, người trong độ tuổi lao động sẽ được nhận vào các cơ sở đào tạo nghề và được miễn học phí đào tạo cho một khóa học. Tuy nhiên, việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân sau khi không còn đất thực sự là một bài toán nan giải. Là một trong những địa phương sớm phải đối mặt với bài toán đô thị hóa, nhưng đến nay, lãnh đạo xã Vân Canh phải thừa nhận rằng, vẫn chưa tìm được một lối đi, một định hướng hay một chính sách hỗ trợ việc làm nào hiệu quả cho người dân. Việc làm với thanh niên đã khó, những đối tượng từ 40 tuổi trở lên còn khó hơn. Học nghề mới cũng khó do trình độ hạn chế, do tuổi tác... Ông Trần Xuân Vượng, Chủ tịch UBND xã Vân Canh cho hay: "Huyện Hoài Đức đã tổ chức nhiều lớp học nghề điện, cơ khí, may, thủ công mỹ nghệ… song rất ít người theo học, bởi "đầu ra" sau đào tạo còn đang bị bỏ ngỏ. Ngoài ra, xã Vân Canh còn thường xuyên thông báo trên hệ thống loa truyền thanh, thậm chí còn phát giấy mời đến từng hộ gia đình tham gia tuyển dụng vào các doanh nghiệp, nhưng người dân cũng không mặn mà, vì công việc không phù hợp".
Một thực tế đáng báo động tại xã Vân Canh hiện nay, đó là nông dân không có việc làm, một số đất ruộng đồng để hoang hóa, trong khi chính quyền và các ngành chức năng chưa thể hỗ trợ người dân chuyển đổi, tìm việc làm thích hợp. Tình trạng này nếu không được chính quyền và các cơ quan chức năng của huyện Hoài Đức và thành phố Hà Nội quan tâm giải quyết sớm, chắc sẽ dẫn đến hệ lụy khó lường về mặt xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.