(HNMO) - Thấy tóc rụng từng mảng lốm đốm trong thời gian gần đây, nam bệnh nhân ở Hà Nội tới Bệnh viện Da liễu trung ương để thăm khám và kết quả bất ngờ, người này bị giang mai giai đoạn 2.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Minh, Phó Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, nam bệnh nhân đi khám trong tình trạng tóc rụng kiểu “rừng thưa”, không giống với rụng tóc hói thông thường. Ngoài ra, bệnh nhân có kèm theo hồng ban mọc nhiều vị trí như hông, lưng, chân.
Nhận thấy bệnh nhân có những triệu chứng điển hình của giang mai, bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm. Kết quả, nam thanh niên được chẩn đoán mắc giang mai giai đoạn 2.
Khai thác tiền sử bệnh nhân được biết, khoảng nửa năm trước, anh có quan hệ tình dục với người lạ nhưng không có biện pháp bảo vệ, sau đó có xuất hiện tổn thương vùng kín, vài tuần sau biến mất. Gần đây, vì tóc rụng nhiều, tay nổi hồng ban, bệnh nhân mới đi khám. Tuy nhiên, anh chưa từng nghĩ việc rụng tóc này là do bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Bác sĩ Nguyễn Quang Minh cho hay, do không phát hiện sớm nên bệnh nhân đã bỏ qua điều trị bệnh ở giai đoạn 1 khiến xoắn khuẩn giang mai lan tràn khắp cơ thể, làm tổn thương nhiều vị trí. Rụng tóc do giang mai vẫn có thể phục hồi nhưng trong trường hợp điều trị muộn, tổn thương viêm nhiều khiến nang tóc hỏng, sẽ hạn chế quá trình phục hồi.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Nguyễn Quang Minh khuyến cáo, rụng tóc là biểu hiện, triệu chứng cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm. Rụng tóc có thể do yếu tố khởi phát từ bên trong như nhóm bệnh lý tự miễn hoặc thông qua cơ chế tác động từ bên ngoài như nhiễm khuẩn, phẫu thuật, sức khỏe tinh thần, sốt…
Thực tế, có rất nhiều bệnh nhân đã tự điều trị rụng tóc khiến “tiền mất, tật mang”. Khi bệnh không đỡ, thậm chí nặng hơn mới đến bệnh viện thăm khám. Do đó, người dân khi có các biểu hiện khác lạ về tóc nên được thăm khám để điều trị kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.