Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rùng mình “cơm bụi” đường phố

Hà Tuấn| 26/03/2012 06:25

(HNM) - Thời gian gần đây, ở TP Hồ Chí Minh các quán cơm "bụi" bung ra như "nấm sau mưa". Đa phần các hàng quán đều lấn chiếm lòng lề đường, tạo cảnh nhếch nhác, đặc biệt rất mất vệ sinh.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng của TP có vẻ lúng túng, chưa triển khai một cách chặt chẽ và nghiêm túc việc kiểm tra đăng ký kinh doanh, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), hướng dẫn các hộ kinh doanh bán hàng đúng quy định, hợp mỹ quan...

Hàng cơm bụi trước cổng Bệnh viện Hùng Vương.

Lạ nỗi, biết bẩn mà vẫn... ăn

Chị Nguyễn Thị Vinh, quê Quảng Bình, theo con gái vào Sài Gòn được hơn 5 năm nay, lúc đầu cả hai mẹ con xin vào làm công nhân cho một công ty may mặc, dành dụm chừng hai năm được gần 20 triệu đồng. Hai mẹ con thuê một phòng trọ hướng ra mặt đường hẻm đường Ngô Chí Quốc, khu phố 2, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, gần Khu công nghiệp Linh Trung 2. Rồi chị Vinh nghỉ làm ở công ty, mở quán bán cháo lòng, hủ tiếu được 1-2 tháng, sau đó chuyển thành quán cơm "bụi". Nhận thấy quán ngày càng làm ăn khá, đứa con gái của chị cũng nghỉ làm công ty về phụ mẹ bán cơm "bụi" gần 3 năm nay. "Phòng trọ vừa gần đường vừa gần khu công nghiệp nên khách đông lên từng ngày. Giá cả một đĩa cơm cũng rất rẻ so với nhiều quán ăn khác, trung bình 10.000 đồng đến 12.000 đồng, phù hợp với mức sống bình dân. Quan trọng mình tận dụng được mặt bằng và mua được thực phẩm giá cả phải chăng" - chị Vinh thổ lộ.

Theo quan sát của chúng tôi, quán cơm của chị Vinh chẳng khác nào "lán dã chiến" với tấm bạt giăng đã bị mưa nắng xé rách te tua, chỗ rửa bát như một bãi rác với đống đồ dơ vung vãi khắp nơi đã bốc mùi. Dưới bàn ăn của khách rác cũng chất đống, chén đũa còn dính đầy vết bẩn và mốc meo… nhìn đã nổi da gà…

Quán của chị Vinh chỉ là một trong vô số các quán cơm bụi mới được mở. Qua tìm hiểu của PV, hầu hết các quán kinh doanh bám sát mép đường có nhiều xe qua lại, nhưng không có màn che thức ăn để giữ gìn vệ sinh. Cơm bụi thường có giá 10.000 đồng đến 15.000 đồng/đĩa, gọi thêm cơm thì 1.000 đồng/đĩa nhỏ. Vì bán rẻ như thế, để có lãi, đa số các chủ quán ra chợ chọn mua thực phẩm tồn lâu ngày như thịt để tủ lạnh, cá ướp đá, rau củ quả Trung Quốc; hoặc các loại thịt, cá được mua cuối buổi chợ khi các chủ hàng "bán tháo" gỡ vốn, đa phần đều đã bị ươn, bốc mùi... Hàng được mua với giá rẻ, đem về ướp thêm "hóa chất" vào, biến thành những món ăn thơm, bắt mắt bán cho khách bình dân. Gạo thì chọn loại rẻ nhất pha trộn với nhau, trước khi nấu ngâm hàng giờ cho gạo nở nấu sẽ được nhiều cơm. Thậm chí, có chủ quán mua một loại chất bột màu trắng bán rất nhiều ở chợ Bà Chiểu, khi vo gạo thì đổ bột này vào, nó có tác dụng làm gạo nở và xốp cơm. Nước rửa bát đều không rõ nguồn gốc đựng đầy can 5 lít cũ bẩn. Chính vì việc chế biến, bảo quản thức ăn trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh nên đã gây ra nhiều vụ ngộ độc thức ăn. Theo thống kê của Bộ Y tế, hằng năm có trên 5.000 người phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm. Còn theo kết quả một cuộc điều tra mới đây với 100 bạn đọc, 80% trong số họ nói biết không thể có cái giá rẻ như thế cho một suất cơm, 15% vẫn còn suy nghĩ: "Thôi, dù sao cũng nuốt vào bụng cả rồi", 5% hy vọng "chắc người ta mua được thực phẩm giá sỉ nên mới bán với giá rẻ như thế". Không ai trong số được hỏi dám khẳng định thức ăn bán ở các quán cơm bụi không bẩn, không kém chất lượng, nhưng lạ nỗi, cứ đến giờ ăn, quán nào quán nấy đều chật ních người ra vào.

"Tấn công" cả... bệnh viện

Không chỉ tung hoành trên các tuyến phố, quán cơm bụi còn "tấn công" bám chặt lấy các cổng viện như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Gia Định, Bệnh viện Ung bướu... Dù trước các cổng viện luôn treo các băng rôn, bảng hiệu ghi rõ: "Cấm tụ tập buôn bán, lấn chiếm lòng lề đường", nhưng các chủ quán coi như không biết và luôn tìm mọi cách để "bành trướng", tranh giành mọi vị trí "hở" ra để bày bán cơm, cháo, bún, nước uống… lấn chiếm hè đường, gây lộn xộn, cản trở việc đi lại của xe cộ, khách bộ hành, bệnh nhân. Nhiều người còn táo tợn "tận dụng" cả cổng, hàng rào bệnh viện để treo dụng cụ bán hàng.

Anh Nguyễn Tuệ, lái xe taxi than thở: "Mỗi lần chạy xe đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Hùng Vương, tôi thường phải xuống dẹp bàn ghế, dụng cụ… sang một bên. Với những bệnh nhân nữ mang bầu, nhiều lần tôi phải xuống xe dìu họ từng bước, thậm chí có những phụ nữ suýt sinh ngay trên xe do xe cấp cứu không vào được vì bị quán cơm bụi lấn chiếm lối vào cổng bệnh viện". Chị Nguyễn Thanh Mai Hoa, chuyên mua cháo tại một quán gần bệnh viện vào cho người nhà cho biết: "Ra ngoài giá rẻ hơn, dù biết có thể vấn đề vệ sinh thực phẩm không an toàn vì không được kiểm tra thường xuyên, nhưng cũng không còn cách nào khác bởi hoàn cảnh gia đình tôi quá khó khăn".

Tại Bệnh viện Ung bướu, chúng tôi đếm vội cũng thấy có tới mấy chục quán cơm, hủ tiếu, cháo, phở… mọc tràn lan bên đường, "mon men" vào sát cổng bệnh viện. Môi trường tại các điểm buôn bán này hoàn toàn chưa thật sự bảo đảm ATVSTP như quá gần cống rãnh, thực phẩm không được che chắn, bị phơi ra trước khói bụi, côn trùng… Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số bệnh nhân tại các bệnh viện là người nghèo, hoàn cảnh rất éo le, cho dù bản thân họ biết những hàng ăn bán quanh bệnh viện không bảo đảm ATVSTP nhưng đối với họ mua được những suất ăn hằng ngày đã quá tốt miễn giá càng bình dân càng tốt, bất chấp các khuyến cáo từ dư luận xã hội và từ bệnh viện.

Trao đổi với PV, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP cho biết, các hàng, quán bày bán chủ yếu bên ngoài cổng bệnh viện nên bệnh viện không có thẩm quyền quản lý và xử lý. Mặt khác, nếu làm căng quá, họ còn hăm dọa cả cán bộ bệnh viện! Có lần chẳng biết bên ngoài các hàng quán tranh mua, tranh bán thế nào mà các chủ quán vác dao đuổi nhau chạy cả vào bệnh viện. Bệnh viện nhiều lần cũng khuyến cáo bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nên dùng các thực phẩm an toàn và có nguồn gốc rõ ràng để bảo đảm sức khỏe, không nên ham rẻ mà bất chấp an toàn thực phẩm, thế nhưng, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ham rẻ, nhiều người vẫn chấp nhận cơm bụi.

Một bác sĩ tại Bệnh viện Hùng Vương cho biết, bệnh viện đã có kiến nghị gửi cấp chính quyền và thường xuyên phối hợp với công an phường dẹp cảnh lấn chiếm trước cổng bệnh viện. Thế nhưng có công an tới thì gánh hàng rong, chủ quán, vội "sơ tán" dụng cụ, đồ ăn, khi công an vừa đi thì hàng quán lại được bày ra ngay.

Để quản lý tốt công tác ATVSTP tại các quán ăn vỉa hè đặc biệt là các quán "cơm bụi" thì phường, xã cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra quản lý, đồng thời phải "mạnh tay" đối với những chủ kinh doanh vi phạm ATVSTP. Luật An toàn thực phẩm được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17-6-2010 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2011. Trong đó quy định rõ đối với loại hình thức ăn đường phố là một loại hình kinh doanh đặc biệt và hiện là đối tượng gây ngộ độc thực phẩm cao nhất. Vì vậy, nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, như dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh; có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại; có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh; tuân thủ quy định về sức khỏe… Đặc biệt, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh thức ăn này chỉ có thời hạn 3 năm, thay vì vô hạn như trước đây.

Thực trạng mất ATVSTP tại các quán cơm "bụi" đang đặt ra cho các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh nhiều việc phải làm. Những cam kết của các chủ quán cơm này (nếu có) xem chừng chỉ làm cho có, cho đủ điều kiện để kinh doanh. Trên thực tế, không mấy quán thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn về bảo đảm ATVSTP mà cơ quan chức năng quy định, chưa kể còn rất nhiều quán không hề đăng ký kinh doanh. Chính vì thế, hệ lụy đến với người ăn cơm "bụi" là rất hay bị ngộ độc thực phẩm, nhẹ thì đau bụng, nặng thì phải đi cấp cứu, thậm chí dẫn tới tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rùng mình “cơm bụi” đường phố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.