(HNM) - Quá nửa đêm, huyện lị Na Rì đang chìm trong giấc ngủ. Những hạt mưa nhỏ rơi nhẹ không thành tiếng. Bỗng nhiên, hai tiếng động cơ xe máy rú lên, lao qua nhà trọ hướng về phía Bình Gia, Lạng Sơn. Ông chủ nhà trọ nói:
Khẩu hiệu giữ rừng có mặt ở khắp nơi trong rừng Kim Hỷ. |
"Rừng vàng" hơn một lần đau
Ngay sáng hôm sau, chúng tôi hỏi đường tìm vào thôn Lủng Pảng, xã Côn Minh, một trong những điểm nóng về khai thác gỗ nghiến. Đường vào Lủng Pảng không dễ như chúng tôi tưởng. Mấy trận mưa từ hôm trước khiến nhiều đoạn đá hộc trộn đất bùn trơn trượt, chúng tôi phải xuống để dò đường, đẩy xe mới có thể qua được. Càng đi đường càng hiểm trở, rừng càng hoang vu. Sau hơn một tiếng đồng hồ vật lộn với thứ được gọi là đường, chúng tôi mới nhìn thấy thôn Lủng Pảng ở dưới con dốc, mờ mờ trong làn mưa rừng đang dày thêm.
Hơn 30 nóc nhà của người Dao nằm lọt thỏm giữa một bên là vùng lõi và một bên là vùng đệm của rừng Kim Hỷ. Chỉ về phía mấy ngọn núi ngay trước thôn, phần nằm trong vùng lõi, ông Hoàng Đức Toàn, Phó Bí thư chi bộ và nguyên là Trưởng thôn Lủng Pảng bảo rừng nghiến kia kìa, cứ cây nào tán màu xanh thẫm chĩa ra ở trên cao thì là nghiến. Rừng này nhiều nghiến lắm nên bọn "săn thớt" mới vào phá để bán sang Lạng Sơn rồi đưa sang Trung Quốc kiếm tiền. Cả Na Rì chỉ còn mỗi vùng này còn gỗ nghiến.
Bên ấm trà nóng, ông Toàn thủ thỉ kể về cuộc sống khó khăn của đồng bào Dao. Hơn ba chục hộ ở đây chỉ trông vào hơn 5 héc ta ruộng cấy lúa một vụ phải chờ nước trời nên nhà nào cũng phải soi bãi trồng ngô ven rừng, rồi trồng thêm dong riềng, đỗ, lạc… Trước đây, dân thôn này cũng đi rừng khi nông nhàn để kiếm thêm miếng ăn. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây không đi nữa phần vì bị cấm nghiêm ngặt, phần vì cuộc sống cũng đã khá hơn.
Nếu cuộc vật lộn mưu sinh của người Dao ở Lủng Pảng khó ba phần, cuộc chiến giữ rừng lại cam go, vất vả, nguy hiểm tới bảy phần. Hầu hết người Dao ở đây đều có ý thức giữ rừng, số muốn phá hoặc bị đám người nơi khác đến lôi kéo thì ít thôi. Khi người đi rừng về báo có bọn đang đốn nghiến, một nhóm mấy người tay không vào rừng thì làm sao mà cản được, ông Toàn than thở, lúc đó chỉ còn mỗi cách là báo cho các cơ quan chức năng. Trong khi đó, bọn phá rừng có đủ mọi thứ, từ cưa máy, dao rựa, thậm chí có cả "hàng nóng" để đánh lại những người giữ rừng. Mặc dù từ tỉnh đến xã có đủ ban bệ để giữ rừng, nhưng không hiểu sao rừng vẫn bị phá. Trong đợt phá rừng "cao điểm" hồi cuối năm 2009 và đầu 2010, hàng đoàn người từ các xã Ân Tình, Cao Sơn, Vũ Muộn và cả người ở ngay xã Côn Minh đổ về Lủng Pảng. Tiếng cưa máy nhiều hôm vọng xuống cả thôn Lủng Pảng. Người Lủng Pảng lo lắng lắm!
Trong cơn mưa rừng tầm tã, ông Toàn đưa chúng tôi sang nhà anh Triệu Kim Thanh, Phó Công an thôn Lủng Pảng. Vừa địu đứa cháu trên lưng, anh Thanh vừa kể chuyện người Dao ở Lủng Pảng đã giữ rừng như thế nào. Vụ gần đây nhất, nghe thấy tin báo, anh Thanh cùng tổ công tác lên đến ngã ba Tu Hin và ém quân luôn ở đây vì đường nào cũng phải đi qua ngã ba này. Vừa vào vị trí đã thấy một thanh niên gùi một quả thớt đi xuống núi. Anh Thanh hỏi đi đâu thế, người thanh niên bảo đi mót rừng. Khi các anh yêu cầu dừng lại, người thanh niên hốt hoảng vứt quả thớt lại và chạy thoát. Được một lúc, tổ công tác lại thấy một người đàn bà trên lưng cũng gùi một quả thớt. Lần này, người đàn bà không kịp chạy thoát và khai tên là Nông Thị Đẹp người xã Văn Minh. Anh Thanh kể lại, "bà Đẹp hồn nhiên bảo là thấy người ta mót được thì mình cũng đi thôi". Không phải tự nhiên mà người dân cứ rủ nhau đi gùi nghiến lậu từ rừng ra. Bởi mỗi một quả nghiến như thế, bà Đẹp hay anh thanh niên kia sẽ kiếm được từ 50.000 đến 100.000 đồng tùy thuộc thời điểm và quãng đường phải gùi.
Anh Thanh nói, dạo này không thấy người ta sang đốn nghiến nữa, có lẽ bọn phá rừng chờn tay vì chính quyền các xã làm gắt quá. Chỉ tính riêng xã Côn Minh đã có đến ba tổ chốt chưa kể trạm kiểm lâm. Tổ chốt ở Lủng Pảng vẫn được duy trì giống như đợt cao điểm và vẫn đi tuần vào những điểm nóng như Lũng Phải, Lũng Eng, Cốc Chủ… Nhưng trên rừng giờ còn nhiều gỗ chưa xẻ, các tổ công tác mới chỉ đánh dấu được hơn 600m3 gỗ nghiến, mà vẫn còn nhiều chỗ chưa đi đến được để mà đánh dấu, có những cây vòng dây lên tới 2m.
Tang vật thu được của lâm tặc. |
Những vết thương chưa cầm máu
Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Kim Hỷ chỉ nổi tiếng sau Vườn quốc gia Ba Bể. Khu BTTN Kim Hỷ có diện tích 14.772ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 11.505ha, phân khu phục hồi sinh thái 3.267ha. Ngoài ra, rừng Kim Hỷ còn quản lý hơn 20.000 hécta vùng đệm thuộc 5 xã của huyện Na Rì (xã Kim Hỷ, Lương Thượng, Lạng San, Ân Tình, Côn Minh) và hai xã của huyện Bạch Thông (Vũ Muộn, Cao Sơn). Nhưng rừng Kim Hỷ nổi tiếng hơn cả, quý hơn cả, gây sức hút với bọn phá rừng hơn cả chính là những vạt rừng gỗ nghiến gần như còn nguyên vẹn, thậm chí có nơi nghiến non mọc nhiều như... mạ. Đó là chưa kể đến những loài cây đặc hữu chỉ còn tồn tại duy nhất ở Việt Nam tại Kim Hỷ là cây du sam trên núi đá vôi, hay là hang rơi với hai vạn cá thể ở xã Ân Tình, hoặc là các loài động vật quý hiếm như: hươu xạ, gấu ngựa, sơn dương, vượn, vọc…
Chúng tôi phải vội vàng rời khỏi Lủng Pảng trong cơn mưa rừng vì sợ mưa to hơn, lũ kéo về thì sẽ bị kẹt lại giữa đường và bởi nhiều điểm như Lủng Pảng đang chờ ở phía trước. Trời mới tối, huyện lị Na Rì đã lèo tèo người đi lại. Chỉ còn những khách sạn, nhà nghỉ, quán nhậu, quán cà phê sáng đèn. Trong những quán nhậu, những người lạ vẫn có thể hỏi về giá cả, phương thức vận chuyển gỗ nghiến từ Na Rì sang Lạng Sơn mà chỉ mất vài chén rượu thăm dò. Phía sâu trong màn đêm có vẻ yên bình của Na Rì vẫn có những hoạt động ngấm ngầm làm rỉ máu rừng Kim Hỷ.
Sáng hôm sau, chúng tôi theo xe của anh Nguyễn Đức Chức, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Kim Hỷ đi kiểm tra trạm kiểm lâm Vũ Muộn và các chốt cắm bản. Đường vào Vũ Muộn không quá khó như vào Lủng Pảng nhưng xa hơn nhiều vì phải đi vòng qua huyện Bạch Thông, lên đèo Giàng mới rẽ được vào. Cũng phải gần đến trưa chúng tôi mới tới được trạm kiểm lâm.
Đập vào mắt chúng tôi là mấy chiếc xe máy kỳ quái và hàng chục thớt gỗ nghiến. Anh Chức chỉ vào những chiếc xe máy và bảo đây là xe chuyên chở gỗ nghiến đã được dân vận chuyển cưa thùng xăng, hàn thêm sắt để cố định quả thớt nghiến rồi đặt yên lên để chạy. Còn chỗ gỗ nghiến này là do anh em ở trạm Vũ Muộn mới bắt giữ được. Trong câu chuyện về những lần bắt đám vận chuyển gỗ lậu, chúng tôi được nghe nhiều thủ đoạn của bọn phá rừng như thuê phụ nữ, người già, trẻ em để gùi gỗ từ rừng ra, cánh thanh niên chở thớt có lúc dùng cả hạt tiêu, ớt khô để ném vào người truy đuổi.
Mặc dù bây giờ tình hình có vẻ dịu đi nhưng vài con số thống kê đã cho thấy phần nào những khó khăn của những người giữ rừng. Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm Kim Hỷ đã lập biên bản 148 vụ vi phạm, trong đó: 15 vụ khai thác, hai vụ phá rừng, 83 vụ vận chuyển, 42 vụ cất giấu... Tổng số vụ đã xử lý là 136 vụ, trong đó 135 vụ xử lý hành chính và một vụ xử lý hình sự. Điển hình là trường hợp xử Lý Văn Nhất người thôn Lủng Pảng (xã Côn Minh) 6 tháng tù giam và Sằm Long Nhị người thôn Khuổi Khiếu (xã Hữu Thác) 9 tháng tù giam. Anh Chức cho biết, trong số 12 vụ chưa xử lý, Hạt Kiểm lâm đã đề nghị cấp trên khởi tố hình sự vụ khai thác rừng trái phép có tính chất nghiêm trọng tại khu Lùng Mười Eng, xã Lạng San. Cũng trong 9 tháng qua, kiểm lâm Kim Hỷ đã thu giữ hơn 12.000m3 gỗ xẻ, hầu hết là gỗ quý hiếm, hơn 31.000m3 gỗ tròn quý hiếm. Đáng lưu ý hơn cả là lực lượng kiểm lâm đã tịch thu 8 chiếc cưa máy, 51 xe máy, 3 súng săn.
Anh Nguyễn Đức Chức, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Khu BTTN Kim Hỷ cho biết, tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép vẫn diễn ra phức tạp, đặc biệt là tình trạng khai thác gỗ nghiến tròn dạng thớt tại các xã Côn Minh, Ân Tình và Lương Thượng. Những hành vi trên đã làm suy giảm nghiêm trọng nguồn tài nguyên gỗ quý hiếm trong Khu bảo tồn. Từ những lần xuống chốt, thăm nhân dân ở bản, anh Chức thấy là chỉ có cách thuê khoán người dân địa phương nằm trong và xung quanh khu bảo tồn để quản lý, bảo vệ rừng. Bởi vì chỉ khi nào người dân có nguồn thu từ rừng và nguồn thu đó bảo đảm cuộc sống cho họ và con cháu họ thì họ mới có ý thức bảo vệ rừng. Hơn nữa, cũng chính người dân ở địa phương trong đó có ông Toàn, anh Thanh ở thôn Lủng Pảng đã đề xuất biện pháp này. Tất nhiên, cũng chính những người dân đã yêu cầu chính quyền duy trì các tổ chốt thêm thời gian nữa, tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho một bộ phận nhân dân cùng với việc xử lý nghiêm minh những kẻ phá rừng.
Tiễn chúng tôi rời Lủng Pảng trong cơn mưa rừng nặng hạt, ông cựu Trưởng thôn Hoàng Đức Toàn bắt tay chúng tôi thật chặt và nói: "Hễ bọn lâm tặc phá rừng, tôi sẽ báo cho các anh". Chúng tôi rời khỏi Lủng Pảng nhưng trong lòng thực sự không mong chờ cú điện thoại của ông Toàn. Chúng tôi chỉ hy vọng, mong muốn giữ rừng cho thế hệ con cháu của ông Toàn được thực hiện. Nhưng hy vọng của chúng tôi, mong muốn của ông Toàn khó trở thành hiện thực vì những thớt gỗ nghiến vẫn được rao bán tràn lan ở ngay trung tâm huyện Na Rì và vẫn được lén lút vận chuyển qua Lạng Sơn. Rừng Kim Hỷ vẫn chưa cầm được "máu".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.