Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rủi ro “bình mới, rượu cũ”

Hà Thành| 24/01/2010 05:46

(HNM) - Mùa giải hạng nhất 2008, Xi măng Vinakansai Ninh Bình làm chuyện chưa từng có là

"Hiện tượng Ninh Bình" khiến những cái đầu năng động nghĩ xa hơn.

Sau kết thúc mùa giải 2009, đội Thanh Hóa bị xuống hạng nhất. Khỏi nói không khí bóng đá ở cái tỉnh vốn cuồng nhiệt nhất nước này "xuống" đến mức nào. Người ta chưa biết bóng đá (BĐ) tỉnh mình sẽ "đi lên" bằng cách nào khi vấn đề "đầu tiên" (vốn là điểm yếu của BĐ Thanh Hóa) vẫn nguyên trạng. Thế rồi thời cơ đến và họ nắm ngay lấy. Khi Bộ Quốc phòng quyết định giải thể đội Thể Công, tuy là kẻ chậm chân nhưng LĐBĐ Thanh Hóa vẫn có được đội (tất nhiên là tỉnh phải "nhả" những món lợi mà Viettel yêu cầu) và thế là cái tên Lam Sơn Thanh Hóa được đăng ký đá giải chuyên nghiệp (V-League) 2010 thay Thể Công. "Lên đời" nhanh đến thế là cùng chỉ vì sự nhanh nhạy trong cách ứng xử trước thời cuộc.

Pha tranh bóng giữa ACB HN (áo sẫm) và Tây Ninh trong mùa giải 2009. Ảnh: Minh Hoàng


Một đơn vị khác cũng làm chuyện tương tự, đó là NaviBank Saigon. Nhân việc lãnh đạo QK4 quyết định giải thể đội bóng chuyên nghiệp (vì không kham nổi chi phí mấy chục tỷ đồng cho một mùa giải), ngân hàng này quyết định mua đứt đội bóng và cái tên NaviBank Saigon đã thay cái tên QK4 trong bản đăng ký tham gia V-League 2010. Buồn cho BĐ TP Hồ Chí Minh, từ chỗ có 5-6 đội hạng A toàn quốc, dần rút xuống 3 đội (Hải Quan, Cảng Sài Gòn, Công an TP Hồ Chí Minh), bây giờ phải đi "mua" một đội của địa phương khác để có đội bóng hạng cao nhất của BĐVN.

Hai cái "bình" mới cho 2 thứ "rượu" cũ, chuyện chỉ có ở bóng đá Việt Nam. Thay chủ nhưng không thay tên, đó là "lệ" của các CLB thế giới.

Chờ đợi

Và "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Với đội Lam Sơn Thanh Hóa, không khí sắp vào giải mà chẳng có gì để lạc quan. Các cầu thủ Thể Công (là nòng cốt của đội bóng xứ Thanh) vẫn trong tình trạng "trai thương vợ cũ, gái nhớ chồng xưa", họ không sao dứt được tình cảm với đội bóng cũ, thậm chí có 4 cầu thủ kiên quyết không về Thanh Hóa và phải nhờ VFF phân xử để được đi theo tiếng gọi của trái tim mình. Những người ở lại, do những ràng buộc về pháp lý đành "ở lại chơi một mùa cho Thanh Hóa để ra đi không tai tiếng". Với tâm trạng "lòng ở Sơn Đông, thân gửi Ngô" như thế, thật khó nói khả năng đội bóng xứ Thanh mùa này có thành tích tốt.

Cái nguy tiềm ẩn của đội bóng này là sau mùa bóng 2010, tất cả các cầu thủ Thể Công (cũ) rút đi, đội sẽ thiếu trầm trọng lực lượng ở mùa bóng 2011. Hiện đội Thanh Hóa B đã chính thức không tham gia hạng nhất 2010. Như vậy sẽ có nhiều cầu thủ của đội bóng này ra đi sau giai đoạn 1, số còn lại sẽ không được thi đấu và như thế, dù mùa sau đội Lam Sơn Thanh Hóa có tăng cường lực lượng từ đội 2 lên đội 1 thì sức mạnh của đội cũng không tăng lên là bao. Nguy cơ "mèo lại hoàn mèo" (trở lại hạng nhất) là rất nhiều.

Với đội NaviBank Saigon, việc người hâm mộ TP Hồ Chí Minh không chấp nhận đội là đại biểu của BĐ thành phố là một trở ngại lớn. Đội sẽ không có nhiều khán giả khi thi đấu V-League 2010, đó là bất lợi lớn khi sân Thống Nhất được coi là sân nhà. Thứ 2, lối chơi "chém đinh chặt sắt" vốn là "ngón tủ" của đội QK4 không hợp với khẩu vị BĐ của người hâm mộ TP Hồ Chí Minh, điều đó cũng khiến đội ít được ủng hộ. HLV Vũ Quang Bảo đứng trước 2 sự lựa chọn, hoặc là… chém đinh chặt sắt, hoặc là chơi kỹ thuật. Lựa chọn nào cũng có mặt trái, chơi kỹ thuật cũng nguy hiểm không kém vì trái sở trường.

"Đi tắt đón đầu" kiểu Thanh Hóa và NaviBank Saigon có quá nhiều sự rủi ro. Hãy chờ các cựu cầu thủ Thể Công và QK4 trong chiếc "bình mới" phô diễn tài nghệ ở V-League 2010.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rủi ro “bình mới, rượu cũ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.