(HNMO) – Tối 14/11, đêm bán kết khu vực phía Nam cuộc thi “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam” lần thứ 2 diễn ra với sự tranh tài của 69 thí sinh. Trong tiếng cồng tiếng chiêng trầm hùng, bập bùng… các thí sinh đã thể hiện các phần thi của mình để rồi sau đó BTC đã lựa chọn được 41 “bông hoa” đẹp nhất trong rừng nhan sắc hội tụ.
Mỗi thí sinh đến từ những dân tộc khác nhau đều thể hiện những nét đẹp của dân tộc mình |
Nhiều sắc màu văn hoá truyền thống
Với sự hội tụ của 69 thí sinh đến từ 16 dân tộc, phần thi trang phục truyền thống dân tộc đã là cuộc trình diễn của những sắc màu văn hoá dân tộc Việt Nam. Tất cả các thí sinh đều chọn những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất của dân tộc mình để tham gia trình diễn. Đặc biệt, rất nhiều những vật dụng trong cuộc sống thường ngày của các thí sinh khiến cho đêm thi càng trở nên sống động và đậm đà bản sắc dân tộc.
Đó là chiếc đèn lồng của thí sinh dân tộc Hoa, chiếc nón lá của thí sinh dân tộc Kinh, trái bầu khô và những chiếc gùi của thí sinh dân tộc Ê Đê, Gia Rai, Giẻ Triêng, chiếc bình gốm của dân tộc Chăm, chiếc đàn tính và bộ xà tích của dân tộc Tày…
Mỗi thí sinh đều chuẩn bị kỹ lưỡng trang phục truyền thống của dân tộc mình |
Các thí sinh Ê Đê góp mặt khá đông trong cuộc thi lần này. Trong bộ váy áo chàm với những hoa văn thổ cẩm ở gấu váy, thể hiện nét hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên, nhưng mỗi thí sinh cũng vẫn có những nét duyên dáng riêng đầy khác biệt. Thí sinh SBD H'Năm Byă - SBD 03 và H'Pi Niê, SBD 42 (dân tộc Ê Đê) chọn trái bầu khô, thí sinh H’ Ngăc Byă - SBD 0, H'Bella HĐơK- SBD 17, H'Ăng Niê- SBD 41 và H’Phao Niê- SBD 44 lại chọn chiếc gùi của thiếu nữ Ê Đê khi lên nương rẫy để trình diễn cùng, mang tới những hương sắc của núi rừng Tây Nguyên cho cuộc thi khu vực phía Nam và Tây Nguyên này.
Trong số 3 thí sinh dân tộc K’Ho, thí sinh SBD 26, Kră Jăn Loen đến từ tỉnh Lâm Đồng, hiện là sinh viên Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist thật sự gây ấn tượng cho người xem bởi chất núi rừng rất “đậm đà” của mình.Bộ trang phục và những “phụ kiện” Kră Jăn Loen chọn đi kèm trong phần trình diễn trang phục cũng rất đậm chất Tây Nguyên với vòng, lắc, khăn thổ cẩm.. Cũng là người dân tộc K’Ho, nhưng Boneur Misa Cil, SBD 29, cũng đến từ Lâm Đồng lại chinh phục khán giả bằng danh hiệu rất đặc biệt: Miss Thông thái tại cuộc thi “Miss Đà Lạt University” năm 2010.
Mỗi người một vẻ |
Với các thí sinh dân tộc Chăm, thì SBD 30 Quản Lưu Huyền My, đến từ tỉnh Ninh Thuận đã chọn chiếc bình rất đặc trưng của dân tộc Chăm và bộ trang phục Chăm màu vàng để thể hiện bản sắc văn hoá của mình. Cũng là chiếc bình Chăm, nhưng với thí sinh Bá Thị Thuý, SBD 56, lại là chiếc bình kín nước đội đầu. Cô cũng đã trình diễn rất duyên dáng điệu múa của các cô gái Chăm.
Đến từ dân tộc Hoa, thí sinh Lâm Yến Nhi, SBD 40 chọn chiếc quạt viết thư pháp tên của chính mình làm điểm nhấn cho phần trình diễn. Còn thí sinh Trần Bảo Trâm, hiện là sinh viên năm thứ 2, khoa Diễn viên Kịch Điện ảnh, Trường CĐ Sân khấu Điện ảnh TP.HCM lại chinh phục khán giả với vẻ đáng yêu, trong trẻo của cặp mắt to sáng và khuôn mặt ngây thơ trong trang phục Hoa ngày Tết với bao lì xì rất đặc trưng.
Với những thí sinh khác, nếu Ka Phúc, dân tộc Mạ, SBD 48 duyên dáng với động tác hái rau trên nương thì thí sinh Đào Thị Như Ý, SBD 64, dân tộc Khmer với bộ trang phục ngày lễ của người Khmer với hai màu đỏ vàng rực rỡ. Hiện là học viên múa Cung văn hóa Lao Động TP. HCM, nên cô đã thể hiện ngay một điệu múa Khmer duyên dáng trên sân khấu, nhận được rất nhiều trang vỗ tay của khán giả…
Thí sinh dân tộc Kinh: “Bộ sưu tập” áo dài độc đáo
Với các thí sinh dân tộc Kinh, chiếc áo dài vẫn là trang phục tất cả các em chọn, nhưng mỗi chiếc áo dài lại in dấu ấn của từng em. Thí sinh Võ Thị Kiều Anh SBD 01 và Châu Diệu Minh- SBD 28 với chiếc áo dài trắng giản dị. Thí sinh SBD 06 Mai Thị Mai Dung chọn áo cách điệu kiểu áo tứ thân với chiếc nón quai thao và hình ảnh đặc trưng là hoa sen trên thân áo cũng như trên vành nón. Thí sinh Đặng Thị Thùy Dung, SBD 07 cũng chọn tà áo dài trắng nhưng cách điệu với tà sau tha thướt như chiếc đuôi công tạo sự duyên dáng cho từng bước đi và nâng bước cho thí sinh.
Thí sinh dân tộc Kinh cũng mang đến những bộ áo dài độc đáo |
Thí sinh Trần Thị Thuỳ Dương, SBD 08, hiện là sinh viên năm thứ II- Ngành Quản trị Kinh doanh, trường Cao Đẳng SunWay (Malaixia) đã chọn chiếc áo dài đỏ và chiếc quạt, cô rất duyên dáng với khuôn mặt nhỏ nhắn đã từng giúp cô đoạt giải nhất Người đẹp Hoa Anh Đào 2009, Á khôi 1 và giải Người đẹp ảnh cuộc thi “Miss SVAM Malaixia 2011”.
Thí sinh Phạm Thị Kim Duyên, SBD 10 thật lộng lẫy trên sân khấu với chiếc áo thêu rồng phượng tạo sự sang trọng của một nữ hoàng trên sân khấu. Hiện là người mẫu, thí sinh Vũ Thị Hằng- Giải Siêu mẫu thân thiện, Siêu mẫu Việt Nam 2011 (SBD 13) đã chọn chiếc áo dài vẽ hoa sen mềm mại và chiếc quần vàng tạo nét mềm mại và thanh thoát. Hoa sen cũng là hoạ tiết chính trong trang phục của thí sinh Cao Thị Thanh Hương (SBD 20).
Sự đầu tư cầu kỳ cho thấy những cố gắng của các thí sinh năm nay |
Ngoài chiếc nón lá được rất nhiều thí sinh lựa chọn làm đạo cụ trình diễn, những chiếc mấn cũng được sử dụng nhiều, tạo nên vẻ độc đáo riêng cho thí sinh. Thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Ngà- SBD 34 chọn chiếc mấn đỏ vàng, thí sinh Bùi Lê Kim Ngọc, SBD 36 lại chọn chiếc mấn vàng đính kim tuyến như màu chiếc áo dài mặc.
Bùi Lê Kim Ngọc là một gương mặt rất quen thuộc với màn ảnh nhỏ. Cô hiện là diễn viên, gương mặt ăn ảnh nhất cuộc thi “Người đẹp Tây Đô 2007”. Với thí sinh Phạm Thị Minh Nguyệt, SBD 38, là chiếc khăn vấn màu xanh “tiệp” với bộ áo dài, và cũng lại chọn sen làm hoạ tiết của cô. Chính vì vậy, dù rất nhiều tà áo dài xuất hiện trên sân khấu trong phần trình diễn trang phục (gần 40 bộ áo dài), nhưng lại vẫn luôn làm khán giả hứng thú theo dõi.
Là gương mặt khá đặc biệt của cuộc thi, thí sinh vừa bay từ Ôxtrâylia về để tham dự cuộc thi, Huỳnh Thị Ngọc Hân, SBD 69 (quê ở Cần Thơ), Thạc sĩ Kinh doanh Quốc tế, Thạc sĩ quan hệ công chúng, NCS Tiến sĩ ngành quan hệ công chúng trường Đại học Công nghệ Queensland – Ôxtrâylia, Đại sứ sinh viên Quốc tế thành phố Brisbone (Ôxtrâylia) đã trình diễn trong bộ áo dài đặc biệt do người cô ruột tự tay thiết kế và may, màu hồng cánh sen đậm, với hoạ tiết chủ đạo là những bông hoa được kết thành hình chữ S của bản đồ Việt Nam chạy dọc thân áo, cùng màu hồng cánh sen của loại hoa thân thuộc của Việt Nam…
Nhiều thí sinh tỏ ra khá tự tin trình diễn trên sân khấu |
Trong phần thi trang phục áo tắm, dẫu rất nhiều những thí sinh chưa từng đi giày cao quá 5 phân, nhiều thí sinh chưa từng bao giờ “mặc áo tắm ở chỗ đông người như vậy”, thế nhưng, qua 2 ngày tập luyện với sự vào cuộc đầy nỗ lực của BTC, cũng như sự hướng dẫn của chính những thành viên BGK, những người “đi trước” như Á hậu II Hoa hậu Quý bà Việt Nam 2009 Đàm Thị Lý và HHTGNV Lưu Thị Diễm Hương, các thí sinh đều đã trình diễn thành công phần thi trang phục áo tắm- một phần thi rất mới của cuộc thi năm nay.
Kết thúc đêm bán kết, 14/11, BTC đã chọn ra 40 thí sinh vào vòng chung kết cuộc thi, diễn ra vào tháng 12 tại TP.HCM.
DANH SÁCH 41 THÍ SINH PHÍA NAM 1 H' Nữ Bdap - M'Nông 2 H’ Ngăc Byả - Ê Đê 3 Thòng Coọc Dinh - Hoa 4 Đặng Thị Thùy Dung - Kinh 5 Sơn Thị DuRa - Khmer 6 Phạm Thị Kim Duyên - Kinh 7 Vũ Thị Hằng - Kinh 8 Triệu Thu Hằng - Dao 9 Đinh Thị Bích Hậu - Mường 10 K'SorH'Han -Jrai 11 Trần Thị Hường - Sán Chay 12 Lê Trần Ngọc Khánh - Kinh 13 Nguyễn Trúc Liễu - Kinh 14 Kră Jăn Loen - K' Ho 15 Châu Diệu Minh - Kinh 16 Bảo Tôn Nữ Trà My - Kinh 17 Lăng Thị Nết - Nùng 18 Nguyễn Thị Ngọc Ngà - Kinh 19 Bùi Lê Kim Ngọc - Kinh 20 Ngô Huỳnh Bảo Ngọc - Kinh 21 Phạm Thị Minh Nguyệt - Kinh 22 Phan Thị Thanh Nhàn - Kinh 23 H'Ăng Niê - Ê đê 24 H'Pi Niê - Ê Đê 25 H'Duyên Niê - Ê đê 26 Kiều Thị Kim Oanh - Chăm 27 Ka Phúc - Mạ 28 Lê Trương Kim Phụng - Kinh 29 Đinh Thị Kim Phượng - Kinh 30 Vũ Trần Triều Thu - Kinh 31 Trần Hoài Thu - Kinh 32 Dương Thị Thủy - Kinh 33 Nguyễn Thụy Kiều Tiên - Kinh 34 Bế Thanh Trà - Tày 35 Đàm Thị Hà Trang - Kinh 36 Nguyễn Huỳnh Cẩm Tú - Kinh 37 Trương Thị Hải Vân - Bana 38 Đào Thị Như Ý - Khmer 39 Nguyễn Thị Kim Yến - Kinh 40 Y Hải Yến - Giẻ Triêng 41 Huỳnh Thị Ngọc Hân - Kinh |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.