Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rộng bước tiến cho điện ảnh Việt

Yên Nga| 06/11/2016 06:29

(HNM) - Gần một tuần đầy ắp các sự kiện điện ảnh của Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ IV - 2016, không chỉ đem lại một

Hình ảnh lễ bế mạc Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ IV diễn ra tối 5-11 tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô. Ảnh: Khánh Huy



Sự kiện gây tiếng vang

Hà Nội - “Thành phố Vì hòa bình” tự hào là địa điểm tổ chức thành công của sự kiện điện ảnh tầm cỡ thế giới là Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội, cứ hai năm một lần. Trong lời chào mừng đến với sự kiện dành cho 146 bộ phim của 43 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 1.000 khách mời trong lĩnh vực điện ảnh trong nước và quốc tế, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh: Đây là diễn đàn thu hút sự quan tâm của công chúng đến với nền điện ảnh hiện đại, tạo sức sống mới và động lực để điện ảnh Việt Nam phát triển. Đồng thời là cơ hội để chúng ta mở rộng thị trường điện ảnh ra khu vực và thế giới, thông qua đó quảng bá về đất nước Việt Nam tươi đẹp, Thủ đô Hà Nội văn minh, thanh lịch, ổn định và phát triển.

Lần đầu tiên, chúng ta thu hút được đông đảo nền điện ảnh đến vậy, nhờ mở rộng hạng mục phim dự thi tới tất cả các quốc gia, trong đó có những tên tuổi lớn như: Mỹ, Pháp, Đức, Italia, Ấn Độ… Ngay như bộ phim khai mạc "I, Daniel Blake” (Tôi, Daniel Blake) vừa đoạt giải Cành cọ Vàng Liên hoan Phim quốc tế Cannes 2016, chỉ được công chiếu tại nước sở tại là Anh hồi cuối tháng 10, cũng được đưa về Việt Nam đã ít nhiều làm “sang” sự kiện này. Một loạt phim đáng mong đợi của điện ảnh thế giới cũng có mặt: “Đông Dương” - phim đoạt giải Oscar hạng mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, bản phục dựng sắc nét Ultra HD 4K, cùng sự xuất hiện của minh tinh điện ảnh Pháp - Catherine Deneuve và đạo diễn Régis Wargbnier.

Trong dịp này, những cuộc gặp gỡ, trao đổi của giới điện ảnh đến từ 43 quốc gia diễn ra dày đặc, bên lề cũng có, chính thức cũng nhiều. Đạo diễn điện ảnh Ấn Độ nổi tiếng với tác phẩm “Những chú chim sắt” Bijukumar Damodaran, thốt lên rằng: “Việt Nam quyến rũ và tiềm ẩn nhiều vẻ đẹp cho điện ảnh khám phá”. Điểm mạnh của Việt Nam dưới con mắt của người làm điện ảnh đầu tiên là cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp. Chẳng thế mà không ít những đoàn làm phim quốc tế chọn Việt Nam làm bối cảnh, như “Đông Dương” của 25 năm về trước hay “King Kong: Skull Island” mới đây.

Theo Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Duy Anh, Ngành Điện ảnh Việt Nam đang ngày càng phát triển, với 450 hãng phim tư nhân; 138 rạp, cụm rạp hiện đại của tư nhân, liên doanh nước ngoài và số lượng khán giả đến rạp lên tới 51 triệu lượt/năm, doanh thu đạt 2.300 tỷ đồng. Chính sách của Nhà nước với sự phát triển của điện ảnh ngày càng hoàn thiện, có Luật Điện ảnh, văn bản dưới luật, quy hoạch, tầm nhìn… Đó là tiềm năng cho điện ảnh Việt Nam phát triển, hội nhập và hợp tác mạnh mẽ, vấn đề là phải làm sao để biến tiềm năng thành hiện thực, tạo ra những tác phẩm “bom tấn”.

Sẽ chuyển mình mạnh mẽ

Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh khẳng định: Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ IV tập trung tôn vinh những tài năng điện ảnh đích thực, hướng đến giá trị nhân văn và tinh thần hợp tác thân ái. Ở đây chỉ có sự sáng tạo, lao động nghề nghiệp nghiêm túc lên ngôi. Khán giả chật kín các rạp trong suốt 5 ngày, với gần 500 suất chiếu đã minh chứng cho điều đó.


Diễn viên điện ảnh nổi tiếng người Pháp Catherine Deneuve ký tặng người hâm mộ tại liên hoan phim.Ảnh: Nguyễn Khánh


Tại Liên hoan, có đến 2 cuộc tọa đàm thể hiện sự đồng lòng hợp tác giữa các nền điện ảnh thế giới với Việt Nam. Những kinh nghiệm thấm thía được rút ra, những cái bắt tay hợp tác đã nhìn thấy. Đại diện Ủy ban Điện ảnh Singapore Wei Xuan Sim cho biết: “Chúng tôi coi điện ảnh là một ngành truyền thông để quảng bá về đất nước. Vì thế, có rất nhiều liên hoan phim quốc tế tổ chức tại Singapore, nơi tiếp nhận những dự án làm phim để hỗ trợ, ưu tiên nhất là từ các nước Đông Nam Á. Việt Nam hoàn toàn có cơ hội, nếu dự án của các bạn nổi bật”.

“Liên hoan phim là cơ hội tốt để Tây Ban Nha xuất hiện và lưu lại hình ảnh đáng nhớ ở Việt Nam” - bà Mencía Manso de Zúniga, Thư ký Thứ nhất Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam bày tỏ. Bà Mencía kể rằng, hiện nhiều chuyên gia nước này đang sản xuất phim tại TP Hồ Chí Minh, họ được hỗ trợ rất nhiều và cảm thấy hài lòng. Đạo diễn điện ảnh gốc Việt nổi tiếng của Ấn Độ Peter Hiền không giấu nổi vui mừng vì đây là cơ hội để anh gặp gỡ, xúc tiến việc sản xuất một bộ phim trị giá 15 triệu USD tại Việt Nam sắp tới được thuận lợi.

Đại diện Trung tâm ASEAN về đa dạng sinh học Pamela Reblora hứa hẹn: "Để bảo vệ thiên nhiên và sự đa dạng sinh học trong cộng đồng ASEAN và thế giới, thì điện ảnh là một phương tiện thuận lợi, dễ nhận được sự ủng hộ của công chúng. Trung tâm chúng tôi muốn từ đây đặt vấn đề với các nhà sản xuất phim, nhất là phía Việt Nam, có thể đầu tư và hỗ trợ thực hiện những tác phẩm đạt được mục đích của đôi bên, vì lợi ích cộng đồng".

Chủ tịch Quỹ Điện ảnh ASEAN Briccio Santos cũng phân tích về những triển vọng hợp tác mới: "Đây là thời điểm để điện ảnh ASEAN hợp sức tạo nên thị trường lớn trên thế giới. Sức hấp dẫn của 10 quốc gia chúng ta chính là thiên nhiên, bản sắc văn hóa và con người. Quỹ Điện ảnh chung này sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ, chủ động tìm đối tác cũng như tập hợp những dự án điện ảnh chất lượng nhất để tạo nhiều tác phẩm đột phá".

Về phần mình, các nhà làm phim Việt Nam cũng tự tin với những dự định mới. Tại một sự kiện trong khuôn khổ liên hoan, đại diện Hãng phim Thiên Phúc - nơi mới sản xuất bộ phim khá ăn khách là “Taxi, em tên gì?”, đã trực tiếp đưa đề án sáng tạo phim mới nhất với các đối tác nước ngoài để chung tay hoặc hỗ trợ sản xuất. Chưa bàn tới chất lượng, nhưng hành động ấy của nhiều nhà làm phim Việt những ngày qua cho thấy sự tự tin của điện ảnh tư nhân Việt Nam và biết đâu đấy, họ tìm được sự đồng cảm.

Để thấy, điện ảnh ở nước ta sẽ chuyển mình mạnh mẽ, có cả cách tự vận động, có cả nhờ hợp tác để đạt đích hội nhập, phát triển bền vững. Trên tất cả, nhân tố con người là quan trọng nhất, sẽ chẳng có gì nếu thiếu sáng tạo, tư duy làm nghề để đến những dịp như liên hoan phim quốc tế thế này là cất cánh, vươn xa.

“Hồi ức” của Canada đoạt giải Phim dài xuất sắc nhất

(HNM) - Tối 5-11, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ IV - 2016 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi nổi và thành công. Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đến dự.

Các giải thưởng quan trọng được trao như sau:
- Phim dài xuất sắc nhất: “Hồi ức” (Canada).
- Phim ngắn xuất sắc nhất: “Ba thay đổi của Ofelia” (Mexico).
- Đạo diễn phim dài xuất sắc nhất: Eduardo Ray Jr (Philippines).
- Diễn viên nam chính xuất sắc nhất: Christopher Plummer (Canada).
- Diễn viên nữ chính xuất sắc nhất: Hasmine Kilip (Philippines).
- Đạo diễn trẻ của phim ngắn xuất sắc nhất: Phạm Ngọc Lân (Việt Nam).
- Giải thưởng của BGK cho phim dài: “Ngày tươi đẹp” (Hàn Quốc).
- Giải thưởng của BGK cho phim ngắn: “Trái tim của đất” (Phần Lan).
- Giải biểu dương đặc biệt của BGK cho phim dài: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (Việt Nam).
- Giải mạng lưới khuyến khích điện ảnh Châu Á: “Toa xe màu xanh” (Nga).
- Giải phim dài dự thi hay nhất do khán giả bình chọn: “Trúng số” (Việt Nam).
- Giải phim Việt Nam được khán giả yêu thích nhất: “Taxi, em tên gì?”.

Thụy Du
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rộng bước tiến cho điện ảnh Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.