(HNM) - Không khí Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vẫn ngập tràn trong mỗi gia đình, nhưng tranh thủ thời tiết ấm áp, nông dân ngoại thành Hà Nội đã hối hả xuống đồng sản xuất. Khí thế lao động trong những ngày đầu năm mang đến dự cảm về một vụ xuân thắng lợi.
Nông dân hối hả xuống đồng
Không còn quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, những ngày đầu Xuân Canh Tý, nông dân ngoại thành Hà Nội, đặc biệt là các huyện có truyền thống gieo cấy sớm, như: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ba Vì, thị xã Sơn Tây… đã hối hả xuống đồng. Người thì kiểm tra sinh trưởng, chống ngập và rét cho mạ mới gieo, người thì thu dọn cỏ, rác trên mặt ruộng để chuẩn bị cấy trà xuân muộn…
Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới sáng mùng 3 Tết, bà Nguyễn Thị Vũ ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) vui vẻ nói: “Vụ xuân năm nay gia đình tôi cấy gần 6 sào ruộng. Trước Tết Nguyên đán, gia đình đã cấy xong 3 sào giống lúa J02, còn lại cấy giống HT8 dự kiến qua Rằm tháng Giêng đủ tuổi mạ sẽ cấy nốt…”.
Rời Cao Dương, chúng tôi đến xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) trong chiều mùng 3 Tết, bà con nông dân ở đây đã tấp nập ra đồng làm đất, cấy lúa. Trên các thửa ruộng đủ nước, những đôi tay thoăn thoắt cắm mạ, tiếng cười nói rôm rả khiến không khí xuân càng thêm rộn ràng. Bà Trần Thị Minh chia sẻ: “Vụ xuân năm ngoái, gia đình tôi cấy thử nghiệm 3 sào giống lúa J02, thấy hiệu quả kinh tế nên năm nay quyết định mở rộng toàn bộ 5 sào. Mặc dù chưa hết Tết nhưng gia đình tôi vẫn ra đồng cấy lúa theo đúng khuyến cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội...”.
Tại huyện Mỹ Đức, do có tập quán gieo cấy sớm và mở rộng diện tích cấy giống J02 nên một số xã, như: Mỹ Thành, Hương Sơn, An Phú… đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa xuân từ trước Tết Nguyên đán. Những ngày vui Xuân, đón Tết, nông dân xuống đồng tỉa dặm, chăm sóc, che ni lông chống chuột phá hoại lúa. Bà Nguyễn Thị Phấn ở xã Mỹ Thành chia sẻ: “Tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình tôi xuống đồng để chăm sóc những diện tích cấy sớm, tiến hành bón lót và tỉa dặm cho lúa…”.
Đến xã Văn Võ (huyện Chương Mỹ), trước mắt chúng tôi là cảnh người dân hối hả gieo cấy lúa xuân muộn. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Giang Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Văn Võ cho biết: “Vụ xuân năm nay, xã Văn Võ dự kiến gieo cấy 258ha lúa xuân muộn. Bám sát khung thời vụ, mùng 3 Tết, bà con nông dân đã xuống đồng lấy nước đổ ải, làm đất, phấn đấu hoàn thành diện tích gieo cấy trong tháng 2-2020…”.
Về sản xuất vụ xuân, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, tính đến ngày 27-1 (tức mùng 3 Tết Canh Tý), thành phố Hà Nội đã gieo cấy 5.813ha, đạt 6,5% kế hoạch; trong đó, huyện Ứng Hòa đã gieo cấy 2.464ha, thị xã Sơn Tây 866ha, huyện Ba Vì 729ha, Mỹ Đức 849ha, Sóc Sơn 400ha… Diện tích còn lại, các địa phương sẽ hoàn thành trước ngày 5-3.
Để sản xuất vụ xuân thắng lợi
Nhằm bảo đảm đủ nước để nông dân làm đất, gieo cấy đúng khung thời vụ, 4 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố Hà Nội đã bám sát lịch lấy nước từ các hồ thủy điện và quy luật thủy triều để tranh thủ từng giờ mở cống, vận hành trạm bơm khai thác tối đa nguồn nước; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, lịch làm đất, gieo cấy lúa xuân, chủ động bơm nước từng đợt theo yêu cầu sản xuất…
Ông Trần Ngọc Long, Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi huyện Ứng Hòa (Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ) cho biết, ở cuối nguồn nên Xí nghiệp phải thường xuyên theo dõi thủy triều trên sông Nhuệ - Đáy để bơm nước. Đến thời điểm này, đơn vị đã cấp đủ nước làm đất, gieo cấy cho hơn 70% diện tích sản xuất vụ xuân của huyện Ứng Hòa.
Tương tự, ông Đỗ Việt Dũng, Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ (Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy) cho hay, trên địa bàn có 7 xã phụ thuộc nguồn nước điều tiết của sông Hồng lấy từ Trạm bơm Đan Hoài và Bá Giang tiếp nguồn cho sông Đáy. Để sử dụng hiệu quả nguồn nước, đơn vị đã vận hành toàn bộ trạm bơm lấy nước trong những ngày Tết để phục vụ người dân gieo cấy…
Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, trận mưa từ chiều 30 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến mùng 1 Tết năm Canh Tý đã gây ra một số thiệt hại cho nông dân nhưng mặt khác cũng bổ sung nguồn nước cho sản xuất vụ xuân. Trước đó, trong đợt lấy nước đầu tiên, 4 doanh nghiệp thủy lợi đã cấp đủ nước làm đất, gieo cấy cho 35.720ha, đạt 39,7% kế hoạch. Dự kiến trong đợt lấy nước thứ hai, bắt đầu từ 0h ngày 5-2 đến 24h ngày 12-2, các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố sẽ lấy đủ nước gieo cấy cho khoảng 90% diện tích; còn lại sẽ cấp trong đợt lấy nước thứ ba…
Mặt khác, để đẩy nhanh tiến độ sản xuất, bảo đảm thắng lợi vụ xuân, cùng với việc thực hiện cơ chế, chính sách giúp nông dân đầu tư phương tiện cơ giới hóa trong làm đất, gieo cấy và thu hoạch…, một số huyện như: Chương Mỹ, Thạch Thất, Ba Vì, Phúc Thọ… đã triển khai hỗ trợ nông dân kinh phí diệt chuột, ốc bươu vàng, bảo vệ cây trồng… Và ở thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng đang tập trung hướng dẫn nông dân biện pháp bảo vệ, chống rét cho mạ khi nhiệt độ không khí xuống dưới 15 độ C; đồng thời, áp dụng quy trình thâm canh hợp lý, chủ động phòng trừ sâu bệnh... bảo vệ sản xuất ngay từ đầu vụ.
Sự chủ động, tích cực xuống đồng lao động sản xuất ngay từ những ngày đầu năm của nông dân Hà Nội đang mang đến những dự cảm tốt đẹp về một vụ xuân thắng lợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.