Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rộn ràng vui hội

Minh Ngọc| 03/02/2014 07:56

(HNM) - Đón Tết Giáp Ngọ trong tiết trời nắng đẹp, nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đã đồng loạt được tổ chức từ thành thị tới nông thôn, từ miền xuôi tới miền ngược, từ đồng bằng tới đảo xa. Nơi nào cũng đông như nêm, vui như hội.

Tại Hà Nội, các chương trình nghệ thuật diễn ra trên tất cả các sân khấu lớn nhỏ ở 29 quận, huyện, thị xã từ đêm Giao thừa đến những ngày đầu xuân mới gắn liền với các hoạt động kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đảng. Những tiết mục ca múa nhạc đặc sắc ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, mùa xuân tươi đẹp, Hà Nội linh thiêng, hào hoa: "Đảng đã cho ta mùa xuân", "Niềm tin dâng Đảng", "Người là niềm tin tất thắng", "Xuân đã về", "Hà Nội ơi", "Em ơi Hà Nội phố"… do các nghệ sĩ, diễn viên các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của trung ương, Hà Nội và các tỉnh bạn thể hiện không chỉ mang không khí mùa xuân đến với mọi người, mọi nhà; mà còn là tiếng nói, là niềm tin của người dân Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung dâng lên Đảng. Mở cửa ngày mùng Một Tết (31-1), mỗi ngày Công viên Mặt trời mới thuộc Khu vui chơi giải trí Công viên Hồ Tây đón hàng nghìn lượt khách. Đến đây, người dân có thể cảm nhận rõ hơn hương vị Tết trong phiên chợ quê với nhiều món ăn truyền thống, các trò chơi dân gian như nhảy sạp hay xem múa rối cạn, nghe dân ca ba miền…

Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một trong những điểm đến đầu xuân của người Hà Nội. Ảnh: Viết Thành



Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Hà Nội… được nhiều người chọn làm điểm đến đầu xuân. Tham quan Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long những ngày đầu xuân mới, nhiều người dân Thủ đô và du khách có cảm giác như "lạc" vào miền di sản khi cùng những phiên chợ Tết, để hiểu phần nào về cách người Hà Nội xưa ăn Tết, đón Tết, vui Tết trong triển lãm "Tết của người Hà Nội" cùng với đó là hình ảnh Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), chùa Cầu Hội An, đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam), cung đình Huế… qua triển lãm ảnh di sản thế giới và thấy được sự kỳ công, tỉ mỉ, tài hoa của các nghệ nhân khi xem hơn 1.200 tác phẩm cây cảnh, gỗ lũa và hoa. Đưa con đi xem triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử" tại Bảo tàng Hà Nội vào ngày mùng Hai Tết, chị Lê Nguyệt Thu, trú tại phố Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: "Cùng với các hoạt động vui chơi, giải trí ngày Tết, tôi muốn các cháu hiểu hơn về lịch sử dân tộc, chủ quyền đất nước nên đưa các cháu đến triển lãm đặc biệt này. Tôi rất ấn tượng với 33 viên đá san hô được đưa về từ các đảo Trường Sa và giấy chứng sinh của bà Mai Kim Quy, con gái của nhân viên khí tượng Mai Xuân Tập và bà Nguyễn Thị Thắng, sinh 15h ngày 7-12-1939 tại đảo Hoàng Sa (Pattle) thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đây là những bằng chứng thép khẳng định chủ quyền đất nước".

Khác với nội thành, mùng Ba Tết, người dân ngoại thành mới bắt đầu đến các tụ điểm vui chơi. Khắp các làng, xã vang vọng tiếng hò reo cổ vũ thi đấu kéo co, chọi gà, chơi trò bịt mắt bắt dê, ô ăn quan… Với người dân thôn Vân Sa, xã Tản Hồng (Ba Vì), Tết là dịp dân làng chuẩn bị oản, quả, xôi, gà, cau, trầu, rượu, kiệu bát cống, tập diễn trò tứ dân lập nghiệp cho hội làng diễn ra vào mùng Bốn và Năm tháng Giêng, tưởng nhớ công đức liệt nữ Ngũ Nương (Đức Thánh Bà - tướng của Hai Bà Trưng) và Huệ Vũ đại vương Trần Quốc Chẩn (con trai thứ của Trần Hưng Đạo). Lời ca, nhịp phách giòn, rền, nền, nảy vang lên ở Lỗ Khê (Đông Anh), Chanh Thôn (Phú Xuyên), An Khánh (Hoài Đức)… như báo hiệu năm Giáp Ngọ an lành, hạnh phúc. Đặc sắc không kém là phiên chợ cá đầu xuân làng Ngái, xã Hương Ngải (Thạch Thất). Các loại cá mắt đen lay láy được thả trong những chiếc thuyền làm bằng tôn hoặc những chiếc thúng tre đan miết sơn ta, người bán hàng đon đả mời khách phương xa. "Chợ Tết làng Ngái có 5 phiên, mỗi phiên bán một món hàng, nhưng vui nhất, độc đáo nhất là phiên chợ cá mùng Ba tháng Giêng. Chợ cá họp sớm không chỉ tạo điều kiện cho người dân có nguyên liệu nấu bát canh chua thay đổi khẩu vị trong ngày Tết, mà còn là nét đẹp văn hóa truyền thống tồn tại hàng trăm năm nay ở làng Ngái, được người dân đón chờ mỗi dịp Tết đến, Xuân về" - bà Nguyễn Thị Tươi, người làng Ngái khẳng định. Đặc biệt hơn, đồng bào dân tộc Mường ở Minh Quang, Ba Trại, Vân Hòa, Tản Lĩnh (Ba Vì), Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình (Thạch Thất), xã Đông Xuân, Phú Mãn (Quốc Oai) có hội cồng chiêng. Chị em phụ nữ, già có, trẻ có xúng xính áo pắn, váy đen, thắt lưng nhiều họa tiết, tay đeo vòng bạc vừa đánh chiêng, vừa hát mừng xuân mới.

Cùng với người dân Thủ đô, chương trình văn hóa, nghệ thuật chào xuân mới rộn ràng khắp mọi miền đất nước. Bỏ lại phía sau bao nỗi lo toan của cuộc sống thường nhật, đồng bào các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc xem chương trình bắn pháo hoa đặc sắc vào thời khắc Giao thừa tại trung tâm các tỉnh và ở trung tâm một số huyện, thị xã; tham gia lễ hội ném còn, lễ mở cửa rừng và nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn. Trong tiết trời nắng đẹp, dòng người đông đúc đổ về Quảng trường 3-2, thành phố Nam Ðịnh đón xuân. Sân khấu phía trước Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Ðại vương Trần Quốc Tuấn rộn vang những khúc ca mùa xuân khiến lòng người háo hức. Trên dải đất miền Trung, hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức tại Quảng trường Hồ Chí Minh, TP Vinh (Nghệ An) thu hút hàng nghìn lượt khách các vùng lân cận. Đón Xuân Giáp Ngọ, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức bắn pháo hoa tại Quảng trường Ngọ Môn, phục vụ nhân dân. Từ mùng Một đến Ba Tết, tất cả các di tích tại Huế đều mở cửa miễn phí cho nhân dân đến tham quan, chiêm bái. Du khách đến thành phố Đà Nẵng dịp Tết Nguyên đán sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc dọc sông Hàn. Ở phía Nam, Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh… có nhiều chương trình văn hóa sôi động, giàu bản sắc là điểm níu chân du khách quốc tế.

Dọc dài đất nước đầu xuân Giáp Ngọ, ngập tràn không khí mừng Đảng, mừng Xuân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rộn ràng vui hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.