(HNM) - Quanh năm gắn bó với ruộng vườn nhưng mỗi khi đêm về, những nông dân ở xã Văn Nhân (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) lại trở thành những nghệ sĩ chèo thực thụ. Những làn điệu chèo ngọt ngào, những “vai diễn như không diễn”, những đêm văn nghệ rộn ràng luôn làm mê đắm lòng người.
Say chèo như... điếu đổ!
Chúng tôi tìm đến nhà ông Vũ Minh Đoan, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Dân ca chèo xã Văn Nhân trong một ngày đầu năm Đinh Dậu. Chỉ qua mấy cuộc điện thoại, trong ít phút, căn nhà của ông Chủ nhiệm đã đông đủ các thành viên.
Ông Nguyễn Văn Cộng (77 tuổi) có mái tóc bạc phơ nhưng dáng vẻ vẫn nhanh nhẹn, lời nói nhẹ nhàng: “Đây là niềm vui tuổi già, không gì sánh được các cháu ạ! Ngoài những hôm tập theo kế hoạch, nếu có lịch triệu tập là chúng tôi có mặt ngay”. Mang theo bên mình một cây đàn tam, ông Cộng khoe với chúng tôi là gắn bó với cây đàn từ năm 13 tuổi, nay chơi được hầu hết các loại nhạc cụ như đàn tam, đàn tứ, đàn hồ, đàn nguyệt, sáo, nhị… Vì thế trong CLB, ông Cộng giữ trọng trách là “nhạc trưởng”.
Các thành viên CLB Dân ca chèo Văn Nhân đang tập hoạt cảnh “Nông thôn đổi mới”. |
Việc làm ý nghĩa nhất của ông Cộng là dịch 70 bài chèo cổ từ ký tự nhạc lý sang chữ quốc ngữ để thành viên trong CLB có thể đọc được giai điệu dễ dàng. “Các thành viên đều làm nông, không hiểu về nhạc lý nên tôi đã nghĩ ra cách này để ai cũng học được, hát được” - ông Cộng chia sẻ. Để minh chứng cho những lời mình nói, ông Cộng đã đề nghị với các nghệ sĩ nông dân biểu diễn cho chúng tôi nghe hoạt cảnh chèo “Nông thôn đổi mới”.
Diễn viên chính đảm nhiệm một vai trong hoạt cảnh, bà Vũ Thị Khoan, hồ hởi: “Vở "Nông thôn đổi mới" là thương hiệu của CLB, đã đi diễn ở nhiều nơi, phục vụ nhiều hội nghị về xây dựng nông thôn mới của xã và huyện Phú Xuyên”. Khi bà Khoan dừng lời, ông Cộng xòe bàn tay chai sạn cầm lấy cây đàn tam và tấu lên một giai điệu ngọt ngào. Theo điệu nhạc, bà Khoan tự tin hát một đoạn trong hoạt cảnh: “Văn Nhân ta đó, biết mấy tự hào; theo lời Đảng gọi, vươn tới tầm cao; tình nghĩa quê hương, dạt dào thương mến; chung sức chung lòng xây dựng quê hương…”.
Với những người nông dân như bà Khoan, ông Cộng, hàng chục năm gắn bó với chèo, đi diễn không một đồng thù lao, mất nhiều thời gian, thậm chí còn phải tự bỏ tiền ra để được phục vụ nhân dân. Có người vẫn bảo họ là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng trên hết, họ chưa bao giờ hết tình yêu với chiếu chèo. Ông Nguyễn Văn Cộng, đêm cũng như ngày trên chiếc xe đạp cà tàng vẫn đến CLB không thiếu buổi nào. Còn với bà Khoan, phải làm đủ mọi việc trong gia đình, chăm sóc các cháu, nhưng khi thu xếp xong việc lại tất tả ra đình để tập chèo với mọi người. Bà Khoan tâm sự: “Hát chèo đã ngấm vào máu rồi, muốn dứt ra cũng không được, muốn bỏ đi cũng không xong”.
Mong giữ làn điệu chèo cho con cháu
Kể về lịch sử chiếu chèo quê mình, ông Vũ Minh Đoan chia sẻ: “Khi xưa ở Văn Nhân nổi tiếng với những gánh hát tuồng, chèo của nông dân. Qua thời gian, các chiếu chèo dần mai một nhưng những nghệ nhân lớp trước như cụ Nguyễn Văn Tánh, Nguyễn Văn Vượn, lớp sau này có ông Nguyễn Văn Cộng, bà Vũ Thị Hiên… đã âm thầm lưu giữ để mong có một ngày được truyền lại cho con cháu”. Tâm nguyện thành hiện thực, CLB dân ca chèo chính thức hoạt động trở lại vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô năm 2010. Ban đầu, CLB có 25 thành viên và hiện nay đã tăng lên gần 50 người.
CLB dân ca chèo xã Văn Nhân sinh hoạt, luyện tập đều đặn vào buổi tối thứ sáu và ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. “Chúng tôi hoạt động trên cơ sở tự nguyện. Các thành viên tự túc về kinh phí, nhạc cụ, trang phục… Để duy trì được hoạt động, chúng tôi phải vượt qua rất nhiều khó khăn, nếu không có lòng đam mê thì không thể làm được. Cái được lớn nhất là khi CLB đi diễn ở đâu, dù trong xã hay ngoài xã cũng được nhân dân yêu mến và ủng hộ” - ông Đoan chia sẻ.
Theo ông Đoan, những lần đi xa, phải có tiền thuê xe, cộng với phí đi đường nhưng được nhân dân hết lòng ủng hộ nên cũng vừa đủ xoay xở. Vì sự ủng hộ nhiệt tình này mà hoạt động của CLB kể từ khi thành lập đến nay đạt nhiều thành tích và được đánh giá cao về chuyên môn diễn xuất. Ngoài luyện tập, biểu diễn các tác phẩm dân ca Bắc Bộ, các trích đoạn chèo cổ như "Thị Màu lên chùa", "Trần Quốc Toản ra quân", "Lưu Bình, Dương Lễ", "Bà mẹ bên sông Hồng", "Tấm Cám"…, CLB cũng sáng tác nhiều vở diễn, hoạt cảnh được lấy bối cảnh xây dựng nông thôn mới hiện nay như: "Nông thôn đổi mới", "Nước cờ sai", "Đường về xóm mới"…
Một điều đặc biệt nữa là dù có thế mạnh dân ca chèo, nhưng những vở kịch ngắn CLB dàn dựng cũng được công chúng đánh giá cao khi đi diễn. Gần đây nhất, CLB đã đạt giải A1 trong Liên hoan sân khấu kịch ngắn, kịch vui TP Hà Nội với vở “Giàu giả nghèo thật”. Hay như vở kịch “Xóa đói giảm nghèo” được nhân dân rất mến mộ.
Để duy trì hoạt động được ổn định lâu dài, Ban chủ nhiệm CLB đã chú trọng đến việc thu hút lớp trẻ, trong đó phải kể đến nhiều gương mặt tham gia tích cực, diễn xuất tốt như Ánh Tuyết, Minh Phú, Kim Sa, Hồng Khuê, Nguyễn Đức Chính, Trần Khuê, Kim Luyến… Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Nhân Nguyễn Văn Tiến đánh giá các vở diễn của CLB một mặt đáp ứng về đời sống tinh thần cho nhân dân, mặt khác đã phản ánh được nhiều vấn đề thời sự trong quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới hiện nay trên địa bàn. Ông Tiến cho biết, UBND xã tạo mọi điều kiện cho CLB hoạt động, trên cơ sở định hướng nội dung và khuyến khích chủ trương xã hội hóa để CLB hoạt động ổn định, có tính kế thừa.
Chia tay những nghệ sĩ nông dân ở xã Văn Nhân, ông Vũ Minh Đoan chia sẻ với chúng tôi: “Người dân quê tôi yêu chèo như yêu chính bản thân mình. Hát chèo là hát bằng cả tâm hồn. Cuộc sống lao động vất vả, nhọc nhằn nhưng những làn điệu chèo được cất lên đã xua tan đi sự mệt mỏi, giúp cuộc sống thêm tươi vui và ý nghĩa hơn”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.