(HNMO) - Đây là cuốn sách mới nhất (vừa xuất bản đầu năm 2010) của Joseph Eugene Stiglitz – giáo sư Đại học Columbia, nhà kinh tế học hàng đầu thế giới thuộc trường phái Keynes.
(HNMO) - Đây là cuốn sách mới nhất (vừa xuất bản đầu năm 2010) của Joseph Eugene Stiglitz – giáo sư Đại học Columbia, nhà kinh tế học hàng đầu thế giới thuộc trường phái Keynes. Không chỉ mô tả lại quá trình “rơi tự do” của nền kinh tế Mỹ bắt đầu từ mùa thu 2008, ông còn thảo luận qua 10 chương trong sách này các nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng tài chính và đợt suy thoái quy mô toàn cầu hiện nay, bàn về một trật tự kinh tế toàn cầu mới được thiết lập sau cuộc khủng hoảng và đề xuất các hành động cải cách cần thiết để phục hồi và phòng tránh sự lặp lại của khủng hoảng. Có lẽ thông điệp lớn nhất của ông là kêu gọi sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế và những quy định trong một số lĩnh vực ngành nghề nhất định.
“Rơi tự do: nước Mỹ, các thị trường tự do và sự chìm đắm của nền kinh tế thế giới” đã vẽ nên một bức tranh toàn cảnh kinh tế Hoa Kỳ nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung trong giai đoạn hiện nay. Stiglitz không dành quá nhiều giấy mực vào việc “truy tìm các thủ phạm gây ra khủng hoảng và quy trách nhiệm” mà đã nỗ lực để phân tích các nội dung có ý nghĩa sâu xa hơn: đó là các động cơ, các học thuyết kinh tế làm nền tảng cho tư duy, hành động và cách biện hộ của chính phủ Mỹ, các tổ chức quốc tế cũng như các thành phần khác tham gia vào nền kinh tế. Vượt ra ngoài các yếu tố kỹ thuật trong hoạt động kinh tế, tác giả còn trình bày nhiều vấn đề từ góc độ chính trị, lịch sử, văn hóa xã hội.
Ít ai đủ khả năng để nhận định tốt hơn Joseph E. Stiglitz về giai đoạn biến động này. Là người được trao giải Nobel Kinh tế năm 2001, Stiglitz là “một nhà kinh tế học cực kỳ vĩ đại, đến nỗi người ta không thể thực sự đánh giá đúng được tầm vóc của ông nếu như không chuyên sâu vào lĩnh vực này” (Paul Krugman, New York Times). Trong cuốn Rơi tự do, Stiglitz đã lần theo các nguồn gốc của đợt suy thoái quy mô lớn, tránh xa những câu trả lời qua quýt và phá tan lập luận cho rằng nước Mỹ cần có thêm những đợt giải cứu trị giá hàng tỷ dollar và để cho các tổ chức “quá lớn đến mức không thể sụp đổ” được tự do làm theo ý muốn của họ, trong khi đó ông cũng phác họa nên những giải pháp thay thế và cho thấy ngay trong thời điểm hiện nay thì vẫn còn nhiều sự lựa chọn khác có thể tạo ra sự khác biệt. Hệ thống đã đổ vỡ, và chúng ta chỉ có thể chỉnh sửa nó bằng cách tìm hiểu các luận thuyết nền móng đã dẫn dắt chúng ta đi vào con đường “chủ nghĩa tư bản bong bóng” kiểu mới này.
Đi qua nhiều chủ đề liên quan đến cuộc khủng hoảng, Stiglitz tranh luận một cách thuyết phục về việc khôi phục lại sự cân bằng giữa chính phủ và các thị trường. Hoa Kỳ là một quốc gia đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn – về y tế, năng lượng, môi trường, giáo dục và sản xuất – và Stiglitz làm rõ từng vấn đề trong bối cảnh một trật tự mới nổi lên của nền kinh tế toàn cầu. Một trận chiến đang diễn ra giữa các ý tưởng về việc đâu là loại hình hiệu quả đối với chế độ tư bản, cũng như việc tái cân bằng quyền lực kinh tế thế giới, sẽ xây dựng nên trật tự đó. Sau cùng thì trận chiến có thể sẽ cho thấy các lý thuyết cho rằng thị trường “có lý trí” là sai lầm, hoặc phủ nhận quan điểm cho rằng sự thống trị kinh tế toàn cầu của Hoa Kỳ là đương nhiên và không thể động đến.
Joseph E. Stiglitz sinh năm 1943, người Mỹ, được trao giải Nobel Kinh tế năm 2001. Ông từng là Phó Chủ tịch cấp cao và là người đứng đầu nhóm các nhà kinh tế học của Ngân hàng Thế giới, từng là Chủ tịch hội đồng Cố vấn kinh tế trong chính quyền Mỹ. Ông nổi tiếng với các quan điểm phê phán cái gọi là “chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ”, phê phán chủ thuyết tuyệt đối tin tưởng vào thị trường tự do, và chỉ trích một số tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới. Stiglitz là một trong những nhà kinh tế học được trích dẫn thường xuyên nhất thế giới.
Văn phong của Stiglitz luôn trong sáng, tự nhiên, không hề cầu kỳ rối rắm với những thuật ngữ kinh tế xa lạ hay khó hiểu, nên độc giả sẽ dễ dàng tiếp cận dù đề tài của ông có vẻ khô khan. Một số tác phẩm của Stiglitz đã từng được dịch và giới thiệu tại Việt Nam như: Toàn cầu hóa và những mặt trái; Vặn hành toàn cầu hóa.
Tác giả: Joseph Eugene Stiglitz
Người dịch: Nguyễn Phúc Hoàng
Sách do DT BOOKS và NXB Thời Đại ấn hành
FAHASA phát hành trên toàn quốc từ tháng 10/2010.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.