(HNM) - Trên thực tế, khi nói đến tâm thần, hầu hết nghĩ rằng, đó là người mắc bệnh điên, khùng
Tâm thần - bệnh của xã hội hiện đại
Tâm thần là một bệnh xã hội đang có xu hướng gia tăng trong cuộc sống hiện đại. Theo đánh giá của giới chuyên gia, một số bệnh lý tâm thần đang có chiều hướng tăng, như rối loạn trầm cảm, nghiện (nghiện các chất, nghiện game và internet); rối loạn có liên quan đến stress và dạng cơ thể, rối loạn tự kỷ ở trẻ em… Còn theo kết quả điều tra của Bệnh viện (BV) Tâm thần trung ương I, có khoảng 14,9% dân số Việt Nam mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp, trong đó phổ biến là tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, mất trí, chậm phát triển tâm thần, nghiện rượu, ma túy, rối loạn hành vi thanh thiếu niên. Bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc BV Tâm thần trung ương I, Trưởng ban Điều hành dự án phòng, chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng (Bộ Y tế) cho biết, những năm gần đây, bệnh tâm thần gia tăng xuất phát từ những sang chấn tâm lý rất bình thường, như: Mất ngủ, ăn kém ngon miệng, giảm hứng thú, giảm giao tiếp, cảm giác uể oải mệt mỏi, giảm khả năng suy nghĩ, giảm trí nhớ, tâm lý bất an, có một số hành vi không phù hợp… Tình trạng mất ngủ kéo dài hay suy nghĩ mông lung cũng là một dạng rối loạn sức khỏe tâm thần (SKTT) khá phổ biến. Để khảo sát một cách kỹ càng về tỷ lệ dân số mắc bệnh liên quan đến SKTT thì phải dựa trên 300 mã bệnh tâm thần thường gặp. Tuy nhiên, do không có điều kiện về kinh phí nên con số thống kê tại Việt Nam được đưa ra mới chỉ là nghiên cứu trên 10 rối loạn thường gặp với hơn 100 mã bệnh, còn gần 200 mã bệnh vẫn chưa có điều kiện khảo sát. Theo báo cáo của các nước như Pháp, Mỹ… số lượng người có nguy cơ mắc bệnh tâm thần khá cao, lên đến 59%; ở các nước phát triển khác cũng lên tới 50% dân số.
Điều trị cho bệnh nhân tại một bệnh viện tâm thần. Ảnh: Anh Thơ |
Nguyên nhân gia tăng các hiện tượng này, theo ông La Ðức Cương do con người ngày càng phải đối mặt với nhiều áp lực trong cuộc sống, công việc, học hành căng thẳng, những biến đổi trong đời sống cá nhân, khi xã hội phát triển thì tác động từ mặt trái của các trào lưu càng nhiều. Ðáng nói ở chỗ, những bệnh lý tâm thần này lại thường không được chú ý. Ngay tại BV Tâm thần trung ương I, qua theo dõi những bệnh nhân tâm thần nhập viện, các bác sĩ nhận thấy: Chỉ khi bệnh nhân có những triệu chứng nặng nề được biểu hiện qua hành vi mạnh, tấn công hoặc dùng bạo lực với những người xung quanh thì người nhà mới đưa bệnh nhân đến BV điều trị.
Theo các chuyên gia tâm lý, rối loạn tâm thần là những bất thường của hoạt động tâm lý, với các biểu hiện từ nhẹ đến nặng. Nhẹ thì mất ngủ, ăn kém ngon miệng, giảm hứng thú, giảm giao tiếp, cảm giác uể oải mệt mỏi, không thích hoạt động, giảm khả năng suy nghĩ, trí nhớ, bất an, có một số hành vi không phù hợp. Nặng thì kích động, quá vui hay quá buồn chán, bất động, có ý tưởng chán sống, hành vi hoang tưởng... Đáng nói là hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh tâm thần ngày càng nhiều và nhiều vụ án do người tâm thần gây ra với mức độ ngày càng nguy hiểm. Đơn cử như vụ án đau lòng xảy ra tại thôn Ngoại Đàm (xã Phượng Hoàng, Thanh Hà, Hải Dương) khiến 4 người trong một gia đình thiệt mạng mà hung thủ chính là con, cháu, em của các nạn nhân. "Thông thường trước khi người tâm thần có những hành vi dã man thì họ đã có những biểu hiện của bệnh, nhưng có thể người thân không nhận ra hoặc không muốn nhìn nhận sự khác thường ấy là biểu hiện của bệnh tâm thần", ông La Đức Cương nói.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện có hơn 150 triệu người bị trầm cảm, khoảng 125 triệu người bị ảnh hưởng bởi các rối loạn liên quan đến sử dụng rượu, hơn 50 triệu người động kinh và 24 triệu người mắc bệnh Alzheimer. WHO nhận định, tầm nhìn đến năm 2020, SKTT có tầm quan trọng thứ nhì, sau các bệnh tim mạch. Tuy nhiên, tại hầu hết các nước thu nhập thấp và trung bình, đầu tư nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất và nhân lực cho SKTT còn rất hạn chế. Theo thống kê của WHO, chi phí tại các quốc gia này dành cho SKTT chiếm dưới 2% chi phí y tế nói chung. Nhiều quốc gia còn thiếu sự cam kết đối với các vấn đề SKTT. |
Sự thiếu hiểu biết của cộng đồng
Trong khi bệnh tâm thần ngày một gia tăng thì những hiểu biết về căn bệnh này trong cộng đồng còn quá yếu. Hiện tại, BV Tâm thần trung ương I tiếp nhận điều trị cho hơn 700 bệnh nhân, trong số đó rất nhiều người đã được tư vấn về những triệu chứng mắc phải ở giai đoạn trước bệnh nhưng do sự chủ quan và cho rằng không cần thiết, để rồi khi quay lại điều trị thì bệnh đã nặng nên hiệu quả điều trị giảm, khả năng tái phát cao.
Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện mô hình chăm sóc SKTT tại cộng đồng mới chỉ quản lý những người tâm thần phân liệt và động kinh chứ chưa quan tâm đến các rối loạn tâm thần khác, đặc biệt là trầm cảm, rối loạn hành vi, tâm thần do nghiện chất… Trong khi việc phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh phát sinh cần phải có sự tham gia của cả cộng đồng. Nếu người thân trong gia đình quan tâm thì dễ dàng nhận biết các biểu hiện khác lạ của người tâm thần khi bệnh tái phát, sau đó phối hợp với các ban, ngành và toàn xã hội để cùng quản lý, kiểm soát đối tượng trên.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, ngành y tế đang phải đối mặt với áp lực từ các bệnh không lây nhiễm, trong đó có các bệnh về SKTT. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chỉ có gần 1 bác sĩ chuyên khoa tâm thần/100.000 dân, so với trung bình thế giới là 3 bác sĩ chuyên khoa tâm thần/100.000 dân. Việc thiếu hụt cán bộ y tế chuyên ngành tâm thần đã khiến công tác chăm sóc, quản lý và điều trị bệnh nhân gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, Việt Nam nằm trong số các quốc gia chưa có luật về SKTT và hệ thống dịch vụ chăm sóc SKTT hiện nay chưa phát triển toàn diện. Dự án BV SKTT cộng đồng hiện đang tập trung vào bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm. Trong đó, các dịch vụ cung cấp cho người bệnh chủ yếu là điều trị bằng hóa dược, chưa phát triển đúng mức dịch vụ hỗ trợ tâm lý và phục hồi chức năng cho người bệnh. Đặc biệt, còn thiếu chiến lược tổng thể, toàn diện về chăm sóc SKTT. Vì vậy, việc xây dựng chiến lược quốc gia về SKTT nhằm đưa ra các định hướng phát triển hệ thống chăm sóc SKTT một cách toàn diện là việc làm cần thiết. Bên cạnh đó, cần có cơ sở lập kế hoạch phát triển nguồn lực; phát triển các dịch vụ y tế và bảo trợ xã hội, hướng tới xây dựng hệ thống luật pháp đầy đủ, mạnh mẽ về SKTT…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.