Theo dõi Báo Hànộimới trên

Robot dạy học

Anh Tuấn| 08/05/2011 04:32

(HNM) - Simon là một cậu bé 6 tuổi bị mắc bệnh tự kỷ. Cậu đang tập bắt chước các động tác của giáo viên hướng dẫn, nhưng thật thú vị khi giáo viên hướng dẫn cậu lại là một robot cao 1,2m, đang được thử nghiệm tại Đại học Nam California (Mỹ).

Robot Tiro của Hàn Quốc đang dạy tiếng Anh.

Robot này biết duy trì liên hệ mắt với mọi người và thực hiện một số động tác, nâng cánh tay lên cao... Simon làm theo, giơ cánh tay của mình lên - và bây giờ cậu mỉm cười với "giáo viên" robot. Mới chỉ trước đó ít lâu, Simon suốt ngày ủ rũ. Một đoạn video của gia đình cho thấy cậu bé ôm đầu và úp mặt vào tường. Đây là một trong những robot được lập trình cao cấp bởi các nhà khoa học Mỹ, thân thiện với mọi người và có thể dạy người học những kỹ năng như làm các công việc trong gia đình, dạy ngôn ngữ, hoặc dạy những động tác đơn giản như trong trường hợp của cậu bé Simon kể trên.

Mỹ chỉ là một ví dụ cho thấy tương lai phổ biến của những giáo viên robot trong trường học. Một số quốc gia trên thế giới cũng đã thử nghiệm đưa giáo viên robot vào giảng dạy trong lớp học. Các robot dạy học tiên tiến nhất đã có khả năng tự chủ hoàn toàn, hoạt động theo sự điều khiển của phần mềm trí tuệ nhân tạo và có thể thực sự cạnh tranh được với những giáo viên là con người ở một số nhiệm vụ giảng dạy.

Tại Nhật Bản, sau 15 năm nghiên cứu các nhà khoa học nước này đứng đầu là Giáo sư Hiroshi Kobayashi (Đại học Tokyo) đã thành công trong việc tạo ra robot giáo viên mang tên Saya. Robot Saya có hình dáng giống như một nữ sinh viên với khuôn mặt được phủ bằng nhựa latex mịn màng. Bên dưới da mặt là một hệ thống động cơ giống như các cơ bắp giúp khuôn mặt hoạt động, mang lại cho cô những nét biểu cảm trên khuôn mặt như ngạc nhiên, sợ hãi, tức giận, vui vẻ, buồn chán... Saya biết tổ chức, sắp xếp các bài học, đề ra bài tập cho học sinh, gọi tên học sinh trong danh sách và thậm chí tức giận khi có học sinh hư... Giáo viên robot Saya nói được nhiều ngôn ngữ, biết quay đầu về phía học sinh và trả lời các câu hỏi. Robot Saya hiện nói được khoảng 300 nhóm từ và có vốn từ vựng 700 từ. Robot Saya đang giảng dạy thử nghiệm trong một số trường học ở Tokyo. Một giáo viên robot khác của Nhật Bản có tên là E-Nuvo, do Viện Công nghệ Nippon (NIT) sáng chế. Giáo viên robot này được tích hợp cả một máy chiếu - tính năng mà không giáo viên trong trường phổ thông trung học nào có được.

Còn tại Hàn Quốc, các nhà khoa học cũng đang thực hiện nhiều dự án phát triển robot làm giáo viên. Đất nước nổi tiếng với sự nhiệt tình trong việc ứng dụng công nghệ khoa học này đã đưa ra chương trình "R-learning" để phát triển các robot giáo viên. Các robot giáo viên dạy tiếng Anh có tên Tiro đã bắt đầu xuất hiện ở xứ sở Kim chi từ năm 2007. Với giọng tiếng Anh chuẩn, robot Tiro, do Công ty Hanool Robotics và 4 trường đại học hàng đầu của Hàn Quốc sản xuất, được các em học sinh rất thích thú. Năm 2009, Chính phủ Hàn Quốc đã ứng dụng robot dạy học tại các lớp ngoại khóa ở 200 trường phổ thông trên cả nước. Ngành giáo dục Hàn Quốc dự kiến đến năm 2013 sẽ có khoảng 8.000 trường mẫu giáo, mầm non trên khắp cả nước sử dụng giáo viên là robot. Và mỗi gia đình sẽ có một robot vào năm 2020.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Robot dạy học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.