(HNM) - Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, đề cập đến những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2023 tổ chức ngày 3-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh một trong những giải pháp quan trọng là ngành Nông nghiệp phải “đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, bảo đảm nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế”.
Thực tế trong những năm gần đây, đặc biệt là thời kỳ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, sản xuất nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Không những bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng đầy đủ nguồn cung thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng trong nước ở những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất sản xuất nông nghiệp còn gia tăng giá trị xuất khẩu, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Nổi bật là thành tích kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2022 đạt trên 53,22 tỷ USD - mức cao kỷ lục tính trong một năm.
Và hơn thế, xét ở góc độ xã hội, lĩnh vực nông nghiệp có đóng góp vô cùng quan trọng trong tạo việc làm, thu nhập cho hàng chục triệu lao động ở khu vực nông thôn. Điều này góp phần bảo đảm ổn định xã hội, làm nền tảng cho các lĩnh vực khác cùng phát triển.
Để tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn chung, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục chủ động đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, thích ứng linh hoạt, xác định trúng, đúng các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra cho năm 2023 một cách hiệu quả, bền vững.
Trước hết, ngành Nông nghiệp cần kiên trì thực hiện chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản. Theo đó, cần tiếp tục tăng cường nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường để kịp thời định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản; thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế, đàm phán và ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau giữa các nước. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã về xây dựng thương hiệu nông sản; giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế.
Cùng với đó, tổ chức sản xuất hiệu quả và tiếp tục phát triển, mở rộng các hình thức tổ chức sản xuất tốt, phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số. Đặc biệt, cần đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, thông minh trong sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch… Đặc biệt, cần phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Ngoài ra, cần có giải pháp cụ thể để kịp thời tháo gỡ các nút thắt về chính sách, tạo điều kiện thuận lợi đối với việc tiếp cận đất đai, tín dụng, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới.
Mặt khác, theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động chỉ đạo sản xuất và triển khai công tác phòng, chống thiên tai bảo đảm kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bảo đảm sinh kế cho hơn 10 triệu hộ nông dân trên cả nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ngành Nông nghiệp thật sự là trụ đỡ nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.