(HNM) - Phải xác định rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong quản lý an toàn thực phẩm là vấn đề được các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh khi trao đổi với các phóng viên ngày 5-6.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu:
Nên coi an toàn thực phẩm là một bộ phận của an ninh quốc gia
Phải đánh giá đúng vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và nên coi đây là một bộ phận của an ninh quốc gia vì nó liên quan đến sự sống còn của dân tộc, sự hưng thịnh của đất nước. Vì vậy, cần tăng cường đầu tư cho lĩnh vực này cả về nhân lực, vật lực, tổ chức, trong đó cần quy định, xác định trách nhiệm của cán bộ ở cơ sở, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã. Tôi cho rằng, cần thiết kế bộ máy làm công tác an toàn thực phẩm khoa học, thống nhất và đủ mạnh để tuyên chiến với thực phẩm không an toàn.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Đoàn TP Hà Nội):
Chính quyền địa phương đóng vai trò chủ đạo
Thời gian qua, Hà Nội đã thí điểm thực hiện thanh tra an toàn thực phẩm tuyến quận, huyện và xã, phường cho thấy đã có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương; kết quả xử lý vi phạm hành chính trong thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cao hơn so với kiểm tra an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa yên tâm khi sử dụng thực phẩm. Theo tôi, để siết chặt công tác này, chính quyền địa phương phải đóng vai trò chủ đạo trong quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; xóa bỏ triệt để các chợ cóc, chợ tạm, những điểm buôn bán thực phẩm nhỏ lẻ… Đồng thời, các ngành chức năng phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, đặc biệt là đối với các cơ sở chế biến, giết mổ…
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP Hồ Chí Minh):
Tránh chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm
Từ thực tế tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, dù mới được Chính phủ cho thí điểm thành lập Ban An toàn thực phẩm trực thuộc thành phố, nhưng quá trình thực hiện không phải “đẻ ra” tổ chức mới, mà là tập trung đầu mối có tính chuyên nghiệp hơn. Từ đó, Nhà nước đầu tư về nhân lực, điều kiện vật chất để thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát an toàn thực phẩm ở tuyến cơ sở. Cần thiết phải đổi mới tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, kiểm soát các khâu sản xuất, chế biến, lưu thông trước khi đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, bảo đảm phân định rõ trách nhiệm, tập trung đầu mối các cơ quan chủ trì từ trung ương đến địa phương, tránh chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm, phân tán lực lượng.
Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đoàn Đà Nẵng):
Cần có cơ chế bảo đảm nguồn gốc thực phẩm
Để làm tốt công tác an toàn thực phẩm, cần truy xuất được nguồn gốc thực phẩm, nhất là đối với nhóm thực phẩm tươi sống. Đây là yếu tố then chốt để kiểm soát thực phẩm "bẩn". Năm 2016, UBND TP Đà Nẵng ban hành quy định quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản đã qua chế biến không bao gói sẵn và sản phẩm rau, thủy sản nhập vào tiêu thụ tại thành phố. Theo đó, tất cả chủ cửa hàng hoặc chủ phương tiện vận chuyển vào các khu chợ phải thực hiện việc cung cấp thông tin nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm (HNM) - Trả lời phỏng vấn Báo Hànộimới, nhiều ý kiến người dân, đại diện cơ quan chức năng cũng bày tỏ sự lo ngại về chất lượng thực phẩm và kiến nghị cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trọng lĩnh vực này. Ông Nguyễn Mạnh Hà (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng): Cần giám sát chặt chẽ Theo dõi phiên thảo luận của Quốc hội sáng 5-6, đặc biệt là Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016, tôi rất quan tâm tới những con số đáng báo động về ngộ độc thực phẩm, tình trạng tồn dư hóa chất độc hại, các cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm... Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cần tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong quy trình sản xuất, tiêu thụ; đồng thời, các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và có chế tài xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe đối với đối tượng vi phạm... Bà Nguyễn Thu Hoài (quận Đống Đa): Lo lắng về chất lượng thực phẩm tươi sống Trong các khu dân cư, rất dễ mua thực phẩm tươi sống không đóng dấu kiểm định. Nguồn gốc, chất lượng đều được người bán giới thiệu, "cam kết" là đem từ quê lên, chăn nuôi rất an toàn. Người tiêu dùng chỉ có thể đánh giá bằng cảm quan và tin vào người bán hàng. Ai cũng biết, đối với thực phẩm tươi sống, nếu muốn có kết quả kiểm nghiệm phải chờ vài ngày. Nhiều người có điều kiện mua thiết bị đo an toàn thực phẩm nhưng chỉ dám mua đồ về nhà thử vì rất ít chủ hàng cho khách thử bằng máy ngay tại quầy hàng của mình. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm nhanh như vậy cũng đang gây nhiều tranh cãi, hoang mang cho người mua. Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: Công tác kiểm soát chất lượng thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn Tổng số nhân lực làm công tác quản lý an toàn thực phẩm là 11.946 người nhưng chỉ có 254 cán bộ chuyên trách (ngành Y tế có 172 cán bộ, ngành Nông nghiệp có 78 cán bộ và ngành Công Thương có 4 cán bộ), còn lại là kiêm nhiệm. Riêng ngành Công Thương chưa có mạng lưới quản lý an toàn thực phẩm ở tuyến xã, phường. Vì vậy, công tác kiểm soát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường còn gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc triển khai chuyên đề của ngành Y tế là tăng cường quản lý, cải thiện chất lượng dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; ngành NN&PTNT là phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm tươi sống an toàn có kiểm soát; ngành Công Thương là quản lý việc sản xuất rượu. Bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội: Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm Để quản lý có hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu thủ công, rượu pha chế, cơ quan quản lý cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, hướng dẫn và tổ chức cấp giấy phép cho các cơ sở sản xuất rượu thủ công, quy định về việc bán rượu tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Mặt khác, để ngăn chặn tình trạng ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; xây dựng hệ thống cảnh báo, xử lý sự cố và huy động sự tham gia giám sát của cộng đồng. Khi phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm, người dân cần phản ánh kịp thời thông qua Đường dây nóng: 043 9985765 (Sở Y tế Hà Nội), 043 3800 115 (Sở NN&PTNT Hà Nội) và 1900 585826 (Sở Công Thương Hà Nội). Nhóm PV Hànộimớithực hiện |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.