Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rõ trách nhiệm mới đo chính xác "sức khỏe" nền kinh tế

Việt Nga| 23/06/2015 06:38

(HNM) - Thời gian qua, các phương tiện truyền thông từng phản ánh chuyện tăng trưởng GDP của các địa phương cộng lại, chia trung bình cao hơn so với GDP cả nước… Từ đó, dư luận nghi vấn về sự chuẩn xác của các phương pháp thống kê cũ.



Tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội (QH) đã đưa vào chương trình nghị sự dự án Luật Thống kê (sửa đổi) và tại buổi thảo luận tại hội trường chiều 22-6, các ý kiến đều tán thành với việc sửa đổi luật này.

Hiện nay có cả doanh nghiệp nhà nước và nhiều thành phần kinh tế khác, do đó việc thống kê gặp nhiều khó khăn hơn. Ảnh: Trần Hải


Vì sao chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội (KTXH) - GDP bình quân ở các địa phương lại cao hơn trung ương? Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp ngày 25-5, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Ngyễn Đức Kiên (Đoàn Sóc Trăng) cho biết, nguyên nhân bắt nguồn phương pháp thống kê cũ, không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Ông Kiên ví dụ, trước đây, 100% doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nên công tác thống kê đơn giản, nhưng hiện nay có cả DNNN và nhiều thành phần kinh tế khác, doanh nghiệp FDI… nên quan niệm về thống kê cũ không phù hợp với nền kinh tế.

Một ví dụ khác, Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là đại diện gần 40% vốn tại Vinamilk (Vinamilk đóng góp lợi nhuận cỡ 4.000/12.000 tỷ đồng lợi tức của SCIC). Ngoài ra, Vinamilk là DN cổ phần và khi hạch toán tại địa phương sẽ phải báo cáo lợi nhuận sau thuế; còn SCIC lại báo cáo một phần kết quả mà SCIC tạo được trên tổng vốn của nhà nước mà SCIC quản lý. Và điều này dẫn tới sự trùng lặp trong kết quả tính toán GDP. Đó chỉ là một ví dụ cụ thể, còn thực tế ở nhiều địa phương đều có các DNNN lớn (ví dụ rượu, bia, cơ khí…) có gắn kết chặt chẽ, đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Thế nhưng, bản thân các DN cũng hạch toán cả với toàn ngành… và dẫn đến trùng lặp.

Tại một cuộc họp do Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức tháng 8-2014 bàn về cách thống kê, nhiều ý kiến cho biết, do những bất cập như, một số địa phương có cửa khẩu, mỗi năm thống kê xuất khẩu nhiều tỷ USD, thế nhưng giá trị sản xuất đó không phải của riêng địa phương này. Như vậy là thống kê trùng, tạo nên sự tăng trưởng "ảo", các địa phương chạy theo con số tăng trưởng "ảo" rồi đưa vào Nghị quyết đại hội Đảng bộ. Từ đó dẫn đến chuyện có những địa phương tăng trưởng GDP tới 11-13%, thậm chí là 15%, gấp nhiều lần so với GDP bình quân của cả nước.

Từ thực trạng đó, tại buổi thảo luận ở hội trường ngày 22-6, theo ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn An Giang) cần soát xét các chỉ tiêu từng ngành để khắc phục và bổ sung các chỉ tiêu phản ánh đầy đủ hơn thực trạng kinh tế của đất nước và từng lĩnh vực, để đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành KTXH của đất nước. Ngoài ra, hiện nay có thực trạng là các DN đăng ký kinh doanh ở nhiều địa phương, do đó việc bóc, tách và xác định kết quả sản xuất của từng địa phương thường trùng hoặc sót. ĐB Mai Thị Ánh Tuyết cũng lo ngại về một số kế hoạch phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là 13,4%, trong khi nghị quyết đặt ra cho cả nước là 7,5%.

Cùng quan điểm này, ĐB Bùi Thị An (Đoàn Hà Nội) lý giải, GDP của các địa phương rất cao nhưng khi tổng hợp lại thì GDP của trung ương rất thấp là do phương pháp tính dẫn đến số liệu khác nhau và chỉ số thống kê đã không đo được chính xác "sức khỏe" của nền kinh tế. Vì vậy, các ý kiến đều tán thành dự thảo luật đã quy định rõ về việc ưu tiên áp dụng công nghệ thông tin - truyền thông và phương pháp thống kê tiên tiến vào hoạt động thống kê (Chương V).

Theo ĐB Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị), dự thảo đã làm rõ sự phối hợp về mặt nghiệp vụ và trách nhiệm giữa cơ quan thống kê trung ương và các bộ, ngành. Theo đó, hoạt động thống kê của bộ, ngành (phân loại thống kê, phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê) cần có sự thẩm định của cơ quan thống kê trung ương và "bộ, ngành có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trên cơ sở ý kiến thẩm định; giải trình với cơ quan thống kê trung ương bằng văn bản về việc tiếp thu, không tiếp thu ý kiến thẩm định". Tuy nhiên, quy định là như vậy, song nếu hai bên không thống nhất kết quả thực hiện thì cơ quan thống kê trung ương hay các bộ, ngành phải chịu trách nhiệm? Do vậy, ĐB Hà Sỹ Đồng đề nghị dự thảo cần bổ sung và nêu rõ trách nhiệm của các bên.

Nhiều ý kiến ĐB cũng cho rằng, dự thảo luật cần quy định rõ địa vị pháp lý của cơ quan thống kê trung ương và các cơ quan thống kê của địa phương để bảo đảm đủ điều kiện pháp lý để thực hiện nhiệm vụ. Theo dự thảo luật quy định Bộ kế hoạch - Đầu tư là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thống kê. Nhưng để bảo đảm tính pháp lý, nâng cao vị thế phối hợp, đặc biệt là tính độc lập và tổ chức thực hiện, đề nghị cân nhắc quy định cơ quan thống kê nên thuộc Chính phủ để bảo đảm tính minh bạch, khách quan trong hoạt động thống kê, góp phần nâng cao chất lượng thông tin thống kê. Một số ĐB đề xuất, cơ quan thống kê nên trực thuộc QH.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, UBTVQH sẽ chỉ đạo việc nghiên cứu nghiêm túc tất cả ý kiến của ĐBQH để chỉnh lý, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo luật, sẽ báo cáo lại QH tại kỳ họp sau.

Người lao động được nhận BHXH một lần

(HNM) - Chiều 22-6, với đa số ĐB tán thành, QH đã thông qua dự thảo Nghị quyết về thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần với người lao động sau một năm nghỉ việc. Theo đó, người lao động được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật BHXH (năm 2014). Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Mức hưởng BHXH một lần đối với người tham gia BHXH bắt buộc được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Mức hưởng BHXH một lần đối với người tham gia BHXH tự nguyện được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rõ trách nhiệm mới đo chính xác "sức khỏe" nền kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.