(HNM) - Ứng dụng mua vé điện tử, triển khai phần mềm trên điện thoại di động thông minh về thuyết minh hướng dẫn khách tham quan tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long hay việc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đưa vào sử dụng hệ thống thuyết minh tự động với 8 ngôn ngữ…, đều là những chuyển động tất yếu nằm trong xu thế “du lịch thông minh”.
Nói cách khác, đây là xu thế du lịch đòi hỏi việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả, tạo ra đột phá trong thu hút du khách, cải thiện năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế tiến tới hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Quan điểm này đã được nêu rõ trong “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 11 vừa qua.
Thực vậy, để tạo ra những thay đổi mạnh mẽ của du lịch nhờ ứng dụng công nghệ thông tin thì hoạt động này phải thể hiện được rõ vai trò “giải pháp đột phá”. Không phủ nhận những năm qua, các địa phương, đơn vị quản lý, doanh nghiệp du lịch đã nhận thức rõ và ít nhiều áp dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong cải thiện chất lượng hoạt động du lịch. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch đang diễn ra chưa thực sự mạnh mẽ, đồng bộ, theo chiến lược dài hơi. Đặc biệt, tính kết nối còn rời rạc. Ví như, trang điện tử về du lịch của địa phương nơi có, nơi không, các địa phương có trang thông tin riêng về lĩnh vực này thì việc cập nhật hay khả năng kết nối với các trang của địa phương khác cũng hạn chế…
Thực tế này đặt ra yêu cầu thời gian tới ngành Du lịch phải bám sát 5 nhiệm vụ đã nêu rõ trong Quyết định phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025”. Các nhiệm vụ cho thấy, phải đưa công nghệ thông tin vào tất cả các khâu của hoạt động du lịch, như: Quản lý; Phát triển hệ thống thông tin; Xây dựng các ứng dụng phục vụ du khách; Bồi dưỡng nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin cho nhân lực quản lý, hoạt động du lịch…
Tuy nhiên, nhiệm vụ có tính nền tảng nhằm tạo ra sự bứt phá về lâu dài cho hoạt động du lịch cả nước chính là phải xây dựng cho được hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành Du lịch Việt Nam. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng để thực hiện tốt các nhiệm vụ khác, hình thành nên hệ sinh thái du lịch thông minh. Rõ ràng, có thông tin về doanh nghiệp lữ hành quốc tế, cơ sở lưu trú du lịch trong cả nước, số lượng và chất lượng khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch… thì mới đưa ra các quyết định đúng đắn để kích cầu du lịch, thu hút mạnh mẽ lượng khách, nhất là du khách ở những khu vực có mức chi cao…
Bên cạnh đó, phát triển du lịch thông minh trên nền tảng công nghệ thông tin cũng đồng thời phải chú trọng kết nối với mô hình đô thị thông minh và Hệ tri thức Việt số hóa. Trong quá trình các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án kể trên, rất cần lồng ghép với mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình, đề án khác liên quan để tranh thủ các nguồn lực… Đây cũng là cách tận dụng các nguồn lực công nghệ và phát triển trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Cuối cùng, tính đột phá trong giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin còn phụ thuộc nhiều vào việc tạo ra cơ chế hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp du lịch khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ số.
Đề án đã làm rõ tính đột phá trong các giải pháp và việc thực hiện có trọng điểm các giải pháp này chính là cách nâng sức bật cho du lịch trong cả chặng dài phát triển phía trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.