Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rẻ nhưng NTD có được lợi?

Văn Ngọc Thủy| 15/10/2011 07:09

(HNM) - Với những dịch vụ, sản phẩm được cung cấp có mức giảm giá từ 20% đến 90%, trào lưu mua hàng theo nhóm thu hút được rất nhiều người tiêu dùng (NTD). Nhưng sau một thời gian hoạt động, mô hình mua hàng kiểu này đã phát sinh một số vấn đề mà phần thua thiệt bao giờ cũng thuộc về NTD.


Mô hình mua hàng theo nhóm qua mạng điện tử hiện đang cuốn hút người tiêu dùng.

Mua hàng theo nhóm là mô hình mua bán trên các mạng điện tử đem lại lợi ích cho cả ba bên: doanh nghiệp bán được hàng, quảng cáo được sản phẩm; nhà cung cấp dịch vụ hưởng phí môi giới và NTD mua được sản phẩm với giá rẻ. Thực chất đây là một hình thức quảng cáo, tiếp thị phục vụ kinh doanh. Khi kết hợp với các trang web để giảm giá trực tiếp thông qua phiếu mua hàng, doanh nghiệp biết được số lượng người tiêu dùng sử dụng dịch vụ, sản phẩm của mình qua mỗi đợt giới thiệu. Hình thức quảng cáo này mang tính tương tác cao nên hiệu quả thu được lớn hơn hoạt động quảng cáo thông thường. Việc mua bán thông qua trung gian là các nhà mạng, người tiêu dùng không còn cách nào khác là mua hàng bằng niềm tin với mạng giới thiệu, nhà cung cấp sản phẩm. Thế nhưng hiện chưa có quy định cụ thể cho hình thức bán hàng này, dẫn đến phát sinh một số vấn đề như thông tin không đầy đủ gây hiểu nhầm, thậm chí thông tin sai sự thật về sản phẩm, xâm phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Trung tuần tháng 9-2011, từ thông tin của trang web Hotdeal.vn, chị Trần Vân Anh ở phường Trung Tự, quận Đống Đa tìm đến dịch vụ tiêu mỡ bụng tại Thẩm mỹ viện Pamas, một thẩm mỹ viện khá uy tín và có đến 3 cơ sở tại Hà Nội. Theo quảng cáo, mỗi lần sử dụng dịch vụ này có giá 1.765.000 đồng nhưng mua phiếu tại Hotdeal được giảm tới 80%, chỉ còn 350.000 đồng. Nhân viên tư vấn cho biết, sau khi điều trị tiêu mỡ (bốn lần một liệu trình), khách hàng phải sử dụng thêm dịch vụ làm săn chắc da bụng với chi phí lên đến gần chục triệu đồng mới bảo đảm hiệu quả làm đẹp. Còn nếu chỉ sử dụng dịch vụ tiêu mỡ (đã được giảm giá) mà không sử dụng thêm dịch vụ làm săn chắc da thì da sẽ bị chảy xệ, nhăn nheo… Nghe thế chị Vân Anh phát hoảng, đành phải từ bỏ ngay "dịch vụ tiện ích" này vì không muốn tiền mất tật mang. Tại một thẩm mỹ viện khác, giá dịch vụ chăm sóc làm trắng da được niêm yết 925.000 đồng/lần nhưng giảm giá mua theo nhóm chỉ còn 270.000 đồng. Tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi được biết giá niêm yết chỉ là giá dịch vụ lẻ, đắt gần gấp đôi giá mua theo thẻ tại trung tâm và trên thực tế hầu như không có khách hàng nào sử dụng dịch vụ lẻ này. Như vậy nhà cung cấp cố tình đưa ra mức giá đắt nhất rồi giảm giá đến 70-80% để "nhử mồi" người tiêu dùng. Khi chỉ được mua một thẻ giảm giá cho mỗi lần sử dụng dịch vụ, khách đến đây phải mua thêm nhiều lần nữa mới mong nhận được lời cam kết có hiệu quả trong điều trị làm đẹp.

Hiện mặt hàng được bán trên các trang web mua theo nhóm khá nghèo nàn, chủ yếu tập trung ở những nhóm dịch vụ, sản phẩm có lợi nhuận cao, chi phí cố định như thẩm mỹ viện, nhà hàng ăn uống, du lịch… Với các loại hình sản phẩm này, NTD rất khó để yêu cầu chất lượng phục vụ phải bảo đảm như nội dung quảng cáo. Rất nhiều người đã thất vọng khi đến các trung tâm thẩm mỹ vì ở đó không có phòng ốc bảo đảm, nhân viên không chuyên nghiệp, sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc hoặc bị phân biệt đối xử giữa khách sử dụng phiếu và khách dùng tiền mặt, không được cộng dồn các phiếu, hạn chế số lần một khách mua… Thậm chí có trường hợp mang phiếu giảm giá đến thì cửa hàng đã thay tên đổi chủ hoặc đóng cửa. Về nguyên tắc những trường hợp này sẽ được nhà mạng hoàn lại tiền nhưng trên thực tế, việc đó giống như "bắc thang lên hỏi ông trời".

Theo thông tư 46/2010/TT-BCT ngày 31-12-2010 của Bộ Công thương có hiệu lực từ ngày 1-6-2011; trường hợp việc bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà hợp đồng không xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên thì tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử chịu trách nhiệm. Thế nhưng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1-7-2011 lại chưa có quy định cụ thể nào cho hình thức bán hàng theo nhóm trong khi mô hình này đang phát triển rất nhanh tại các đô thị lớn. Vì vậy trong quá trình chờ đợi những quy định pháp lý riêng cho hình thức mua bán hàng theo nhóm, người tiêu dùng không còn cách nào khác là tự bảo vệ mình bằng cách đọc kỹ nội dung quảng cáo, tìm hiểu đầy đủ thông tin trước khi quyết định mua hàng, khi xảy ra tranh chấp nên tìm đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được tư vấn, bảo đảm quyền lợi theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rẻ nhưng NTD có được lợi?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.