(HNM) - Một niềm xúc động, tiếc thương dâng lên trong lòng tôi khi nhận được tin Raymond Aubrac - người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam đã từ trần ngày 10-4-2012, thọ 98 tuổi. Như một định mệnh, cuộc đời gần một thế kỷ của Raymond Aubrac gắn bó một cách kỳ lạ với đất nước và nhân dân Việt Nam.
Lúc này, trong ký ức tôi hiện về vẹn nguyên cuộc gặp với con người đáng kính này 22 năm trước. Chiều 19-5-1990, tôi đến một ngôi nhà khách đẹp, yên tĩnh sau những lùm cây xanh, mặt quay về hồ Thiền Quang để gặp hai bố con người Pháp được Nhà nước ta mời sang dự lễ kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là Raymond Aubrac, lúc đó đã 76 tuổi, Ủy viên toàn quốc Hội hữu nghị Pháp - Việt và con gái ông E.Babette, 44 tuổi, giáo viên.
Chúng ta còn nhớ từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 9-1946, Bác Hồ ở Pháp với tư cách là khách mời của Chính phủ Pháp để chỉ đạo phái đoàn ta đàm phán tại Hội nghị Fontenneublau. Vợ chồng ông R.Aubrac đã mời Bác Hồ về nhà mình sống trong 6 tuần lễ. Chính trong thời gian đó, cô con gái út của R.Aubrac ra đời và Bác Hồ đã nhận làm cha đỡ đầu của cháu và đặt tên là Babette.
Những kỷ niệm sâu sắc và đầy xúc động của gia đình R.Aubrac với Bác Hồ đã làm cho không khí trò chuyện của chúng tôi, những người mới gặp nhau lần đầu, trở nên thân mật, ấm áp một cách không ngờ. Vốn là một kỹ sư cầu đường, trong chiến tranh thế giới thứ hai, R.Aubrac được tướng De Gaull giao nhiệm vụ tổ chức các đội quân bí mật trong vùng bị bọn phát xít chiếm đóng, ông đã từng bị tên đao phủ Barbie bắt giam và tuyên án tử hình năm 1943. Sau khi nước Pháp được giải phóng, R.Aubrac là Ủy viên Cộng hòa vùng Marseille, ông thường quan tâm đến đời sống những người Việt Nam làm việc trong các xưởng sản xuất vũ khí của Pháp.
Ngả người thoải mái trên chiếc ghế sô pha, ông xúc động kể cho tôi nghe cuộc gặp đầu tiên với Bác Hồ:
- Trong buổi chiêu đãi tại vườn hồng Batagene do Việt kiều tổ chức, một người Việt Nam rất trẻ đã giới thiệu tôi với Chủ tịch. Người thân mật khoác tay tôi, vừa đi vừa nói chuyện. Khi tôi hỏi về chỗ ăn, ở của Chủ tịch, Người nói rằng, Người không thật thích thú sống trong tòa lâu đài lộng lẫy mà Chính phủ Pháp dành cho, vì ở đấy không có vườn. Khi tôi nói rằng nhà tôi có vườn, thì Người rất phấn khởi và đề nghị đến thăm và uống trà trong vườn nhà tôi vào thứ ba tuần sau. 5 giờ chiều hôm đó, Chủ tịch cùng một số người giúp việc có đoàn xe môtô hộ tống đã đến nhà tôi cách Paris 25km về phía Bắc. Vài ngày sau, Chủ tịch và ba người bạn đến ở tầng 2 trong ngôi nhà cổ xưa và thiếu thốn tiện nghi của tôi. Bỗng nhiên tôi thấy mình có trách nhiệm lớn và thực sự gắn bó với Chủ tịch. Tôi đề nghị Tổng giám đốc cảnh sát chỉ canh gác ở vòng ngoài, còn ở bên trong, công tác bảo vệ được đồng đội kháng chiến của tôi đảm nhận. Lúc đó bà mẹ vợ của tôi từ vùng nông thôn Bourgogne lên chăm sóc vợ tôi là Lucie sắp sinh nở. Tôi thường vắng nhà vì bận việc. Hằng ngày, Chủ tịch nói chuyện với Lucie và mẹ vợ tôi. Những lúc nghỉ ngơi, Chủ tịch thường dẫn Jean Pierre, con trai đầu lòng của tôi, lúc đó 7 tuổi, đi dạo chơi trong làng, nói chuyện với một ông lão trồng hoa. Có hôm, vợ chồng tôi nhìn thấy hai ông cháu nằm ngủ trưa trên bãi cỏ trong vườn. Tôi cứ suy nghĩ mãi về hình ảnh ấy, một vị Chủ tịch nước Việt Nam với một cháu bé Pháp như hai ông cháu bên nhau trong khi mà Pháp và Việt Nam chưa phải là bạn bè.
Hằng ngày, người ta đưa các loại báo đủ mọi thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức tới cho Chủ tịch. Người ngồi đọc chăm chú hàng giờ trong vườn, trên bãi cỏ dưới bóng hàng cây cao. Ngoài việc bàn bạc và ăn cơm với ông Phạm Văn Đồng và các đại biểu Việt Nam dự hội nghị, Chủ tịch còn tiếp thường xuyên các nhà chính trị, các nhà văn, nhà báo, bạn bè người Pháp. Để tránh vất vả cho gia đình tôi, Chủ tịch mời một đồng chí già tên là Tỵ, một người nấu bếp điêu luyện, đến nhà tôi. Chính nhờ vậy mà chúng tôi lại trở thành khách mời của Chủ tịch, được thưởng thức các món ăn Việt Nam rất đặc sắc.
- Bác Hồ nhận làm cha đỡ đầu của cháu Babette trong trường hợp nào? - Tôi hỏi.
- Đây là câu chuyện xúc động và sâu sắc nhất trong gia đình tôi. Con gái út tôi sinh ngày 15-8-1946. Thật là một vinh dự lớn cho gia đình tôi khi Chủ tịch với đoàn xe mô tô hộ tống đã đến nhà hộ sinh thăm vợ, con tôi. Người không quên chia quà cho các nhân viên y tế. Hơn 20 năm sau, khi tôi gặp lại các nữ y tá, y sĩ đó, họ vẫn xúc động nhắc đến vị Chủ tịch của nước Việt Nam. Trong phòng khách của tôi có treo bức họa "Mẹ con" của họa sĩ Việt Nam Vũ Cao Đàm. Đó là bức họa đẹp nhất trong nhà tôi mà Chủ tịch đã tặng khi Người dự sinh nhật của tôi 31-7-1946.
- Ông đến thăm Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 7-1955 nhưng lại không gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh? - Tôi hỏi.
- Tôi không gặp Người ở Hà Nội, nhưng gặp ở Bắc Kinh. Một hôm tình cờ đọc báo, tôi được biết Chủ tịch đang dừng chân ở Bắc Kinh và sẽ lên đường đi thăm Liên Xô vào ngày hôm sau. Tôi gọi điện thoại đến Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh đề nghị gửi lời chào đến Chủ tịch. Sáng hôm sau, một chiếc xe đến đón tôi đi gặp Chủ tịch. Người ôm hôn tôi, hỏi thăm cháu Babette và gia đình tôi. Khi được biết tôi tới Bắc Kinh để làm một công việc thương mại, Người liền đề nghị tôi sang ngay Hà Nội để giải quyết các trở ngại cho việc ký kết hiệp định thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Pháp. Một mình, tôi đáp xe lửa liền trong 5 ngày. Trên tàu, nhân viên phục vụ không ai biết tiếng Anh, tiếng Pháp nên tôi phải vẽ hình quả trứng trên giấy. Tôi ăn trứng liền trong 5 ngày. Tới Hà Nội, tôi gặp gỡ đoàn Việt Nam, rồi đoàn Pháp. Chỉ sau 5 phút, một giải pháp đơn giản được đưa ra. Hiệp định được ký kết.
- Ông gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần cuối cùng vào lúc nào?
- Tháng 7-1967, khi Việt Nam đang chiến đấu. Tháng 6-1967, Hội đồng thường trực các nhà bác học thế giới họp ở Paris đề nghị tôi chuyển một bức thông điệp đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên một chiếc máy bay cổ lỗ, tôi cùng một người bạn tới Phnôm Pênh. Nửa đêm, Đại sứ quán Việt Nam gửi một bức điện khẩn tới Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị cấp thị thực cho chúng tôi. Ba giờ sau, Hà Nội trả lời là đồng ý. Xuống sân bay, một chiếc xe quân sự đưa chúng tôi vào Hà Nội trong ánh chớp và tiếng bom rền xung quanh. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đưa chúng tôi đi thăm các bệnh viện. Suốt đời tôi không quên cảnh tượng đau đớn của những em bé Việt Nam bị thương do bom bi của Mỹ.
Nghe R.Aubrac kể đến đây, Babette ngồi bên tiếp lời:
- Tôi có nhờ cha tôi chuyển đến cho cha đỡ đầu một chiếc hộp vuông, bên trong đựng một quả trứng được làm từ một thứ đá quý.
Như chợt nhớ ra, Aubrac sôi nổi:
- Đúng như vậy, tôi luôn đeo cái hộp bên mình để tránh bị thất lạc. Tôi phải làm tròn lời hứa với con gái tôi là chuyển tận tay Chủ tịch món quà.
Tôi xin lỗi Babette và đề nghị chị giải thích vì sao lại gửi món quà đó cho cha đỡ đầu.
- Quả trứng đó là biểu tượng của sự sống, tương lai và sự hoàn hảo. Cha đỡ đầu của tôi là hiện thân của những điều đó.
R.Aubrac xúc động kể tiếp:
- Sau khi tiếp chuyện tôi xong, Chủ tịch bước vào phòng và lấy ra một gói nhỏ đưa cho tôi và bảo: "Đây là tấm lụa để Babette may áo cưới". Rồi Người ôm hôn tôi rất chặt và nhờ tôi hôn giùm Babette.
Babette có gương mặt sáng, dáng người thanh mảnh, nụ cười rất vui. Suốt buổi nói chuyện, chị thường ngồi ghi chép. Trả lời câu hỏi của tôi về lần đầu tiên tới thăm đất nước Việt Nam, chị nói:
- Tôi chưa được nhìn thấy cha đỡ đầu của mình lần nào. Trước đây, hằng năm, tôi vẫn viết thư cho Người. Và Người đã dành cho tôi sự chăm sóc về tinh thần rất quý giá. Hễ có nhà văn, nhà báo Pháp nào từ Việt Nam về là Người lại gửi thư và quà cho tôi, khi thì một bức ảnh của Người, khi thì những quả cầu nhỏ, những con vật bằng ngà, sứ… Tôi giữ gìn tấm lụa của cha đỡ đầu tặng như một kỷ niệm thiêng liêng nhất. Giờ đây… tôi nhìn thấy cha đỡ đầu lần đầu tiên lại là lúc Người nằm trong hòm kính…
Babette dừng lời, yên lặng một lát, mắt ngước lên cao, chớp chớp rồi nói tiếp, giọng trầm xuống:
- Khi nhìn thấy Người, tôi có một cảm giác không sao diễn tả nổi. Không phải chỉ là xúc động, hơn, hơn thế rất nhiều. Bước ra khỏi Lăng, người tôi run lẩy bẩy, chân muốn khuỵu xuống…
Ông R.Aubrac, quay sang nắm tay con gái rồi nói:
- Năm 1969, chúng tôi nhận được tin Bác Hồ mất như chính tin bố mình mất vậy.
Được hỏi về cảm tưởng đối với đất nước Việt Nam, ông nói:
Việt Nam đã chịu đựng rất nhiều. Việt Nam là một đất nước rất nghèo, nhưng cũng lại rất giàu. Nghèo là vì còn gặp quá nhiều khó khăn: hậu quả chiến tranh còn nặng nề, bối cảnh quốc tế chưa thuận lợi, vẫn còn nhiều kẻ muốn bao vây cô lập Việt Nam… Việt Nam giàu vì con người, đặc biệt thanh niên, nam cũng như nữ, được đào tạo tốt. Đến Việt Nam tôi cảm thấy như ai cũng đang bận một việc gì đó. Điều này có nghĩa rằng đây là một dân tộc yêu lao động, một đất nước đang lao động. Năm 1989, tôi dẫn đầu đoàn 16 công ty Pháp sang Việt Nam nghiên cứu khả năng hợp tác. Tôi thấy đất nước này có tiềm năng phát triển.
Khi đề cập đến quan hệ Pháp - Việt lúc đó, ông nói:
- Vẫn còn một vài trở ngại. Trở ngại lớn nhất là nước Pháp không được thông tin đầy đủ về Việt Nam. Những ai hiểu Việt Nam cần góp phần tháo gỡ vấn đề này.
Câu chuyện của chúng tôi dừng lại khi những ánh nắng cuối cùng trong ngày đầu hè xuyên qua các kẽ lá trong khu vườn tĩnh lặng bên hồ. Trời dịu mát. Những đám mây trắng trôi lững lờ trên bầu trời Hà Nội xanh ngắt. Cả hai bố con ông tiễn tôi ra tận cửa. Tay nắm chặt, rồi ông ôm lấy tôi. Đến bây giờ hơn hai thập kỷ đã trôi qua, tôi vẫn còn cảm thấy hơi ấm vòng tay ông siết chặt. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi được gặp Raymond Aubrac.
Khi được tin ông qua đời, tôi gọi điện thoại cho NSƯT Trần Cẩm, đạo diễn bộ phim " Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân Pháp". Gợi lại mạch chuyện sâu sắc, Trần Cẩm kể lại cho tôi nghe những cuộc gặp của anh với R.Aubrac, một trong những nhân vật trong bộ phim nói trên. Ngày 2-5-2007, Trần Cẩm và đoàn làm phim VTV đến gặp ông tại nhà riêng. Cuộc gặp chỉ diễn ra trong thoáng chốc. Lúc đó, phóng viên Báo Le Monde đi cùng gợi ý: "Trần Cẩm, ông nên quay trở lại vì R.Aubrac đang nắm giữ biết bao câu chuyện bí mật và hấp dẫn". Trần Cẩm nảy ra ý định làm một bộ phim riêng về R.Aubrac. Năm ngày sau, 7-5-2007, Trần Cẩm tới bấm chuông xin gặp thì ông R.Aubrac không thật thoải mái: "Vì sao anh đến mà không hẹn trước?
Chỉ còn không đầy một giờ nữa là xe của Phủ Tổng thống đến đón tôi đi dự ngày chiến thắng phát xít". Đến lúc đó, Trần Cẩm mới được biết R.Aubrac là người Anh hùng chống phát xít cuối cùng của nước Pháp còn sống. Hai ngày sau, 9-5, Trần Cẩm nhận được điện thoại của ông. Và chỉ từ lúc đó, R.Aubrac mới mở lòng tâm sự. Và nhờ vậy, bộ phim "Người bạn thầm lặng của Bác" đã ra đời, được phát nhiều lần trên VTV, tạo nên niềm xúc động sâu sắc trong dư luận. Trong phim chúng ta thấy nhà làm phim đang trò chuyện với một cụ già Pháp, gương mặt phúc hậu, trong một căn phòng bình dị, được trang trí rất nhiều ảnh và kỷ vật từ Việt Nam. Ông đã yếu đi nhiều, nhưng giọng nói vẫn đầy nhiệt huyết, vẫn vẹn nguyên một tình yêu đặc biệt dành cho đất nước Việt Nam.
Năm 2008, R.Aubrac và Babette đã sang Việt Nam với tư cách là khách mời danh dự của Chủ tịch nước, được tôn vinh là công dân danh dự của TP Hồ Chí Minh. Năm 2010, ông lại được mời sang dự Ngày chiến thắng 30-4 và dự kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Bác Hồ. Và đặc biệt, để ghi nhận và tôn vinh những công lao của R.Aubrac dành cho Việt Nam, ngày 1-3-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định tặng ông Huân chương Hồ Chí Minh. Cho đến lúc này, R.Aubrac là người nước ngoài đầu tiên vinh dự được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cao quý. Sáng 10-4, khi các cơ quan chức năng của ta đang bàn kế hoạch tổ chức lễ trang trọng trao tặng huân chương này cho ông thì ngay buổi chiều, nhận được tin ông đã qua đời.
Một sự hẫng hụt và tiếc nuối khôn nguôi.
R.Aubrac đã đi xa, nhưng ông vẫn sống mãi trong trái tim nhân dân Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.