(HNMO) - Từ đầu tuần trước đến nay, do trời rét kèm mưa phùn kéo dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng rau củ. Cũng vì thế mà người nông dân đã dùng mọi cách để cứu vãn rau như phủ lưới che chắn, thậm chí là phun hóa chất chống thối ngay trước ngày thu hoạch.
Giá rau tăng gấp đôi
Sau dịp Tết Nguyên đán 2015, thời tiết nắng ấm nên thúc đẩy rau củ phát triển xanh tốt, cũng vì vậy sản lượng rau xanh cung cấp cho thị trường luôn ổn định, thậm chí giá cả có xu hướng giảm 10% đến 15% so với trước Tết. Tuy nhiên từ ngày 4/3 tới nay, trời rét và mưa phùn nên các vườn rau của nông dân bị dập nát nhiều, khiến lượng rau cung ứng cho thị trường giảm và giá cả tăng lên gấp đôi, gấp ba.
Bao bì thuốc trừ sâu đã được sử dụng |
Tại các khu vực trồng rau rau xanh quanh thành phố Thái Nguyên như Đồng Tâm của huyện Đồng Hỷ, vườn rau Túc Duyên, phường Túc Duyên, nhiều vườn rau bà con đang phát triển bị thối nát diện rộng. Theo chị Ngọc, chủ 2 sào rau cải các loại ở vườn rau Đồng Tâm cho hay: “Mấy ngày nay mưa tầm tã làm rau gì cũng thối gốc. Rau đắt mà gia đình tôi không có để bán nữa. Khóc dở mếu dở nhìn đám rau chết rũ từng ngày”. Còn bà Phượng, người trồng rau ở Túc Duyên thì than thở: “Dù giá rau tăng gấp đôi ba lần nhưng nông dân chúng tôi vẫn lỗ lớn vì lứa rau kịp lứa bán còn ít mà rau mới trồng và đang lớn hỏng nhiều”.
Theo phóng viên HNM khảo sát ở các chợ lớn Thái Nguyên như chợ Tiến Ninh, chợ Đồng Quang, chợ Tân Long cho thấy giá cả rau củ, quả đều tăng mạnh. Chị Lê Thị Hòa-tiểu thương bán buôn rau tại chợ đầu mối Túc Duyên cho biết: “Đầu tuần trước, hàng nhiều mà rau rất rẻ, tuy nhiên từ một tuần trở lại đây giá rau tăng nhanh. Cụ thể, mồng tơi tăng từ 1.500 lên 5.000/mớ, rau muống từ 2.500 lên 6.000/mớ, bắp cải từ 5.000 lên 12.000/kg, cà chua tăng từ 8.000 lên 15.000/kg. Hàng nhập về thì thiếu mà bán đi cũng khó vì các cửa hàng bán lẻ bán được ít”.
Giá rau tăng nhanh trong khi nhiều loại thực phẩm khác có giá ổn định khiến nhiều người tiêu dùng có xu hướng ít mua các mặt hàng rau quả. Chị Yến, sinh viên trường Đại học Khoa học Thái Nguyên cho biết: “Từ khi rau tăng giá, tôi ít mua hơn, thà mua thêm thức ăn còn thấy rẻ hơn là mua rau”. Với nhiều người, rau vẫn là một thức ăn không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của gia đình nên dù giá có cao hơn thì các mặt hàng này vẫn là thiết yếu.
Một tuần, 3 lần phun thuốc chống thối cho rau
Thị trường rau củ đang trong tình trạng thiếu, giá cả tăng cao, hơn nữa để cứu vãn các ruộng rau đang bị thời tiết tàn phá, nhiều hộ liên tục phun thuốc chống thối và diệt muội lên rau.
Tại vườn rau Túc Duyên, đủ các loại vỏ thuốc trừ sâu, hóa chất bảo vệ thực vật bằng chữ Việt Nam, Trung Quốc ngổn ngang trên bờ ruộng. Khi được hỏi về cách chăm sóc rau ở đây, bà Thỏa – chủ 2 sào rau ở vườn Túc Duyên thật thà trả lời: “Chúng tôi phun thuốc chống sâu từ khi mới trồng, sau đó cứ phun 1 tuần 3 lần đến trước khi thu hoạch 3 ngày, tôi không biết là thuốc gì cả vì là chữ Trung Quốc, thấy mọi người mua phun thì tôi cũng phun thôi”. Thậm chí, nhiều người canh tác rau xanh ở đây cho biết, họ phun thuốc cho rau bất cứ lúc nào, nhất là những đợt rau đắt hoặc thời tiết bất lợi.
Rau được phun thuốc liên tục hạn chế bị thời tiết phá hoại |
Túc Duyên là một trong những vùng rau lớn nhất của tỉnh Thái Nguyên với hơn 100 hộ trồng rau trên 30 năm. Ở đây, người dân sống chủ yếu dựa vào trồng rau nên trước thời tiết xấu như hiện nay làm nhiều hộ mất ăn mất ngủ. Bà Thoa cũng cho hay: “Ngoài thuốc chống sâu bệnh và bón lá thông thường, mấy hôm nay chũng tôi liên tục phun thuốc chống thối, trước khi bán 2 ngày thì ngưng mà vẫn lo lắm, nếu không chịu khó phun thì trắng tay mất”.
Trước tình trạng các chủ vườn rau lạm dụng phun thuốc như hiện nay, người tiêu dùng cần tỉnh táo trong việc lựa chọn các thực phẩm ăn uống phù hơp, nên mua hàng tại các siêu thị hoặc tự trồng rau tại nhà để tránh mua phải các thực phẩm có hại cho sức khỏe gia đình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.