Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rầu lòng hoa rẻ... hơn rau!

Sơn Tùng| 24/04/2011 06:36

(HNM) - Cơm trưa xong, vừa ngả lưng, thì chuông điện thoại di động của tôi lại réo như ve gọi hè. Đầu dây bên kia, bà Nụ, cô họ tôi than phiền: "Con bé lớn ở trường cứ gọi về xin tiền nộp học phí và lo chuyện ăn ở mà vợ chồng cô chẳng biết lấy đâu đưa cho nó. Nếu có dành dụm được chút ít thì cho cô mượn khoảng hai triệu đồng. Vài bữa nữa, bán đàn lợn, cô sẽ trả lại".



Cuối tuần vừa rồi, tôi tranh thủ về quê nội để giúp cô qua cơn túng ngặt. Cầm mấy tờ giấy bạc trên tay, giọng cô Nụ mỏi mệt: "Khổ quá, cả 2 sào hoa ngoài đồng đẹp thế, toàn hoa mầm mà giá rẻ như cho, chỉ 200 đồng/bông hồng, giá chỉ bằng 1/15 dịp Tết. Nhà nông mà, hễ mất mùa là chẳng biết bám vào đâu". Nhìn những luống hoa hồng lung linh trong nắng, bà cô họ tôi lắc đầu: "Bây giờ, nếu hái toàn bộ số hoa này đem ra chợ bán, cao lắm thu về chừng 200.000 đồng. Trong khi đó, tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc cho diện tích hoa này không dưới 1 triệu đồng.

Được mùa nhưng mất giá, người trồng hoa lại buồn.

Câu chuyện này đâu phải chỉ riêng của cô tôi ở vùng trồng hoa Tây Tựu (Từ Liêm), các xã vùng hoa Văn Khê, Mê Linh (Mê Linh) đều trong cảnh tương tự. Hàng trăm hộ nông dân khác trên địa bàn huyện Mê Linh cũng đang lao đao vì… hoa mất giá trong khi giá cả thực phẩm, nhiều mặt hàng sinh hoạt khác tăng như ngựa vía. Sau Tết Tân Mão, thấy 2 sào hoa sinh trưởng và phát triển rất tốt, vợ chồng chị Trần Thị Hằng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh như phất cờ trong bụng. Hai vợ chồng chắc mẩm thu hoạch xong vụ hoa mức lãi ròng đạt khoảng 35 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ được 1-2 lứa hoa dịp Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 là được giá, còn bây giờ hoa các loại rẻ hơn rau. Anh Nguyễn Văn Linh, xã Văn Khê buồn bã cho biết, chưa khi nào hoa rẻ như bây giờ. Ngày rằm giá hoa cũng không nhích lên được. Bán cả vườn hoa, trừ chi phí giống vốn, công sức chẳng được bao nhiêu. Gia đình tôi có hai đứa con ăn học, cộng với chi phí của gia đình, với tình trạng giá hoa rẻ như thế này, nếu không biết xoay sang việc khác, cuộc sống sẽ rất khó khăn.

Từ vùng hoa Mê Linh, chúng tôi đến xã Tây Tựu (Từ Liêm), một trong những "vựa hoa" lớn nhất của Thủ đô. Đến đây, hẳn không ít người phải ngẩn ngơ trước sắc vàng rực rỡ của những luống cúc Vàng Đông. Hỏi ra mới biết, đó là vết tích còn sót lại của một mùa hoa thất bát. Quanh năm suốt tháng trồng hoa, vợ chồng cô Nguyễn Thị Nụ (làng Đăm, xã Tây Tựu) rầu rĩ: "Trước Tết hoa đắt như tôm tươi thì phải đi "mót" hoa trong vườn. Bây giờ nắng nóng, hoa nở rộ thì hết mùa chơi, chỉ còn cách nhổ bỏ. Như thế này chắc chắn là lỗ vốn, nhưng nhặt được đồng nào hay đồng nấy. Đã không có lãi mà lại còn mất công dọn vườn", cô Nụ thở dài. Dù rầu rĩ vì một mùa hoa thất bát, nhưng rất hiếm khi đất ở các làng hoa bị bỏ hoang. "Người ta chỉ chơi hoa nhiều vào mùa xuân. Đến mùa hè hoa rẻ, khó bán nhưng hoa hồng khai thác vài năm mới cỗi nên dù rẻ mấy cũng chẳng ai phá bỏ. Dù vất vả hay lỗ lãi thế nào nhà vườn cũng không nỡ để một tấc đất bị bỏ hoang” - cô Nụ chia sẻ.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rầu lòng hoa rẻ... hơn rau!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.