Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rau an toàn: Vô vàn bất cập

Kiên Huyền Thanh| 17/03/2014 05:57

(HNM) - Trên thị trường đang tồn tại nghịch lý là người trồng và người buôn bán luôn tìm mọi cách để thu được nhiều lợi nhuận trong khi người tiêu dùng muốn sử dụng sản phẩm sạch lại không tiếp cận được thông tin chính thống.

Phóng viên Báo Hànộimới đã có mặt tại một số vùng chuyên canh rau, củ, quả và chợ đầu mối ở Hà Nội và chứng kiến nhiều bất cập trong các khâu sản xuất, đóng gói, tiêu thụ rau an toàn (RAT) hiện nay...

Chăm sóc rau sạch tại Lĩnh Nam (Hoàng Mai). Ảnh: Phương An


Sự thật về rau an toàn

Ngày 12-3, chúng tôi trực tiếp đi khảo sát "vựa" rau an toàn (RAT) ở các thôn Đầm, Viên Nội và Ba Chữ ở xã Vân Nội. Một điều không mấy bất ngờ là khi hỏi chuyện, nhiều người dân không hào hứng tiếp xúc với nhà báo. Một nông dân ở thôn Ba Chữ (không cho biết tên), nói dè dặt: "Chúng tôi vẫn dùng song song hai loại thuốc sinh học (còn gọi là thuốc vi sinh) và thuốc hóa học. Những loại sâu hại như sâu ổ, sâu đất, bọ nhảy... dùng thuốc sinh học phải mấy ngày mới chết, vì thế chúng tôi phải kết hợp cả thuốc hóa học để diệt trừ". Duy nhất có một nông dân khoảng trên dưới 60 tuổi, trò chuyện khá cởi mở nhưng vẫn không tiết lộ tên cho biết, gia đình ông đang trồng 3 sào RAT và được HTX Ba Chữ khuyên dùng thuốc sinh học để kháng trừ sâu bệnh. "Thỉnh thoảng do thời tiết không thuận, cây rau xuất hiện nhiều sâu hại mà thuốc sinh học không diệt trừ được thì chúng tôi mới dùng thuốc hóa học như "cóc chúa", Pedan... Nếu cây trồng đến kỳ thu hoạch thì bảo đảm cách ly đúng ngày mới nhổ bán". Ông còn tiết lộ một thông tin đáng lo ngại là "cũng có một số ít hộ gia đình phun "thuốc béo" để cây trồng mỡ màng, xanh tốt trước khi bán, nhưng họ vẫn bảo đảm đủ ngày cách ly trước khi đem bán".

Mang những câu chuyện nghe được kể với ông Trần Văn Mây, Chủ nhiệm HTX sản xuất, tiêu thụ, chế biến sản phẩm RAT thôn Vân Nội thì được ông giãi bày: "Phải hiểu sản xuất RAT là được phép dùng cả hai loại thuốc là sinh học và hóa học. Thuốc sinh học được cơ quan chức năng khuyến nghị sử dụng chủ lực, còn thuốc hóa học sử dụng trong danh mục cho phép trong trồng RAT". Anh Đặng Văn Quảng một người chuyên buôn rau, từ vùng rau Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, chở đi các chợ đầu mối, cho biết: "Tôi về tận ruộng mua rau của bà con, nghe nói vùng rau này đã được cơ quan chức năng chứng thực RAT. Biết vậy thôi chứ giá cả các vùng rau một chín một mười, an toàn hay không chúng tôi cũng chỉ thu mua giá như nhau vì ra chợ mớ rau đâu có biết nói.

Có mặt ở chợ rau Vân Trì, xã Vân Nội (Đông Anh) lúc tờ mờ sáng, trong vai người đi mua hàng, chúng tôi nhận được rất nhiều lời mời chào "ngon ngọt": "Xem rau của chị đi em! Rau non, xanh, mỡ lá và được sản xuất an toàn!". Trong "mê cung" rau củ quả, chúng tôi hỏi một người khu RAT ở đâu thì được nghe một câu chỏng lỏn: "Làm gì có khu RAT!". Một chị tên T, ở xã Tiên Dương vồn vã nói: "Ồi dào, RAT gì chứ, chúng tôi chở rau vào đây là bán cho các "đầu nậu" chuyên thu gom, còn người ta chở đi đâu thì chúng tôi cũng không biết được".

Thời điểm khoảng hơn 5h sáng ngày 12-3, chúng tôi đứng trước cửa chợ Vân Trì trong khoảng 5 phút đã đếm được 5 chuyến ô tô tải các loại chở rau đi khỏi khu vực này, trong khi đó có hàng chục chuyến xe tải nhỏ, xe đạp thồ đầy ắp rau tiến vào trong chợ. Một nam thanh niên lái xe ô tô tải chở rau đến chợ nói: "Ở đây có mối hàng quen, chúng tôi thường xuyên lấy rau ở nơi khác về đây "đổ hàng" cho các đầu mối ở Vân Nội". Hỏi thêm về nguồn gốc cũng như nơi "đổ hàng", anh này tỏ vẻ dè chừng, nói qua quýt: "Nhập ở các tỉnh lân cận Hà Nội, còn "đổ" cho ai thì không rõ vì tôi chỉ là tài xế". Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Nội Trần Thị Hợp thừa nhận, chợ rau Vân Trì hoạt động ở thời điểm hiện nay như là "chợ rau đầu mối" chứ không phân khu rau sản xuất an toàn hay rau sản xuất bình thường nên việc kiểm soát khó khăn. Bà Hợp nêu lý do: "Trước đây, chợ rau có phân khu, nhưng từ khi giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình giao thông, chợ phải chuyển vào thuê khu đất hiện tại và do Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Oanh quản lý". Vì lý do này mà không thể xác định được tỷ lệ RAT đang bày bán trong chợ ở thời điểm này là bao nhiêu, và việc trà trộn rau không rõ nguồn gốc là điều đã và vẫn đang xảy ra ở chợ rau nổi tiếng này. Thật đáng lo ngại bởi vì từ trước đến nay, người tiêu dùng ở các siêu thị lớn ở Hà Nội như Metro, BigC... vẫn tin dùng các sản phẩm rau, củ, quả có gắn tem nhãn có nguồn gốc xuất xứ từ Vân Nội.

Trước đó, có mặt tại chợ rau đầu mối Văn Quán (Hà Đông) lúc khoảng 3h sáng, chúng tôi cũng chứng kiến xe thồ, ô tô, xe máy ùn ùn chở hàng về với đủ chủng loại. Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ của các loại rau với các tiểu thương ở đây chúng tôi nhận được nhiều câu lời khác nhau. Người thì cho biết từ vùng rau Phúc Thọ, người từ Thường Tín, Đông Anh… Tìm mỏi mắt cả chợ cũng không thấy khu chuyên bán RAT. Theo đại diện BQL chợ đầu mối rau Văn Quán thì lượng cung ứng RAT thực tế tại chợ là bao nhiêu rất khó xác định bởi các tiểu thương không khai báo và đây là thực trạng khá phổ biến ở các chợ rau đầu mối của Hà Nội. Đây đều là chợ tạm, họp nhờ và không có khu bán buôn dành riêng cho RAT.

Quản lý còn nhiều bất cập

Thực tế ở Vân Nội, Yên Mỹ và nhiều nơi khác có thể thấy việc quản lý RAT đang có nhiều bất cập, dẫn đến nhiều cơ sở lợi dụng để đưa hàng bên ngoài vào dán tem nhãn của những nơi sản xuất RAT chính thống gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến các thương hiệu RAT uy tín. Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, công tác quản lý tem nhãn rau quả hiện nay là do các cơ sở được cấp giấy chứng nhận kinh doanh, sơ chế RAT được khuyến khích tự in tem nhãn, đóng gói sản phẩm và tự chịu trách nhiệm bảo vệ sản phẩm.

Theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, chi cục đã tổ chức gắn nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm RAT bán buôn tại xã Văn Đức - Gia Lâm (250ha), Duyên Hà - Thanh Trì (50ha); Thanh Đa - Phúc Thọ (50ha), Tráng Việt - Mê Linh (50ha)... ; tiếp tục dán tem nhận diện RAT Hà Nội cho RAT bán lẻ ở các cửa hàng, siêu thị, chợ... Ngoài ra, toàn thành phố có 31 cơ sở trực tiếp tham gia dán tem nhận diện RAT. Tuy nhiên, đáng buồn là ngay cả những hộ nông dân tại các vùng RAT lại không "mặn mà" với việc này vì có gắn nhãn, tem thì việc bán RAT vẫn gặp khó khăn. Ông Nguyễn Thành Lưu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sàn giao dịch Rau quả & Thực phẩm an toàn Hà Nội cho rằng, nguyên nhân chính là ở chỗ, cả người sản xuất và người tiêu dùng đang bị khủng hoảng niềm tin lẫn nhau.

Ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho rằng: "Khó khăn nhất hiện nay trong quản lý RAT là khâu nhận diện và liên kết sản xuất - sơ chế - tiêu thụ. Quá trình đi kiểm tra nhiều lần cho thấy thực tế là RAT trên đồng ruộng nhưng không chứng minh được là RAT vì thời điểm đó rau không có bao gói, không tem nhãn, đây là một bất cập lớn". Ông Nguyễn Hồng Anh cũng thừa nhận mặc dù Đề án RAT của thành phố có phương án xây dựng chợ nhưng thực tế là không làm được như minh chứng từ chợ rau Vân Trì (Đông Anh). Theo ông Nguyễn Hồng Anh, việc triển khai đề án trong thời gian tới, cần hướng đến các giải pháp, nhất là thực hiện liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến sơ chế và tiêu thụ, bởi thực tế hiện nay cho thấy, cả các HTX và nông dân sản xuất rau rất giỏi nhưng trong khâu tiêu thụ lại gặp nhiều khó khăn. Tiếp đến là xây dựng thương hiệu RAT Hà Nội để người tiêu dùng dễ nhận diện và truy xuất nguồn gốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rau an toàn: Vô vàn bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.