(HNM) - Gặp chị - NSND Minh Hòa tại một liên hoan sân khấu không chuyên, chị vẫn đẹp đằm thắm, sang trọng như vai diễn Lệ Xuân một thời.
- Thời gian gần đây, sân khấu nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đó có phải là tín hiệu mừng?
- Thực sự là bức tranh sân khấu ảm đạm nhiều năm rồi, nhưng rất may năm nay có liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ. Chính những vở diễn này đã kéo khán giả đến rạp. Trong đêm khai mạc, Rạp Công Nhân không còn một chỗ trống. Điều đó chứng tỏ là khán giả không quay lưng với sân khấu, khán giả vẫn yêu sân khấu lắm. Chỉ có điều như Minh Hòa cảm nhận, khán giả sân khấu phía Bắc chưa có thói quen quan tâm hôm nay xem gì, tuần sau xem gì.
- Nhìn từ liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ, nhiều ý kiến cho rằng, kịch bản sân khấu hiện nay rất thiếu, lại yếu nên không đủ sức hấp dẫn khán giả. Chị đánh giá thế nào về nhận định này?
- Nhận định này hoàn toàn chính xác. Phải nói là đội ngũ tác giả hiện nay rất hùng hậu, nhưng mảng đề tài họ đề cập thiếu đi sự gần gũi với công chúng. Minh Hòa thấy có những giai đoạn nhiều tác giả tập trung vào đề tài chống tham nhũng. Đành rằng tham nhũng là vấn đề nhức nhối, là vấn nạn của xã hội, cần phải lên án nhưng không có nghĩa là đến nhà hát nào khán giả cũng phải xem các vở chống tham nhũng. Bức tranh sân khấu phải luôn sinh động, ví dụ hôm nay là đề tài chống tham nhũng, mai có thể là đề tài gia đình, sự vô cảm giữa con người với con người, rồi những mảng đề tài về Hà Nội... Minh Hòa không rõ là các tác giả không đi sâu hay họ đang tìm tòi một vấn đề gì đó, nhưng không thể phủ nhận kịch bản sân khấu hiện nay rất yếu. Ngay như Nhà hát Kịch Hà Nội - nơi Minh Hòa công tác, tìm kịch bản để dàn dựng là việc rất "đau đầu". Trên bàn làm việc của Minh Hòa lúc nào cũng có cả chồng kịch bản, nhưng rất khó tìm ra một kịch bản phù hợp với nhà hát, với diễn viên của nhà hát, với sự đòi hỏi, mong đợi của khán giả.
- Những đề tài mà Nhà hát Kịch Hà Nội mong muốn phản ánh là gì, thưa chị?
- Như nhiều đơn vị nghệ thuật khác, mảng đề tài Nhà hát Kịch Hà Nội cần nhất là Hà Nội, những con người Hà Nội, cuộc sống Hà Nội, các vấn đề khác của Hà Nội. Với những đề tài này, Nhà hát Kịch Hà Nội luôn luôn tìm kiếm.
- Như chị đã thấy, trong hội thi, hội diễn chuyên nghiệp, có tác phẩm được đánh giá rất cao nhưng khi diễn phục vụ công chúng lại ít được đón nhận và ngược lại. Để các tác phẩm đi vào cuộc sống, theo chị phải làm thế nào?
- Quả thực có những vở diễn đạt giải cao, nhưng sau hội diễn lại cất đi. Những vở ít được người xem đón nhận có thể mang tính học thuật cao quá, người xem thấy nặng nề, khó hiểu. Cá nhân Minh Hòa thấy những vở diễn được khai thác tốt là những đề tài gần gũi với đời sống, phản ánh hiện thực.
- Là một nghệ sĩ chuyên nghiệp, có nhiều vai diễn để đời, chị có kinh nghiệm truyền lại cho lớp trẻ?
- Minh Hòa cũng như rất nhiều nghệ sĩ đã thành danh khác đều tham gia công tác giảng dạy với mong muốn truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm diễn xuất cho lớp trẻ. Nhân đây Minh Hòa nhắn nhủ các bạn trẻ rằng, làm nghệ thuật, tổ nghề chỉ đãi những người cần cù. Còn những người vì vẻ hào nhoáng nghệ thuật, vì ánh đèn sân khấu hay vì muốn nổi tiếng thì khó có thể thành nghệ sĩ thực thụ.
- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.