(HNM) - Cả chục nghìn người đổ về Công viên nước Hồ Tây trong thời điểm miễn phí vé vào cửa. Cơ sự vượt quá tầm kiểm soát của những người có trách nhiệm quản lý và tổ chức sự kiện miễn phí, thế là buộc phải đóng cửa, để rồi kéo theo đó là một khung cảnh chen lấn, xô đẩy rất khó coi đã diễn ra.
Không ít người trèo rào, bế ẵm, công kênh trẻ em vượt qua các cọc sắc nhọn, trong không gian đông đúc, chật hẹp, bể bơi trở thành bể vầy, các "thượng đế" bị sặc nước, thanh nữ bị ghẹo trêu... Tóm lại là một sự hỗn loạn với nhiều hành động phản cảm, phản văn hóa. Đáng nói hơn, đây không phải lần đầu những sự kiện miễn phí, giảm giá lại phát sinh sự cố khiến những người có văn hóa, có trách nhiệm phải suy nghĩ.
Cái nắng đầu hè đã làm… bay hơi ý thức trong nhiều con người hay yếu tố đám đông đã khiến nhiều người không còn cảm thấy sợ hãi và có trách nhiệm, dù là với người thân, bạn bè? Nếu như khi các bậc phụ huynh bế con trèo rào lỡ xảy chân thì cơ sự sẽ ra sao? Nếu những người bị sốc, bị sặc nước ở mức nguy hiểm không được cứu chữa kịp thời thì sẽ như thế nào?... Tâm lý của đại đa số người Việt là luôn mong muốn có được những sản phẩm miễn phí, khuyến mãi... Điều đó rất bình thường. Thế nhưng tâm lý ấy được biểu hiện một cách thiếu văn hóa với tâm lý đám đông lại trở thành không bình thường. Và phía sau những hành động như vậy là những sự bất thường rất đáng lo ngại trong đời sống xã hội.
Nhìn lại những hành vi phản cảm tại Công viên nước Hồ Tây cuối tuần vừa qua và những "sự kiện miễn phí" đáng buồn diễn ra gần đây như chuyện hàng vạn người dân Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đổ về Khu du lịch Đại Nam trong những ngày mở cửa miễn phí khiến giao thông ùn tắc, Chính phủ phải ra công điện yêu cầu các cơ quan chức năng có phương án bảo đảm an toàn cho du khách; hay chuyện cả nghìn người chen lấn để được ăn buffet miễn phí tại một cửa hàng sushi trong khu vực phố cũ Hà Nội; rồi tại chương trình phát áo mưa miễn phí cho người qua đường “Đừng để bị ướt mưa!", nhân viên Đại sứ quán Hà Lan phát hoảng vì hàng trăm người đã tranh giành để lấy được nhiều nhất những món quà miễn phí... Những câu chuyện như vậy nói lên điều gì?
Tại sao chỉ vì những thứ miễn phí như vậy mà người ta có thể bất chấp tất cả, để có bằng được nó dù giá trị vật chất không đáng để họ có những hành động gây nguy hiểm cho chính mình và người thân, thậm chí rất có thể sẽ gieo vào lòng con trẻ những tư duy xấu xí, được hình thành từ những hành vi phản văn hóa? Những người làm cha, làm mẹ có cần thiết phải dạy cho con cái mình tinh thần tiết kiệm bằng cách… phải chơi, phải ăn ở những nơi miễn phí. Ở khía cạnh khác có thể đặt câu hỏi: Phải chăng những hành động không thể chấp nhận trong thế giới văn minh ấy được bắt đầu từ sự lây lan cảm xúc một cách vô thức cùng sự vô cảm khi con người cho rằng họ không phải chịu trách nhiệm về những hậu quả xảy ra với cộng đồng? Hay vì trong đám đông, người ta có thể tự cho mình cái quyền được thực hiện những hành vi xấu? Phải chăng sự tham lam đã đẩy con người ta vượt qua những giới hạn của nhân cách?
"Hội chứng đám đông xấu sẽ không xảy ra, nếu bối cảnh xã hội không tạo điều kiện cho nó"... Một nhà nghiên cứu xã hội học đã nhận định như vậy. Rõ ràng trong những sự việc rất đáng chê trách diễn ra tại Công viên nước Hồ Tây có nguyên nhân từ việc những nhà tổ chức không lượng được số lượng "thượng đế" để lên kế hoạch, để có giải pháp ứng phó phù hợp, nhưng phía sau đó còn rất nhiều vấn đề. Tư duy kiểu phải có được những gì người ta có mà mình không có, phải lấy được những gì mà mình không lấy, người khác sẽ lấy... không phù hợp với đạo lý truyền thống của dân tộc, cũng như với một xã hội văn minh mà con người đang hướng tới. Những câu chuyện như đã nêu trên không chỉ có ở Hà Nội, ở Việt Nam, nhưng dù ở đâu thì cũng là những hành vi thiếu văn hóa, thiếu nhân văn, đáng xấu hổ và rất đáng lo ngại!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.