(HNM) - Đại hội đại biểu MTTQ lần thứ VIII đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2014 - 2019 là đẩy mạnh chức năng giám sát và phản biện xã hội.
Tại Văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng (năm 2006) đã ghi nhận chức năng GSPB xã hội của MTTQ. Thời gian qua, các hội thành viên của MTTQ đã tích cực triển khai công việc này. Tiêu biểu như vào năm 2005, khi Bộ NN&PTNT xây dựng dự án nghiên cứu và phát triển một triệu hécta lúa lai ở Việt Nam với kinh phí 1.200 tỷ đồng, trong quá trình dự thảo, Bộ đã xin ý kiến các nhà khoa học của Hội Giống cây trồng Việt Nam. Các nhà khoa học của hội đã xem xét, đưa ra ý kiến thực hiện dự án chỉ với 46 tỷ đồng và Bộ NN&PTNT đã triển khai theo phương án này, nhờ vậy mà tiết kiệm cho ngân sách hơn 1.100 tỷ đồng. Vào năm 2011, khi TP Hà Nội đưa ra bản đồ quy hoạch đô thị Hà Nội với trục Hồ Tây - Ba Vì, sau nhiều ý kiến phản biện của các nhà khoa học thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cùng ý kiến của nhiều chuyên gia khác, các cơ quan chức năng đã có những điều chỉnh hợp lý, phù hợp hơn với tình hình thực tế...
Công tác giám sát và phản biện của đội ngũ trí thức có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Ảnh: Bá Hoạt |
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công nhất định, lâu nay công tác GSPB chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Chính vì vậy, Hiến pháp 2013 thêm một lần nữa hiến định chức năng này; tháng 12-2012, Bộ Chính trị có Quyết định số 217-QĐ/TƯ về việc ban hành Quy chế GSPB xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TƯ về ban hành quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đây là lần đầu tiên nhiệm vụ quan trọng này của MTTQ được cụ thể thành cơ chế để bảo đảm thực hiện với phạm vi rất rộng, chỉ trừ vấn đề thuộc bí mật quốc gia.
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy chế GSPB của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, MTTQ Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng và nhận được sự đồng ý để MTTQ và Bộ LĐ-TB&XH tổng rà soát thực hiện chính sách người có công - một việc làm mà từ năm 1945 đến nay chưa làm được. MTTQ Việt Nam và Hội Nông dân, Bộ Công thương, Bộ NN& PTNT cũng đã ký kết chương trình giám sát thực hiện chất lượng đầu vào của ngành nông nghiệp như thức ăn chăn nuôi, giống cây con giống, thuốc bảo vệ thực vật. MTTQ Việt Nam và Tổng LĐLĐ ký kết giám sát về thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho công nhân. MTTQ Việt Nam, Bộ Y tế, Tổng hội Y học Việt Nam, Tổng hội Dược học Việt Nam ký chương trình giám sát về việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế ngoài công lập...
Như vậy, MTTQ Việt Nam đã có những kế hoạch dài hơi, sát với đời sống dân sinh trong công tác GSPB. Tuy nhiên, một hạn chế nhiều năm nay là đội ngũ trí thức vẫn chưa tham gia nhiều vào việc tư vấn và GSPB bởi họ chưa có nhiều cơ hội, chưa được coi trọng đúng mức trong công tác này, vì vậy vẫn còn nhiều trí thức e ngại khi lên tiếng tư vấn, phản biện. GS Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật MTTQ Việt Nam cho rằng, thời gian qua, các cơ quan chức năng đang lãng phí rất lớn khi không huy động được đội ngũ trí thức nêu chính kiến trước những vấn đề nóng của đất nước. GS Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam thẳng thắn đề nghị: "Nếu giao cho đội ngũ trí thức tham gia tư vấn phản biện thì cũng cần phải có cơ chế đi kèm. Hiện nay, các văn bản góp ý thường gửi đến một cách rất ngắn gọn về mặt thời gian. Chúng tôi đã từng nhận được rất nhiều văn bản mà ngày nhận được văn bản cũng là ngày kết thúc cuộc góp ý". Nhiệm vụ mà MTTQ đề ra trong nhiệm kỳ lần này là đẩy mạnh chức năng GSPB thì MTTQ cần thấy được tính vượt trội của đội ngũ trí thức để phát huy vai trò quan trọng của họ trong việc tham gia tư vấn, GSPB xã hội. Với các hội thành viên, MTTQ cần tạo điều kiện cho các hội được quyền GSPB thực sự. MTTQ với tư cách là người đại diện chung của các giới đồng bào cần có cơ chế để tạo lòng tin cũng như tận dụng hơn đội ngũ trí thức. Ngoài cơ chế đặt hàng, MTTQ nên có cơ chế khuyến khích các nhà khoa học chủ động đề xuất góp ý. Bên cạnh đó, để các nhà khoa học tham gia GSPB hiệu quả rất cần sự hợp tác của các cơ quan chủ quản trong việc cung cấp đầy đủ thông tin.
Việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức là một nội dung quan trọng của Đại hội lần thứ VIII MTTQ Việt Nam đề ra. Tuy nhiên, để vai trò của đội ngũ trí thức được phát huy, MTTQ cần phải đổi mới phương thức lãnh đạo và sử dụng đội ngũ trí thức hơn nữa mới mong công tác GSPB đạt được kết quả như mong muốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.