Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rất cần công khai giá

Trần Văn| 24/12/2010 07:11

(HNM) - Mặc dù, tại Hà Nội hiện có tới 360 điểm bán hàng bình ổn giá, nhưng những điểm bán hàng đó vẫn như "muối bỏ bể" so với nhu cầu của người dân, khiến giá cả có "bình", song chưa "ổn" ở nhiều mặt hàng. Báo Hànộimới đã ghi lại một số ý kiến của người dân xung quanh vấn đề này.

Lựa chọn thực phẩm tại một siêu thị của Hapro. Ảnh: Linh Tâm

Bà Lê Thu Ba (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa):
Lượng hàng hóa ở các điểm bán bình ổn giá quá ít

Tôi được biết có 9 nhóm mặt hàng trong danh sách bán hàng bình ổn giá. Tuy nhiên, dạo qua một số điểm bán hàng bình ổn, tôi thấy số lượng hàng hóa bày bán ít hơn cả sản phẩm danh mục đã đăng ký, cả về số lượng và chủng loại. Tâm lý người mua hàng, nhất là những người có ít thời gian để lựa chọn, thì việc tập trung số lượng hàng hóa đa dạng, chủng loại phong phú tại một địa điểm cũng quan trọng không kém yếu tố giá cả. Đó là chưa kể ở một số nơi niêm yết giá một đằng, bán một nẻo. Khi người mua thắc mắc, thì người bán giải thích là do giá cả thị trường tăng đột biến, kinh phí hỗ trợ có hạn, doanh nghiệp không thể bù lỗ được hoặc có mặt hàng đã bán hết không dám nhập, vì giá tăng cao…

Ông Phạm Trung Nguyên (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân):
Để nguồn hàng ngoại tỉnh "chảy" về Hà Nội

Hàng hóa trở nên đắt đỏ là do phải qua quá nhiều "cầu" làm giá mới đến được tay người tiêu dùng, trong khi nguồn hàng tự cung trên địa bàn thành phố lại chiếm tỷ trọng nhỏ. Các mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống, gạo và nhiều mặt hàng thiết yếu từ các tỉnh như: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… hằng ngày vẫn được vận chuyển vào thành phố bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng chủ yếu tập trung ở các chợ đầu mối. Hàng hóa đến đây lại rơi vào tay các tiểu thương, mua đi bán lại 3-4 lần mới đến được tay người tiêu dùng. Tại sao chúng ta không hỗ trợ cho các thương nhân của những tỉnh lân cận để những "hàng xóm" của chúng ta phát huy được thế mạnh nguồn hàng của địa phương mình như dành diện tích bán hàng ở các chợ lớn, trung tâm thương mại, rồi miễn giảm một số khoản phí… Hơn nữa, nhu cầu của người tiêu dùng đâu chỉ dừng lại ở 9 nhóm mặt hàng được bình ổn giá và muốn giá hàng hóa thật sự ổn định, thì giải pháp hiệu quả nhất là phải tăng nguồn cung.

Bà Trần Hồng Loan (phường Định Công, quận Hoàng Mai):
Tăng giá theo thời tiết...

Đúng thời điểm Hà Nội trải qua đợt rét đậm giữa tháng 12 vừa qua, giá rau xanh, hoa quả tăng 20-30%. Cũng một bó rau cải cúc, ngày đầu tháng chỉ 1.500 đồng, thì nay đã lên 2.500 đồng; cà chua từ 5.000 đồng/kg, nay tăng lên 7.000 đồng. Đành rằng thời tiết lạnh quá, rau không phát triển được, thời điểm thu hoạch rau ngắn ngày đều không đúng vụ, lượng rau từ ruộng lên chợ ít dẫn đến rau tăng giá, nhưng trời rét thì ảnh hưởng gì đến giá gạo, hoa quả, thịt cá…? Rõ ràng ở đây có tình trạng "ăn theo", nhóm hàng này nhìn nhóm hàng khác để đội giá lên chứ thực chất không hề bị ảnh hưởng. Theo dự báo thời tiết, từ giờ đến cuối năm còn nhiều đợt rét, không lẽ sau mỗi đợt rét lại có một mặt bằng giá hàng hóa mới được thiết lập?

Bà Chu Ngân Hà (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ):
Người dân chưa có thói quen mua hàng bình ổn giá

Các điểm bán hàng bình ổn giá hiện mới chỉ nằm ở siêu thị, trung tâm thương mại, mà chưa có mặt trong các khu chợ dân sinh. Trong khi đó phần lớn người dân có thói quen mua hàng hóa tại các chợ gần nhà, nhất là ở các chợ cóc, chợ tạm. Có thể nói, ở đâu có dân cư sinh sống ở đó có chợ, kể cả trên những tòa nhà cao tầng của các khu đô thị mới, khu tái định cư, trên vỉa hè, cạnh bờ sông, cổng trường học... Rõ ràng, ở những nơi mua bán như thế, việc kiểm soát giá cả là không thể thực hiện được, chưa kể đến những mối nguy khác: lây lan dịch bệnh, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm không bảo đảm, mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường... Theo tôi, chính quyền các địa phương muốn làm tốt công tác bình ổn giá thì cần "để mắt" đến những chợ tạm, chợ cóc trên địa bàn mình quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rất cần công khai giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.