Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rạng ngời Văn hiến Việt Nam

Vân Vũ| 10/03/2010 06:43

(HNM) - Sự kiện 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là

Một quần thể di sản văn hóa rất nổi tiếng và quan trọng của lịch sử Thăng Long ngàn năm văn hiến đã trở thành di sản thứ 194 của thế giới và là di sản thứ 2 của Việt Nam được vinh danh, sau Mộc bản triều Nguyễn.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng nằm giữa Thủ đô là biểu tượng muôn đời của văn hiến và trí tuệ Việt. 82 tấm bia tiến sĩ đặt trong "trường đại học đầu tiên" này từ lâu đã được coi là một di sản giàu giá trị về lịch sử, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật... Những tư tưởng triết học, sử học, đặc biệt là những quan điểm về giáo dục, đào tạo và sử dụng nhân tài được thể hiện trong những bài văn bia đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn", "Kẻ sĩ có mối quan hệ thật là quan trọng đối với sự phát triển của đất nước"… những quan điểm, tư tưởng về vai trò của đội ngũ trí thức, về việc tìm kiếm và sử dụng người tài được ghi lại trên những bài văn bia sẽ mãi là bài học quý giá và nguồn cổ vũ lớn cho chúng ta hôm nay, khi đất nước đang phát triển mạnh trong hoàn cảnh mới của dân tộc và thời đại, khi mà hơn lúc nào hết, văn hóa, khoa học và đội ngũ trí thức đang giữ vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp chung. 82 tấm bia đá mà mỗi tấm bia là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo được kết tinh bởi trí tuệ, bàn tay tài hoa của những nhà văn hóa, thư pháp, nghệ nhân hàng đầu của đất nước qua các thời kỳ, không chỉ là niềm tự hào của người Việt Nam mà còn là di sản được thế giới công nhận bởi tính độc đáo và duy nhất. Để có được những lá phiếu bầu của các nhà khoa học quốc tế, nhiều chương trình nghiên cứu, nhiều hội thảo với biết bao công sức, trí tuệ của các nhà khoa học trong nước đã được tổ chức để xây dựng bộ hồ sơ đầy sức thuyết phục.

Bước khởi đầu tốt đẹp cho một năm đầy ắp những sự kiện quan trọng mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội không chỉ cho chúng ta niềm tự hào về mảnh đất văn hiến, niềm tin vào sự thành công của những kế hoạch đã được xây dựng và đang được triển khai, trong đó có việc đề cử Hội Gióng và Hoàng thành Thăng Long là di sản thế giới. Có được niềm tự hào hôm nay, chúng ta càng ghi nhớ công ơn của cha ông, những người đã cầu tìm "nguyên khí quốc gia" và cả những hiền tài mà những đóng góp của họ đã hòa trong lịch sử phát triển của dân tộc. Vinh dự càng lớn, chúng ta càng thấy rõ trách nhiệm lớn lao trong việc gìn giữ, bảo vệ di sản này cũng như phát huy ý nghĩa của các di sản văn hóa của dân tộc và thế giới trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rạng ngời Văn hiến Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.