(HNM) - Hàng nhãn riêng có mặt trên thị trường Việt Nam khoảng chục năm về trước. Song từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế diễn ra tại hàng loạt quốc gia (cuối năm 2007, đầu năm 2008) thì hàng nhãn riêng bắt đầu phát triển mạnh.
Trước hết, phải hiểu hàng nhãn riêng là hàng do các nhà bán lẻ trực tiếp đặt hàng gia công theo yêu cầu về mẫu mã và tiêu chuẩn chất lượng. Do đó, về mặt lý thuyết, hàng nhãn riêng tiết giảm tối đa các chi phí trung gian, quảng cáo, tiếp thị... nên có giá thành rẻ hơn hàng cùng loại trên thị trường khoảng từ 10% đến 50%.
Ví dụ Saigon Co.op hiện đã có gần 800 mã hàng của khoảng 150 mặt hàng thiết yếu mang thương hiệu "Co.opMart". Chẳng hạn Saigon Co.op đặt Công ty Trứng gia cầm Vĩnh Thành Đạt gia công mặt hàng trứng gia cầm mang nhãn riêng "Co.opMart" theo yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng riêng. Khi có mặt trên hệ thống siêu thị, mặt hàng trứng gia cầm này mang tên "Co.opMart". Đầu tháng 6 vừa qua, BigC cũng giới thiệu hàng nhãn riêng mới mang tên "BigC", giá rẻ hơn từ 15-30% so với sản phẩm thương hiệu dẫn đầu thị trường. Đặc biệt hàng nhãn riêng "Wow! Giá hấp dẫn" của BigC rẻ hơn từ 10-70% so với sản phẩm chất lượng tương đương trên thị trường.
Công ty nghiên cứu thị trường AC Nielsen công bố một khảo sát cho thấy, hiện nay có 61% người tiêu dùng tại 53 quốc gia trên thế giới tham gia chọn mua hàng nhãn riêng và 91% trong số này cho biết sẽ tiếp tục chọn mua hàng nhãn riêng kể cả khi nền kinh tế phục hồi. Ở Việt Nam, hiện có 79% người tiêu dùng được khảo sát cho biết sẽ lựa chọn hàng nhãn riêng...
Như vậy chuyện hàng nhãn riêng lên ngôi không có gì là lạ và "lực hấp dẫn" của loại hàng này đối với người tiêu dùng là giá cả. Tuy nhiên cũng từ đây đặt ra một số vấn đề. Theo thống kê chưa đầy đủ thì hiện có trên 100 đơn vị gia công hàng nhãn riêng cho các nhà bán lẻ, trong đó bên cạnh những DN đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường còn có cả các cơ sở sản xuất, làng nghề, hợp tác xã... tham gia. Nói chung mọi đơn vị, thành phần kinh tế đều muốn "bắt tay" với nhà bán lẻ để gia công hàng nhãn riêng. Một DN may cho biết: "Nếu đưa hàng mang nhãn công ty vào siêu thị phải chịu chiết khấu đến 35%, cộng các khoản khác, chi phí có thể lên tới 45%. Trong khi đó chấp nhận gia công hàng nhãn riêng chi phí kinh doanh chỉ còn dưới 10%". Lợi là thế nhưng không làm cũng... khó. Chủ một công ty sản xuất thực phẩm kể: "Tôi từ chối gia công, siêu thị đặt cơ sở khác làm, bán giá rẻ hơn 30%. Cộng thêm nhiều biện pháp khuyến mãi, ưu đãi của siêu thị, nên hàng của tôi bán chậm dần, rồi bị đưa ra khỏi siêu thị vì không đạt doanh số". Đây chỉ là một trong nhiều ý kiến của các DN phản ánh tình trạng nhà bán lẻ dùng hàng nhãn riêng để o ép việc bán hàng cũng như "điều tiết giá" của các đơn vị sản xuất. Và chắc chắn khi các nhà bán lẻ "vừa đá bóng, vừa thổi còi" thì các DN chỉ có nước chào thua, bởi họ nắm giữ tuyệt đối lợi thế: vừa là chủ sân, vừa là trọng tài, vừa làm... cầu thủ!
Không chỉ có những biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh, một vấn đề quan tâm khác là chất lượng. Hiện với sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng, mẫu mã, thành phần, chất lượng hàng hóa... đều được đăng ký với các cơ quan quản lý. Song những nhãn hàng riêng hiện nay được gia công theo tiêu chuẩn riêng do bên đặt hàng đưa ra. Vậy cơ quan nào chịu trách nhiệm kiểm định các tiêu chuẩn đó? Đây là điều rất quan trọng đối với những mặt hàng đặc biệt mà điển hình là thực phẩm. Phải chăng lại thêm một mối lo âu nữa cho người tiêu dùng?
Đã có những đơn vị gia công hàng nhãn riêng cho biết, làm những mặt hàng này khá đơn giản, chất lượng cũng ở mức vừa vừa... Nhưng họ (nhà bán lẻ) đặt mình làm như vậy và nhãn hiệu là của họ chứ đâu phải thương hiệu đơn vị mình. Lại có người tiêu dùng cho biết, mua một túi xà phòng ngoài siêu thị (loại hàng nhãn riêng) tưởng là rẻ, nhưng để ý kỹ thì trọng lượng vừa ít hơn, chất lượng lại kém hơn vì chưa bao giờ biết tên cái nhà sản xuất ấy... Thiệt hại lại thuộc người sử dụng!
Đại loại là như thế ! Vậy nên, với hàng nhãn riêng giá rẻ - rằng hay thì thật là hay, nhưng hãy... cẩn thận !
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.