(HNM) - Liên quan trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân, Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu lập pháp và đông đảo người dân
Việc quy định mức phạt tiền cao hơn mức phạt chung không quá 2 lần áp dụng đối với cùng một hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường và quản lý đô thị tại khu vực nội thành ở các TP trực thuộc TƯ là nội dung nhận được nhiều sự ủng hộ của cử tri và các nhà nghiên cứu lập pháp. Điều này sẽ góp phần đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý nhà nước của chính quyền đô thị và tính chất, mức độ của các vi phạm hành chính, việc quy định cơ chế đặc thù trong xử phạt. Tuy nhiên, các ý kiến lưu ý việc tăng mức xử phạt cần được tiến hành song song với tăng thẩm quyền cho cơ quan chức năng trực tiếp thực hiện.
Ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng việc quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính của chủ tịch UBND, trưởng CA cấp xã có giá trị "bằng với mức xử phạt tiền" của dự thảo rất khó thực hiện và không rõ ràng. Hay việc quy định chủ tịch UBND cấp xã được phép xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng nhưng lại không quy định cho phép áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc sai phép sẽ gây khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm. Do vậy, luật cần quy định thêm cho chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền "buộc tháo dỡ công trình xây dựng không có giấy phép" cho phù hợp với một số quy định hiện hành và nâng mức xử phạt lên mức tối đa 5 triệu đồng. Ông Trần Viết Ngôn, Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị bổ sung biện pháp cắt điện, cắt nước, cấm thợ và xe vận chuyển vật liệu vào công trình vi phạm vào luật, bởi đây là biện pháp rất hiệu quả trong thực tế.
Nộp phạt vi phạm giao thông qua ngân hàng sẽ giúp tiết kiệm chi phí và thời gian so với việc thu phạt bằng tiền mặt. Ảnh: Nguyên An
Tương tự, luật cũng cần chỉnh sửa theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện và giải quyết những bất cập hiện nay. Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt CATP cho biết, có rất nhiều phương tiện vi phạm bị lưu giữ tại các bến, bãi trong nhiều năm không được xử lý, giải quyết nên bị hư hỏng, chi phí cho việc lưu giữ phương tiện cũng rất lớn, gây lãng phí. Thậm chí nhiều tang vật sau khi thanh lý, giá trị thu được không đủ trả tiền bến bãi. Mặt khác, nhiều quy định xử phạt còn chồng chéo và mức xử phạt còn thấp. Ông Nguyễn Duy Ngọc kiến nghị, ngoài tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm trong nội đô Hà Nội lên gấp 2 lần so với hiện nay, nên áp dụng biện pháp mạnh như tịch thu phương tiện đối với trường hợp có dấu hiệu đua xe trái phép trong mọi trường hợp. Cao hơn, cần tước giấy phép lái xe vĩnh viễn hoặc phạt tù nếu lái xe có nồng độ cồn tái phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. Để tiết kiệm chi phí trông coi, kho bãi đối với những tang vật, phương tiện có giá trị thấp, không còn giá trị sử dụng hoặc không thể bán đấu giá được, đề nghị quy định cho phép người có thẩm quyền tịch thu được quyền thành lập hội đồng để xử lý ngay.
Đơn giản hóa thủ tục
Theo các quy định hiện hành, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính vẫn nộp phạt theo hai hình thức: Nộp tại kho bạc trong vòng 10 ngày sau khi bị xử phạt hoặc nộp tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt nếu mức phạt không quá 200.000 đồng hoặc ở các vùng xa xôi, hẻo lánh, trên sông, trên biển, điều kiện đi lại khó khăn. Để tạo thuận lợi cho người dân, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP đề nghị phân cấp mạnh thẩm quyền thu phạt đến từng cán bộ để người dân không phải đi lại nhiều lần khi nộp phạt. Nhiều trường hợp người vi phạm giao thông ở tỉnh khác, chi phí đi lại để nộp phạt còn tốn kém hơn tiền phạt, dễ dẫn đến tâm lý hối lộ cho "được việc".
Có ý kiến đề xuất tiến tới nên thí điểm thu phạt qua tài khoản ngân hàng theo cơ chế bắt buộc mở tài khoản đối với một số đối tượng trên một số địa bàn thí điểm. Bởi nếu có thể nghiên cứu rút gọn các thủ tục nộp phạt vi phạm giao thông qua ngân hàng, sẽ giúp tiết kiệm chi phí và thời gian đối với xã hội so với việc thu phạt bằng tiền mặt. Đồng thời góp phần giảm chi phí quản lý đối với kho bạc và có thể hạn chế hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra khi thu phạt vi phạm giao thông bằng tiền mặt.
Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính gồm 6 phần, 12 chương, 146 điều, đang được cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến đóng góp, chỉnh lý hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới. Trong quá trình góp ý xây dựng luật tại Hà Nội, nhiều ý kiến lưu ý cùng với việc tăng thẩm quyền, tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm, góp phần tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ tốt hơn, thì luật cũng hạn chế tối đa việc "phạt xong cho tồn tại" như hiện nay. Bởi phạt là để giữ nghiêm kỷ cương chứ không phải là một loại phí nộp xong là hết trách nhiệm. Luật cần có sự ràng buộc trách nhiệm thực thi pháp luật, với người vi phạm nếu làm sai cần cương quyết phá bỏ, làm hỏng tài sản công cộng phải yêu cầu khôi phục hiện trạng ban đầu. Còn với những người có thẩm quyền thực thi công vụ, nếu không làm tròn chức năng, nhiệm vụ đã được quy định cũng cần xử lý nghiêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.