(HNM) - Lấn chiếm đất công không còn là câu chuyện cá biệt của mỗi địa phương. Đất rừng bị xẻ thịt, lòng sông bị lấn chiếm, những khoảng đất xen kẹt, lưu không tại các khu đô thị trở thành nhà ở, điểm bán hàng… Một nghìn lẻ một kiểu lấn chiếm đất công với đủ các hình thái từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối nhưng vẫn chưa có hồi kết.
Trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai trước hết thuộc về chính quyền cơ sở. Do vậy, một câu hỏi đặt ra là vai trò của chính quyền địa phương trước vấn nạn bức xúc này? Có thể nêu ra vài câu chuyện.
Chuyện thứ nhất: Hàng trăm hécta đất rừng ở các xã Phù Ninh, Minh Phú, Minh Trí huyện Sóc Sơn đang bị "xẻ thịt" trong cơn sốt đất vây quanh nội thành cùng những thông tin quy hoạch. Hằng ngày, những đoàn xe chở đất rầm rập nối đuôi nhau, máy ủi hì hục lấp lòng hồ Minh Tân… tất cả như một "đại công trường". Thế nhưng khi được hỏi, một vị lãnh đạo xã thản nhiên: Chưa được nghe báo cáo, nếu có sẽ khẩn trương cho cán bộ đi kiểm tra, xử lý…
Chuyện thứ hai: Tại một cuộc họp gần đây của thành phố về tình trạng vi phạm Luật Đê điều, cơ quan chức năng đã đưa ra một con số hết sức đáng ngại: Ba năm thực hiện luật này, Hà Nội có 1.064 vụ lấn chiếm hành lang bảo vệ đê làm nhà ở, lều quán bán hàng, sản xuất, kinh doanh vật liệu - trung bình mỗi tháng có 30 vụ. Điều đáng nói hơn là phản ánh thẳng thắn của một vị lãnh đạo ngành: Có phường, xã còn nhận tiền của tư nhân cho thuê mặt bằng làm kho bãi, nên việc xử lý gặp khó khăn vì "há miệng mắc quai", đã nhận tiền thì không dám xử lý triệt để…
Chuyện thứ ba: Tại một xã ở huyện Phú Xuyên, người dân hùa nhau lấn đất lưu không, chiếm ao làng. Có vị là cán bộ chủ chốt của xã "cơi nới" ra đất công hàng trăm mét vuông. Người dân đâm đơn, huyện về kiểm tra, vị này chối quanh, người nhà lấn đất chứ cá nhân không biết gì, kể cả mảnh đất gia đình đang ở. Các cụ ngày xưa nói: "Thượng bất chính, hạ tắc loạn", cán bộ chủ chốt ở xã và gia đình họ còn làm cái việc lấn chiếm đất thì sao ngăn được người dân?
Qua ba câu chuyện trên có thể thấy phần nào sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ cơ sở. Và có lẽ nói thiếu trách nhiệm thôi chưa đủ. Công luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi: Liệu các cán bộ trong những câu chuyện nêu trên có "vô tư" trong việc để cho tổ chức, cá nhân lấn chiếm đất công? Các cơ quan chức năng sẽ đưa ra câu trả lời. Có điều chỉ để trả lời thôi, cũng là chưa đủ.
Sở dĩ còn nhiều cán bộ cơ sở thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong xử lý vi phạm, thậm chí bao che, tiếp tay cho việc vi phạm pháp luật vì trách nhiệm cá nhân chưa được quy định rõ ràng. Rất ít trường hợp bị xử lý kỷ luật và có lẽ chưa ai bị buộc thôi việc khi để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất công trên địa bàn được giao trách nhiệm quản lý chứ chưa nói đến những chuyện nghiêm trọng hơn nên người ta sẵn sàng "ngoảnh mặt làm ngơ".
Vì vậy, ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý các "điểm nóng" lấn chiếm đất công, cần đưa ra cơ chế ràng buộc trách nhiệm đối với cán bộ địa phương, đặc biệt là người đứng đầu ở những địa bàn liên tiếp xảy ra vi phạm hoặc tái phạm. Nếu không có biện pháp "rắn", đủ sức răn đe thì chắc chắn tình trạng vi phạm pháp luật, lấn chiếm đất công vẫn là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi…" và sẽ cứ tiếp tục là vấn đề nhức nhối kéo dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.