Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Ra trận” không thể chờ “áo giáp”!

Thế Phương| 01/01/2015 07:07

(HNM) - Doanh nghiệp là



Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, vận hội mở ra nhiều hơn nhưng áp lực cạnh tranh cũng lớn hơn. Nhà nước đã và đang nỗ lực để tạo ra môi trường kinh doanh và hành lang pháp lý thông thoáng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhưng nếu doanh nhân, doanh nghiệp không tự đổi mới chính mình, chắc chắn không thể trụ vững trước áp lực hội nhập.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2014, cả nước có 74.842 doanh nghiệp thành lập mới (tổng vốn đăng ký là 432,2 nghìn tỷ đồng), 15.419 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nhưng cũng có tới 67.823 doanh nghiệp buộc phải giải thể... Rõ ràng cơn bĩ cực chưa qua dù bức tranh kinh tế đã xuất hiện nhiều điểm sáng. Theo công bố báo cáo của Wealth - X và Ngân hàng Thụy Sĩ (UBS) về những người siêu giàu trên thế giới trong năm 2014, Việt Nam góp mặt 210 đại diện với tổng tài sản trị giá 20 tỷ USD. Số đại gia người Việt tăng đáng kể so với những năm trước và có 2 tỷ phú có tài sản lên tới 3 tỷ USD… Từ đó có thể nhận định: Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam đang tiến lên phía trước, khoảng cách với thế giới đang được rút ngắn, do đó ngày càng xuất hiện nhiều người giàu, nhiều doanh nghiệp mạnh trên trường quốc tế. Doanh nghiệp mạnh thì đất nước sẽ mạnh bởi doanh nghiệp chính là "nguồn của cải khổng lồ" tạo nên sức mạnh cho nền kinh tế...

Ảnh: Internet


Một trong những thành tựu của công cuộc đổi mới chính là sự trưởng thành của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Có thể khẳng định trong những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và thành công vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu trong những năm gần đây (năm 2014, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2013; trong số 28 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu có 4 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD... có công sức rất lớn của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Đội ngũ này đã từng bước khẳng định vai trò tiên phong trên mặt trận kinh tế - mặt trận có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của một quốc gia, một dân tộc. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế rằng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, chưa mạnh, chưa tạo được sự liên kết để cùng lớn mạnh trên thị trường. Doanh nhân chủ yếu trưởng thành từ thực tiễn, ít được đào tạo bài bản nên khi giao dịch với đối tác nước ngoài gặp không ít khó khăn, thậm chí phải trả giá đắt do thiếu hiểu biết về luật lệ, do sơ hở trong thương thảo hợp đồng... Chưa kể đến nhược điểm rất lớn hạn chế về vốn (phần lớn doanh nghiệp chấp nhận giải thể có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng). Do vậy, không ít doanh nghiệp Việt Nam trên đường "ra biển lớn" đã phải chịu cảnh "cá lớn nuốt cá bé", chấp nhận chìm nổi, rủi ro trên thương trường.

Một vấn đề không thể không đề cập, dù ở những điểm nhìn khác nhau có thể có nhận định khác nhau. Không ít doanh nhân, doanh nghiệp đứng vào hàng "siêu giàu" của Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa vào kinh doanh bất động sản, khai thác tài nguyên. Trong khi đó, rất nhiều tỷ phú trên thế giới giàu từ việc đầu tư vào khoa học công nghệ ở những ngành công nghiệp mới. Đương nhiên làm giàu chính đáng, đóng góp của cải vật chất cho xã hội thì dù kinh doanh trên bất kỳ lĩnh vực nào cũng rất đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, đây thật sự là một vấn đề. Nếu doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam chưa đầu tư, chưa làm giàu từ lĩnh vực chế tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, chưa sử dụng nguồn lực lao động chất lượng cao và đổi mới quản trị, kinh doanh sáng tạo... thì chưa thể nói đến "phát triển bền vững". Doanh nghiệp Việt Nam không thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nếu không đi cùng xu hướng tất yếu nhân loại là phát triển kinh tế tri thức.

Một điều nữa, dẫu có thể là "biết rồi, khổ lắm..." nhưng vẫn phải nói: Trong khi có rất nhiều doanh nhân làm giàu bằng chính tài năng, mồ hôi nước mắt của mình, làm rạng danh đất nước trên trường quốc tế, có rất nhiều doanh nhân, tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, có trách nhiệm với xã hội và người lao động thì cũng có không ít doanh nhân - "đại gia" cưỡi xe "xịn", xây nhà hoành tráng, kè kè thư ký chân dài... nhưng lại nợ bảo hiểm, quỵt lương, trốn thuế... Chưa kể những doanh nhân - "đại gia" chạy dự án, làm giàu từ quan hệ, mánh mung, từ các kiểu làm ăn chộp giật... Một loạt vụ án được đưa ra ánh sáng pháp luật thời gian gần đây cho thấy xã hội đã xuất hiện những kiểu doanh nhân không đúng nghĩa "doanh nhân". Họ đang làm mất lòng tin giữa doanh nhân với doanh nhân và với xã hội. Do vậy, vấn đề trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm với cộng đồng của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cần được đặt ra như một yêu cầu cấp bách.

Từ những vấn đề nêu trên, có thể đặt câu hỏi: Làm thế nào để hạn chế tiêu cực cũng như những điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời phát huy sức mạnh của "nguồn của cải vật chất khổng lồ" cho sự nghiệp phát triển đất nước? Nhiều chính sách mới, nhiều văn bản pháp luật đã được xây dựng hoặc sửa đổi nhằm tạo hành lang pháp lý, căn chỉnh hoạt động của doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đã được đưa vào cuộc sống. Chưa thể bằng lòng với tất cả, nhưng rõ ràng đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu cộng đồng doanh nghiệp đã ghi nhận sự "chia lửa" từ các cơ quan quản lý. Nhà nước có trách nhiệm tạo ra những tấm "áo giáp" để doanh nghiệp "ra trận" nhưng quan trọng hơn, doanh nhân, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy để chiến thắng trên thương trường. Trong năm 2015, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương mà Việt Nam đang đàm phán sẽ được ký kết, cơ hội mới sẽ đến nhưng áp lực cạnh tranh sẽ lớn hơn rất nhiều. "Ra trận" không thể chờ "áo giáp", nếu không chủ động tạo được sức mạnh mới thì thua trên "sân nhà" là chuyện hoàn toàn có thể đối với doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TƯ về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với mục tiêu: Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; không ngừng phát triển, phấn đấu đến năm 2020 có một số doanh nhân, doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ra trận” không thể chờ “áo giáp”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.