(HNM) - Tại TP Hồ Chí Minh, tình trạng buôn lậu, hàng giả đang diễn biến phức tạp. Hiện, các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh đang lên kế hoạch, ra quân ngăn chặn nhằm tránh nguy cơ bùng phát.
Vi phạm hình sự gia tăng
Mới đây, Công an TP Hồ Chí Minh và Chi cục Hải quan Cảng Hiệp Phước đã bắt giữ lô hàng mỹ phẩm, điện máy và sữa bột ngoại không rõ nguồn gốc có giá trị ước tính lên tới hơn 6 tỷ đồng. Vụ việc này làm dấy lên lo ngại về thực trạng hàng lậu có nguy cơ bùng phát, hoành hành vào thời điểm cận Tết. Theo số liệu từ Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, tính đến giữa tháng 11-2015, cơ quan này đã soi chiếu 921 container của 157 doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm. Kết quả kiểm tra cho thấy, 208 container của 36 doanh nghiệp khai báo là máy móc đã qua sử dụng nhưng chủ yếu lại là thiết bị điện tử, điện lạnh, hàng gia dụng đã qua sử dụng, mỹ phẩm... Tổng giá trị của lượng hàng này ước tính trên 100 tỷ đồng.
Lô hàng không rõ nguồn gốc trị giá hàng tỷ đồng bị Hải quan TP Hồ Chí Minh bắt giữ. |
Đáng chú ý, tình hình gian lận thương mại có yếu tố hình sự đang ở mức đáng báo động. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, cơ quan công an đã khởi tố 6 vụ án hình sự liên quan đến thương mại, tăng 2 vụ so với năm 2014. Hiện Hải quan TP Hồ Chí Minh đang thực hiện việc rà soát lượng container tồn đọng trên địa bàn. Cơ quan này cho biết cũng đang phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu lập danh sách trên 1.000 container của trên 180 doanh nghiệp có dấu hiệu cần soi chiếu để xác định nghi vấn, triển khai làm rõ. Trong khi đó, hàng hóa nhập lậu vào TP Hồ Chí Minh qua nhiều nguồn khác nhau như cửa khẩu chính ngạch, tiểu ngạch, "đường mòn, lối mở" từ các tỉnh có đường biên giới với Campuchia, Lào nên rất khó kiểm soát.
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Trong thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng chính sách thông thoáng của thành phố để tuồn hàng gian, hàng giả vào thị trường nội địa, gây hoang mang cho người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho biết, các mặt hàng nhập lậu vào thành phố thường khai báo gian lận với hải quan về số lượng, chủng loại. Các đối tượng buôn lậu lợi dụng ưu đãi luồng xanh, luồng vàng với phương thức kiểm tra đại diện tỷ lệ 5% lô hàng để tuồn hàng nhập lậu. Sau đó, số hàng này được hợp thức hóa để bán hợp pháp. Mặt khác, cũng có nhiều mặt hàng các đối tượng trộn lẫn với hàng hợp pháp, sau đó sử dụng chứng từ của lô hàng hợp pháp nhằm qua mặt cơ quan chức năng.
Hiện hàng gian, hàng giả không chỉ tồn tại ở các cửa hàng nhỏ lẻ, chợ truyền thống mà còn "nghiễm nhiên" có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng lớn. Trong số này, nóng nhất là các mặt hàng mỹ phẩm, điện tử có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan, Pháp... Theo ghi nhận, các địa bàn như Quận 1, Quận 5, Quận 6... các chợ như Bến Thành, An Đông, Tân Bình, Kim Biên, Bình Tây... là những tụ điểm "tập kết" béo bở của nhiều loại hàng gian, hàng giả. Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết, có kiểm tra là có sai phạm. Tuy nhiên, hiện cơ quan này đang gặp khó khăn trong công tác phát hiện xử lý, do lực lượng mỏng nhưng hành vi vi phạm ngày càng phức tạp, tinh vi.
Tại buổi làm việc mới đây với các sở, ban, ngành TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo 389 lưu ý, bên cạnh cải cách hành chính tạo ra chính sách thông thoáng cho doanh nghiệp, cần phải chống buôn lậu, gian lận thương mại một cách hiệu quả. Trong đó, một trong những giải pháp hữu hiệu là kiểm tra nội bộ, không để cán bộ có trách nhiệm vi phạm pháp luật, có dấu hiệu dung túng, bảo kê doanh nghiệp làm ăn gian dối.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.