Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rà soát, xử lý dứt điểm từng dự án

Tuấn Lương| 10/05/2013 06:09

(HNM) - Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh chỉ đạo cơ quan liên quan phải rà soát từng dự án để có biện pháp chỉ đạo quyết liệt và xử lý dứt điểm...



Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh: Cơ quan liên quan phải rà soát từng dự án để có biện pháp chỉ đạo quyết liệt và xử lý dứt điểm; với những khiếu nại tố cáo trong quá trình thu hồi đất phải tăng cường đối thoại nhằm giải quyết ngay từ cơ sở, tránh để kéo dài, phức tạp…

Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được thi công đúng tiến độ nhờ thực hiện tốt công tác GPMB. Ảnh: Huy Hùng


Kỳ vọng vào cơ chế mới

Trên địa bàn 29 quận, huyện, thị xã hiện có 1.086 dự án đã có quyết định thu hồi đất, hoặc thông báo thu hồi đất của cấp có thẩm quyền, với diện tích phải thu hồi hơn 9.855ha, liên quan đến 140.383 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức. Trong đó, có nhiều dự án trọng điểm của Chính phủ và TP như đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường nối Nhật Tân - Nội Bài, đường Vành đai 2 (đoạn Nhật Tân - Bưởi và Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng), đường Vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu và đoạn Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái, dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các dự án đường sắt đô thị…

Ông Trương Quang Thiều, Trưởng ban Chỉ đạo GPMB TP cho biết: đến hết tháng 4-2013, đã phê duyệt phương án và chi trả hơn 2.100 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ cho 7.598 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và bố trí TĐC cho 955 trường hợp phải di chuyển chỗ ở; đã nhận bàn giao mặt bằng 292,89ha đất của 40 dự án. Với 37 cụm công trình, dự án trọng điểm, đã bàn giao khoảng 2.500/4.313ha đất phải thu hồi. Nét mới trong công tác GPMB năm nay là TP bắt đầu thực hiện việc xác định giá bồi thường đất ở của hộ gia đình, cá nhân thông qua đơn vị tư vấn thẩm định giá (TĐG) độc lập (theo Quyết định 02/2013/QĐ-UBND của UBND TP). Đây là cơ chế mới đáp ứng mong mỏi của người dân, giải quyết được những bất cập, tồn tại trong việc áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ và nhất là chính sách TĐC trong thời gian qua. Tuy nhiên, là cơ chế mới nên quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều bỡ ngỡ.

Về quỹ nhà TĐC, đại diện Sở Xây dựng cho biết, hiện có 65 dự án đã hoàn thành và đang sử dụng phục vụ TĐC với 12.700 căn hộ (11.219 căn hộ đã sử dụng, 481 căn hộ đang làm thủ tục bốc thăm). Ngoài ra, còn có 48 dự án xây nhà TĐC đang triển khai, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2013-2015 với tổng số 13.647 căn hộ; 16 khu nhà TĐC tập trung đang triển khai theo Đề án xây dựng các khu TĐC trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020. Quỹ nhà TĐC cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ công tác GPMB trong năm 2013.

Đẩy mạnh công tác GPMB sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài. Ảnh: Huy Hùng


Chủ động giải quyết vướng mắc ngay từ cơ sở

Tại hội nghị, đại diện nhiều quận, huyện đánh giá cơ chế mới theo Quyết định 02/2013/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 108/2009/QĐ-UBND của UBND TP về bồi thường, hỗ trợ và TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn đã thực sự tháo gỡ cho các địa phương. Nhưng tại quyết định này, quy định xác định giá bồi thường đất ở của hộ gia đình, cá nhân thông qua đơn vị tư vấn TĐG độc lập nhằm bảo đảm giá đền bù sát với giá thị trường đang làm không ít địa phương lúng túng. Theo đại diện UBND huyện Thạch Thất, việc bồi thường theo giá thị trường là phù hợp nhưng quá trình TĐG mất nhiều thời gian. Huyện đã thuê tư vấn nhưng đến nay tư vấn vẫn chưa lập được chứng thư TĐG.

Cũng băn khoăn về chứng thư TĐG, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Nguyễn Kim Vinh cho biết: Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 đi qua địa bàn huyện đang vướng ở khâu xác định giá đất ở sát giá thị trường. Huyện đã thuê tư vấn TĐG, chứng thư TĐG đã gửi về Sở Tài chính nhưng Sở này không chấp thuận. Theo hướng dẫn của Sở Tài chính, khu TĐC phải xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật mới xác định giá thu tiền sử dụng đất đang làm cho địa phương khó triển khai. Do đó, huyện kiến nghị cho phép xác định đơn giá này trên cơ sở quy hoạch tổng mặt bằng…

Liên quan đến những thắc mắc về chứng thư TĐG, đại diện Sở Tài chính cho rằng không phải đơn vị tư vấn nào cũng bảo đảm chất lượng. Một số quận, huyện mời tư vấn lại không ký hợp đồng với các điều khoản cụ thể, đặc biệt là về tiến độ thực hiện. Vì vậy, khi tư vấn gửi chứng thư về Sở Tài chính đã không được chấp thuận. Sở đề nghị các quận, huyện phải lựa chọn đơn vị tư vấn có uy tín và ký hợp đồng để bảo đảm hiệu quả công việc.

Kết luận buổi họp, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh đánh giá: Thời gian qua, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã tập trung quyết liệt hơn cho công tác GPMB. Tuy nhiên, so với yêu cầu của các dự án, nhất là dự án trọng điểm còn chưa tương xứng. Thời gian tới cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân. Cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc. Các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát lại từng dự án để tháo gỡ "nút thắt" nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB; tập trung tháo gỡ khó khăn ngay từ cơ sở. Việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong quá trình thu hồi đất cũng cần công khai, tăng cường đối thoại với dân. Việc ký hợp đồng thuê tư vấn TĐG cần đặc biệt lưu ý yếu tố tiến độ, nếu tư vấn không bảo đảm tiến độ, triển khai quá chậm sẽ phải thay thế… 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rà soát, xử lý dứt điểm từng dự án

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.