(HNM) - Sáng 1-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về kế hoạch sử dụng đất và dự án trồng 5 triệu héc ta rừng. Hầu hết đại biểu đề nghị làm rõ hiệu quả sử dụng đất làm khu công nghiệp (KCN) và kiên trì giữ diện tích lúa 3,8 triệu héc ta để bảo đảm an ninh lương thực.
Các ĐB Quốc hội cũng cho rằng, cách tính rừng tự nhiên mang tính hình thức, rừng bị "rút ruột" lấy hết gỗ quý. Bảo vệ rừng kém hiệu quả, khoán trắng cho ngành lâm nghiệp, chính quyền buông lỏng quản lý.
ĐB Đặng Thành Tâm (TP Hồ Chí Minh) nêu: "Không thể gọi là rừng nếu tỷ lệ cây ít. Phải có định nghĩa mật độ cây, cây lớn ra sao. Đừng so sánh tỷ lệ với Đức, rừng của họ là cây lớn, nếu so sánh 39% độ che phủ của ta với 32% của Đức, họ cười chết". ĐB Nguyễn Văn Hưng (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần xem đánh giá của Ủy ban KHCN có chuẩn không, năm 2006-2010, Tây Nguyên giảm gần 300.000ha rừng do chuyển đổi mục đích sang trồng cao su, cà phê; đất rừng bị khai thác tràn lan, sai phép; có nơi rừng chỉ còn trên giấy, thực tế không còn rừng nhưng không đánh giá được. ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị Quốc hội kết thúc chương trình này bằng giám sát thực tế, thực địa những nơi có độ che phủ trong diện báo cáo này xem con số che phủ có đúng không hay chỉ trên giấy tờ.
Về kế hoạch sử dụng đất, ĐB Trần Du Lịch đặt câu hỏi: “Phải 50 năm nữa mới lấp đầy các khu công nghiệp, khu kinh tế biển, kinh tế cửa khẩu đang có. Thế nhưng đến năm 2020, dự kiến đất dành cho khu công nghiệp sẽ tăng gấp 3 lần, như vậy để làm gì? Trong 10 năm công nghiệp hóa - đô thị hóa chúng ta đã biến không biết bao nhiêu đất nông nghiệp thành đất hoang, khu công nghiệp để nuôi bò. Đó là một sự vô lý". Cũng theo ĐB Trần Du Lịch, nếu Chính phủ không làm rõ được vốn đầu tư trên 1ha khu công nghiệp bao nhiêu? Nếu lấp đầy 70.000ha thì cần bao nhiêu? Dự kiến 200.000ha vào năm 2020 cần bao nhiêu tiền để đầu tư thì không thể phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là 200.000ha đất khu công nghiệp bởi sẽ dẫn đến việc tùy tiện mở rộng khu công nghiệp, quy hoạch treo.
Với quan điểm phải sử dụng đất hiệu quả, tránh hiện tượng chuyển đổi mục đích tràn lan, quy hoạch treo, ĐB Bùi Thị An (TP Hà Nội) đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường đánh giá xem có bao nhiêu phần trăm đất nông nghiệp bờ xôi ruộng mật đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Cũng theo ĐB An, đất đô thị, đất cho nhà ở khá lớn, thống kê bình quân 17,8m2/người, nhưng trong đó rất nhiều nhà bỏ hoang; người có rất nhiều nhà bên cạnh không ít người không có nhà ở. ĐB An cũng bày tỏ không đồng tình với đề xuất tăng đất công nghiệp.
ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) nêu: Đất sử dụng cho mục đích phúc lợi quá thấp. Trong khi quy định nguồn thu từ đất khiến các địa phương phải tìm cách bán đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tăng thu. Sân golf phát triển ồ ạt là nguyên do phân cấp cho địa phương. Theo ĐB Đào Văn Bình (Hà Nội), biến đổi khí hậu, nước biển dâng sẽ làm mất nhiều đất lúa; rồi dân số tăng lên 100 - 120 triệu người vì vậy bảo đảm an ninh lương thực hết sức quan trọng, có thể 3,8 triệu héc ta đất nông nghiệp cũng thiếu, nên dứt khoát không thể xuống 3,6 triệu héc ta được. ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) phân tích, Luật Đất đai chưa đưa ra những tiêu chí rõ ràng cho nên việc lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất vẫn còn rất chung và rất nhiều kẽ hở… Qua quá trình thực hiện kế hoạch sử dụng đất từ 2001 đến nay tôi không cho là thành công.
Làm gì có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai gì mà nhà nhà làm khu kinh tế, nhà nhà làm khu công nghiệp, nhà nhà làm sân golf, cảng biển, sân bay - ĐB Quyền nói.
Cũng theo ĐB Quyền, một tình trạng bất thường là thiếu đất xây trường mầm non; trụ sở của các cơ quan xin chục năm nay không được, nhưng dự án xin một cái là có đất ngay. Tổ chức triển khai quy hoạch không được, không tốt không ai chịu trách nhiệm. Vai trò điều hành của các bộ ngành, vai trò xử lý và vai trò quy trách nhiệm của các bộ ngành không rõ.
Buổi chiều 1-11, Quốc hội nghe báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý và thảo luận về dự án Luật Cơ yếu. Về trách nhiệm quản lý nhà nước về cơ yếu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc tiếp tục để Ban Cơ yếu Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ là không hợp lý, không phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của ngành cơ yếu là một ngành cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ và đa số ý kiến đại biểu Quốc hội chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ từ Bộ Nội vụ sang trực thuộc Bộ Quốc phòng, nhưng vẫn giữ ổn định tên gọi, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như hiện nay. Về quyền hạn của người làm cơ yếu, tiếp thu ý kiến của ĐB Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung, chỉnh lý nội dung Điều 35 theo hướng người làm công tác cơ yếu được trang bị, sử dụng phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và được ưu tiên về thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, được miễn thủ tục hải quan đối với sản phẩm mật mã mang theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.