Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rà soát, hoàn thiện quy định, không để thất thoát tài sản công

Theo TTXVN/Báo Tin tức| 11/05/2021 23:01

Ngày 11-5, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 99/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 10-5-2021. Ảnh: TTXVN

Ngày 19-4-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp và ý kiến của các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết luận như sau:

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, cần phải sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển, đồng thời tiếp tục rà soát kỹ, hoàn thiện, đảm bảo không để lợi dụng, không để thất thoát tài sản công.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công (Dự thảo Nghị định) đã được lấy 2 lần xin ý kiến của Thành viên Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì hai lần họp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan về Dự thảo Nghị định.

Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến còn khác nhau của các thành viên Chính phủ; ý kiến của các Phó Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện Dự thảo Nghị định với định hướng như sau: rà soát quy định về chuyển mục đích sử dụng đất để không thất thoát tài sản công; đẩy mạnh phân cấp, quy định rõ thẩm quyền, rõ chủ thể; quản lý chặt chẽ, thông thoáng, sử dụng hiệu quả; không gây phiền hà, ách tắc; không mất cơ hội khai thác, sử dụng tài sản công; không trái với Luật hiện hành, trình Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo hoàn thiện nhanh nhất có thể Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết đem lại hiệu quả cao hơn trong việc cung cấp dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14, nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển, đa dạng hóa thúc đẩy các hình thức hợp tác công - tư mạnh mẽ hơn, bảo đảm minh bạch, công khai, cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt công - tư trong cung cấp dịch vụ công.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương rà soát văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung về việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết hiệu quả, tránh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước; đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 58 về sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14, trong đó quy định phân cấp, quy định rõ thẩm quyền quy định khoản 2 Điều 58 về sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rà soát, hoàn thiện quy định, không để thất thoát tài sản công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.