(HNM) - Từ đầu năm 2014 đến nay, công tác rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hà Nội đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm và ngày càng đi vào nền nếp.
Khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo...
Đánh giá về công tác rà soát, xây dựng văn bản QPPL của Hà Nội từ đầu năm 2014 trở lại đây, một trong những điểm sáng là công tác tiền kiểm, hậu kiểm, theo dõi thi hành pháp luật.
Theo luật sư Cao Xuân Vượng - Đoàn Luật sư Hà Nội, công tác tư pháp, trọng tâm là đánh giá tác động, xây dựng, rà soát văn bản QPPL so với trước bao quát hơn, gần và dễ hiểu hơn đối với người dân. Làm sao để dân số Hà Nội không gia tăng theo cấp số nhân, đường phố Hà Nội thông thoáng hơn khi triển khai Luật Thủ đô? Có thể cải tiến dịch vụ xe buýt thế nào? Rồi chuyện cải cách thủ tục hành chính ra sao để Hà Nội trở thành nơi "đất lành chim đậu"… là vấn đề không chỉ được UBND thành phố yêu cầu đội ngũ cán bộ pháp chế, kiểm tra văn bản QPPL các sở, ngành đề xuất phương án giải quyết phù hợp, đánh giá tác động, mà còn được các tầng lớp nhân dân quan tâm, đóng góp ý kiến.
Từ rà soát quy định trong lĩnh vực giao thông, cơ quan chức năng có cơ sở tính phương án đấu thầu trợ giá 11 tuyến xe buýt ngoại thành. Ảnh: Thu Hằng |
Quá trình thực hiện, ngoài việc điều tra, khảo sát lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động các văn bản đã ban hành, khâu kiểm tra, xử lý và rà soát hệ thống hóa 100% văn bản QPPL đã triển khai giai đoạn trước ngày 1-1-2014 (cấp quận, huyện) và từ ngày 1-8-2008 đến 31-12-2013 (cấp thành phố) đang còn hiệu lực hoặc hết hiệu lực toàn bộ là công việc được mỗi sở, ngành với lực lượng chính là cán bộ pháp chế, rà soát văn bản tiến hành song song. Các phòng nghiệp vụ của Sở Tư pháp TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với nhiều cơ quan liên quan rà soát nhằm phát hiện những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, trái pháp luật. Với sự tham mưu của các ngành, đơn vị, UBND thành phố kịp thời xử lý những văn bản hết hiệu lực, thiếu khả thi, công bố công khai kết quả để tất cả các tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo dõi, vận dụng.
Từ kết quả khảo sát việc xây dựng, thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực giao thông trên địa bàn Thủ đô, giữa tháng 8 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có công văn chỉ đạo Sở GTVT tính phương án đấu thầu trợ giá đối với 11 tuyến xe buýt (hiện nay đang không trợ giá) để mở rộng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân về các vùng ngoại thành như Mỹ Đức, Ứng Hòa, Chương Mỹ. Mới đây, ngày 20-9, Hà Nội cùng các tỉnh, thành phố khác đã đề nghị Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại của TƯ xử lý những vướng mắc trong việc triển khai chế định thừa phát lại. Theo đó, việc người dân quan tâm hiện nay là lập vi bằng các sự kiện làm chứng cứ để tòa án xem xét giải quyết thế nào là đúng thẩm quyền; nếu lập sai giải quyết hậu quả pháp lý cho khách hàng thế nào... sẽ được TƯ nghiên cứu, hướng dẫn trong thời gian tới để có cơ sở triển khai đồng bộ.
Nâng cao chất lượng văn bản
Đáng lưu ý, cũng nhờ chú trọng công tác kiểm tra việc thực hiện văn bản QPPL, rà soát, hệ thống hóa văn bản trên địa bàn, Hà Nội đã không chỉ phát hiện những quy định chồng chéo mà còn "điểm tên" nhiều lỗi kỹ thuật. Cách đây hơn 3 năm, qua rà soát hàng chục văn bản do HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã ban hành mỗi năm, lỗi không chú trọng thẩm định văn bản khá phổ biến. Điển hình như huyện Chương Mỹ, toàn bộ văn bản do UBND huyện ban hành không có văn bản thẩm định của cơ quan tư pháp cùng cấp cũng như không được gửi đến cơ quan có thẩm quyền kiểm tra cấp trên. Tại các quận, huyện khác, nhiều văn bản có ý kiến của cơ quan tư pháp thì việc thẩm định mới chỉ dừng lại ở "góp ý" chứ chưa được thể hiện dưới hình thức văn bản thẩm định. Do chưa coi trọng công tác thẩm định văn bản, nhiều vướng mắc trong công tác ban hành văn bản QPPL của các quận, huyện, thị xã đã không được phát hiện, hướng dẫn kịp thời. Có sự lúng túng phân biệt giữa văn bản QPPL với văn bản hành chính, trong việc xác định thẩm quyền ban hành văn bản. Đối với cấp thành phố cũng phát hiện một số văn bản sai về thể thức, quy định lại những nội dung đã được các văn bản QPPL cấp trên quy định cụ thể, chi tiết... Nay tất cả những lỗi nêu trên không còn phổ biến. Từ đầu năm 2014 đến nay, qua rà soát 517 văn bản, Sở Tư pháp không phát hiện văn bản nào có dấu hiệu trái Hiến pháp. Nhiều văn bản đã ban hành thể hiện sự tham mưu đúng đắn, kịp thời của mỗi ngành, mỗi cấp và cũng thể hiện sự quyết tâm trong việc đẩy mạnh phát triển từng lĩnh vực cụ thể.
Những tháng cuối năm 2014 Sở Tư pháp với trách nhiệm tham mưu giúp UBND TP Hà Nội quản lý về công tác xây dựng, rà soát văn bản sẽ không chỉ tăng cường kiểm tra, rà soát, hướng dẫn cách xử lý các sai sót nếu có mà đã và đang chủ động nghiên cứu, tham mưu sửa đổi 331 văn bản, đưa công tác xây dựng văn bản của thành phố đi vào nền nếp, có chất lượng cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.