(HNMO)- Phương thức phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô, chương trình bình ổn giá và đầu tư vốn cho phát triển khoa học công nghệ là những vấn đề được nhiều ĐB HĐND nêu quan điểm khá quyết liệt
Cuối buổi làm việc sáng nay (3-12), HĐND TP đã xem xét và thông qua Nghị quyết phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước TP Hà Nội năm 2012 và Nghị quyết về dự toán và phân bổ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước nưm 2014 của TP Hà Nội.
Hai dự thảo Nghị quyết này đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất của các ĐB.
Phát hành trái phiếu cần tập trung, tránh giàn trải
Đề xuất một số ý kiến liên quan đến phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô và phương thức để phát hành trong năm 2013 và giai đoạn 2014-2015 là 5000 tỷ đồng, ĐB Nguyễn Thị Mai Sương (Đông Anh) nhận định qua 3 đợt phát hành vừa qua của TP cho thấy sự cố gắng của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là ý thức trách nhiệm với phát triển TP của các ngân hàng hương mại trên địa bàn.
ĐB Nguyễn Thị Mai Sương (Đông Anh) |
“Thứ nhất, phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô cần tập trung vào một hoặc hai dự án trọng điểm để HĐND TP có thể giám sát và sử dụng vốn đó một cách hiệu quả. Phát hành trái phiếu thủ đô không phải là vốn ngân sách cấp mà là vay vốn từ xã hội, từ DN, từ người dân nên TP cần phải cân đối lãi suất cho hợp lý, hiệu quả. Có như thế, khi người dân sử dụng dự án đó mới thấy phấn khởi vì công trình đó do công sức của nhân dân Thủ đô đóng góp.
Thứ hai, phát hành trải phiếu có dự án chính để giám sát chứ không giàn trải, hòa vào tổng vốn đầu tư chung của TP. Khi phát hành trái phiếu cần phải được tuyên truyền rộng rãi cho người dân, DN, các tỉnh, TP khác để kêu gọi trách nhiệm chung của toàn dân trước sự phát triển của thủ đô HN chứ ko bó hẹp vào một số tổ chức tín dụng” – ĐB Sương nêu 2 đề xuất.
ĐB Nguyễn Đình Dương (Từ Liêm) cũng cho rằng phương án phát hành trái phiếu tập trung cho các dự án, công trình, không nên phát hành chung và thời gian nên thực hiện theo từng năm để có thể theo dõi, giám sát và đánh giá tránh phân tán, giàn trải.
Cân nhắc vốn đầu tư cho các dự án khoa học
ĐB Phạm Thị Thanh Mai (Hà Đông) băn khoăn về căn cứ pháp lý của việc bố trí vốn 100% cho một số DN, đơn vị TƯ trên địa bàn để nghiên cứu, chuyển giao các ứng dụng KHCN. “Mặc dù chúng ta phải huy động, thu hút chất xám nhưng bố trí 100% vốn ngân sách thì cần thiết phải xem thêm để sử dụng đúng hiệu quả. Các đơn vị trên địa bàn thuộc các bộ, hiêp hội đều có kênh sử dụng vốn từ TƯ” – ĐB Mai phân tích.
ĐB Phạm Thị Thanh Mai (Hà Đông) |
Đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Xuân Diên (Ứng Hòa) cho rằng các khoản chi cho lĩnh vực KHCN phải đánh giá được mỗi đề tài khoa học được áp dụng đem lại hiệu quả như thế nào.
“Trong báo cáo về danh mục 8 dự án được bố trí vốn trong năm 2014 của UBND TP đề nghị cân nhắc thêm dự án về tăng cường năng lực phòng thí nghiệm và tăng cường trang thiết bị máy móc, thiết bị quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường HN với số vốn bố trí 50 tỷ. Bởi trong điều kiện hiện nay, nhiều dự án chuyển tiếp không được bố trí vốn, nhiều con đường đang dở dang nhưng cũng không được bố trí vốn để tiếp tục thực hiện.
Dự án này cũng là cần thiết với kế hoạch đầu tư 3 năm nhưng tại thời điểm hiện nay cần nhắc thêm. Những hãng mục cần thiêt có thể sử dụng từ quỹ bảo vệ môi trường hoặc quỹ khoa học công nghệ” - Ông Nguyễn Tuấn Thịnh, Phó trưởng Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP nêu ra một dự án cụ thể trong lĩnh vực KHCN cần cân nhắc trong bố trí vốn
Tiếp thu ý kiến của các ĐB HĐND, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho rằng các dự án KHCN phải gắn với thực tiễn. Tới đây UBND TP sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn về vấn đề này. “TP chúng ta phải huy động hết chất xám, không phân biệt gì DN TƯ hay địa phương” – Phó chủ tịch nhấn mạnh.
Bình ổn giá: Nên dừng hay tiếp tục?
Trong các khoản chi năm 2014, ĐB Nguyễn Xuân Diên (Ứng Hòa) đề nghị cần xem xét lại khoản chi cho bình ổn giá bởi theo ông: “Khoản chi này kém hiệu quả, không công bằng giữa các DN, không hỗ trực trực tiếp cho người sản xuất và có thể nói hình thành “cơ chế xin cho”, dễ xảy ra tiêu cực. Được biết, có đơn vị chưa hoàn trả nốt số tiền mà TP đã dành cho bình ổn giá”
Theo ông Nguyễn Tuấn Thịnh cho biết Hà Nội nêu kinh nghiệm, từ năm 2013, TP.HCM không dùng từ vốn ngân sách TP cho vay không lãi mà huy động từ ngân hàng thương mại để thực hiện chương trình bình ổn giá. Do đó, ông đề nghị TP quan tâm thêm để huy động nhiều DN hơn tham gia vào chương trình, phát huy hiệu quả tốt hơn với người lao động, vùng sâu vùng xa
Trước ý kiến của các ĐB về việc nên dừng hay tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn giá, ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND, chủ tọa kỳ họp cho biết sẽ ủy quyền lại cho thường trực HĐND và các ban chuyên môn nghiên cứu và thống nhất sau.
Nợ xây dựng cơ bản và đầu tư cho các công trình trọng điểm cũng là những vấn đề nhận được ý kiến của ĐB Nguyễn Đình Dương (Từ Liêm). Theo ĐB này: “Nghị quyết của kỳ họp thứ 7 HĐND TP có đưa ra nhiệm vụ thực hiện xử lý triệt để nợ xây dựng theo chỉ thị của CP.
ĐB Nguyễn Đình Dương (Từ Liêm) |
“Tuy nhiên, đầu năm 2013 chúng ta nợ hơn 2000 tỷ, đến hết tháng 6-2013 chúng ta nợ hơn 3.000 tỷ và báo cáo giải trình chưa có con số nợ tổng kết của cả năm 2013. Vậy đề nghị rà soát năm 2013 sẽ nợ xây dựng cơ bản là bao nhiêu?
Trong phương án của năm 2014 có 32 dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách vói tổng mức đầu tư hơn 80.000 tỷ. Hết năm 2013 chúng ta mới bố trí được 11.000 tỷ, năm 2014 dự kiến bố trí thêm 2200 tỷ. Như vậy con số bố trí được chỉ bằng 1/5, 1/6. Trong 2 năm còn lại, nguồn ở đâu bố trí đủ?”
Cuối buổi làm việc sáng nay, Nghị quyết phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách Nhà nước TP Hà Nội năm 2012 và Nghị quyết dự toán và phân bổ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2014 của TP Hà Nội cùng được thông qua với tỷ lệ ĐB đồng thuận là 85,3% .
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.