Cần quản lý hiệu quả hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại địa phương là đề nghị của nhiều đại biểu tham dự cuộc họp giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với lãnh đạo các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí diễn ra ngày 31-1, tại Hà Nội.
Cuộc họp nhằm rà soát, đánh giá hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú các cơ quan báo chí tại địa phương; kiến nghị, đề xuất một số giải pháp giúp các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú hoạt động hiệu quả hơn.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh: Hoạt động của cơ quan thường trú, văn phòng đại diện được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cần xem kỹ năng lực, nhu cầu thực tế, khả năng tài chính trong việc duy trì, mở thêm văn phòng đại diện, cơ quan thường trú. Hiện nay, sự phối hợp giữa cơ quan chủ quản, lãnh đạo cơ quan báo chí hiện chưa sâu nên chưa kiểm soát hết hoạt động của phóng viên, văn phòng đại diện. Sắp tới, ngoài việc thanh tra, Bộ sẽ tăng cường công tác tập huấn về luật, quản lý báo chí đối với các văn phòng đại diện.
Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản rà soát, chấn chỉnh sai phạm (nếu có) của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú. Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh thành cần mạnh dạn tham mưu cho tỉnh có cơ chế cung cấp thông tin cho phóng viên văn phòng đại diện, cơ quan thường trú, đồng thời xử lý nhanh thông tin khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng thuộc Bộ cần chủ động phối hợp, nghiên cứu, rà soát quy định về hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại địa phương, quy định về hoạt động Đảng, hội, đoàn thể để có điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện cho văn phòng đại diện, cơ quan, phóng viên thường trú hoạt động đúng pháp luật, hiệu quả.
Tại cuộc họp, các đại biểu ghi nhận đóng góp của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước tại địa phương. Tuy nhiên, do còn buông lỏng quản lý nên các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú một số nơi đã để xảy ra sai sót, gây ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò của báo chí. Có thể nêu lên một số hiện tượng còn bất cập hiện nay như: Việc cấp giấy giới thiệu, giấy chứng nhận cho phóng viên thường trú còn tràn lan; còn hiện tượng khoán trắng hoạt động cho các văn phòng đại diện dẫn đến nhiều hệ lụy phát sinh. Hoạt động của một số văn phòng đại diện không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí. Việc tuyển chọn phóng viên thường trú, cộng tác viên quá dễ dãi, không có nghiệp vụ vẫn còn xảy ra…
Để hạn chế tình trạng trên, nhiều đại biểu cho rằng, các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản cần quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động của trưởng đại diện văn phòng, yêu cầu văn phòng đại diện, phóng viên thường trú thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, quy tắc đạo đức người làm báo. Các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cần áp dụng chính sách hỗ trợ cho văn phòng đại diện, phóng viên thường trú. Các đơn vị, địa phương ở các tỉnh, thành phố văn phòng đại diện, cơ quan báo chí thường trú cần tăng cường phối hợp; tạo mô hình để các phóng viên thường trú, nhân viên văn phòng đại diện được sinh hoạt Đảng, hội, đoàn thể ở địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông cần có hướng dẫn cụ thể về việc ban hành giấy giới thiệu của các văn phòng đại diện; quy định rõ, quản lý chặt chẽ điều kiện về thành lập văn phòng đại diện của cơ quan báo chí…
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại địa phương; phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật tại văn phòng đại diện, phóng viên thường trú. Nhìn chung các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú nhiều cơ quan báo chí đã chủ động, tích cực, bám sát địa bàn, nắm bắt, thông tin kịp thời các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố. Hoạt động từ thiện, nhân ái được các văn phòng đại diện quan tâm thực hiện, góp phần bảo vệ, củng cố uy tín của báo chí, tạo sự gắn kết với địa phương, nhân dân. Tuy nhiên, một số văn phòng đại diện thay đổi hoạt động, nhân sự nhưng chưa đăng ký với cơ quan quản lý ở địa phương. Nhiều văn phòng đại diện ít tham gia hoạt động giao ban báo chí tại địa phương. Một số cơ quan báo chí cấp khống giấy giới thiệu cho các phóng viên…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.