Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ra quân nhiều, nỗi lo không vơi

Hoàng Thu Vân| 07/12/2011 06:30

(HNM) - Dịp cuối năm, như


Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương vừa thành lập 10 đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra tại 21 tỉnh, thành phố trọng điểm nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) dịp Tết Nhâm Thìn 2012. Từ ngày 10-12-2011 đến 30-1-2012, các đoàn sẽ tập trung thanh, kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống về điều kiện ATVSTP, hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm, nhãn mác sản phẩm... trong đó đặc biệt chú trọng tới các loại thực phẩm phổ biến thường được sử dụng vào dịp Tết cổ truyền. Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trung ương cũng quyết định thành lập 6 đoàn kiểm tra, đồng thời yêu cầu Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố và các trạm kiểm soát liên hợp mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát đối với 3 mặt hàng rượu, bia, thuốc lá.


Còn theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, Bộ sẽ đặc biệt quan tâm chỉ đạo việc quản lý chất lượng ATVSTP, bảo đảm nguồn cung hàng hóa, lương thực; trong đó có việc kiểm tra tiêu chuẩn các loại rau quả, nông sản, thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam. Rồi Bộ GTVT kiểm tra việc bán vé tàu Tết Nhâm Thìn; Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; cảnh sát giao thông tổng kiểm tra các phương tiện để bảo đảm cho nhân dân đi lại...

Chắc chắn trong những ngày tới còn dồn dập thêm nhiều thông tin mới của các cơ quan quản lý. Tất cả những hoạt động đó đều chung một mục tiêu là ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ giá cả, tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa... tới điều kiện an toàn khi sử dụng. Vậy nhưng chắc chắn là người tiêu dùng vẫn chưa cảm nhận được sự an toàn. Còn đó các "chuyến xe kinh hoàng" chở hàng tấn lục phủ ngũ tạng không rõ nguồn gốc nhập khẩu qua biên giới, ung dung vận chuyển qua hàng trăm cây số để chuyển vào Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Rồi các sản phẩm như bánh, mứt, kẹo, đồ uống... nhập lậu, thịt gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch; những sản phẩm hết hạn sử dụng, hoặc được làm nhái, làm giả, hoặc kém chất lượng, sử dụng những hóa chất cấm có thể gây ra những bệnh lý nguy hiểm... vẫn vô tư bày bán.

Tuy không công bố "ra quân", nhưng thống kê lại, cứ vào dịp cuối năm cũ, đầu năm mới, các bác sĩ của Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai nói riêng và những người làm công việc này tại các bệnh viện khác trên cả nước nói chung đều rất bận rộn khi số ca cấp cứu năm sau tăng hơn năm trước. Cũng thời điểm này, khi thị trường đặc biệt sôi động, khi các tư thương và những người kinh doanh, sản xuất vô lương tâm tranh thủ "xả hàng", "vượt rào", "về đích"... thì đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó có những người được giao phần việc bảo đảm sự ổn định, trong sạch của thị trường cũng bận rộn hơn với chuyện gia đình khi "năm hết, tết đến"...

Đại loại là như vậy.

Trách nhiệm quản lý, kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan, các ngành ở từng khâu, từng phần việc đều đã có, tuy rằng vẫn tồn tại những vấn đề chồng chéo, bất cập, song thực trạng trên cũng như khi xảy ra những vụ việc cụ thể lại không thấy ai bị xử lý. Ai chịu trách nhiệm khi những "chiếc xe kinh hoàng" vận chuyển thực phẩm bẩn xuất hiện ở thành phố? - Tương tự còn rất nhiều câu hỏi mà khó có câu trả lời. Điều đó đồng nghĩa với trách nhiệm là của... chung. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến tình hình chuyển biến rất chậm chạp. Phải chăng như đã thành quen, Tết mà, năm nào chả vậy?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ra quân nhiều, nỗi lo không vơi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.