(HNMO) - Ngày 5-3, Bộ Y tế đã ra mắt Trung tâm Quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid-19.
Trung tâm này có chức năng quản lý và điều hành các nguồn lực và hoạt động chuyên môn, từ đó hỗ trợ các cơ sở khám, chữa bệnh trong thu dung, cách ly chẩn đoán và điều trị người bệnh Covid-19 trực tiếp hoặc trực tuyến từ xa thông qua công nghệ thông tin và viễn thông.
Trung tâm sẽ sử dụng phần mềm bệnh án điện CLAS Healthcare cho toàn bộ các bệnh nhân nhiễm vi rút; phần mềm PACS và phần mềm truyền tải dữ liệu lâm sàng theo thời gian thực từ tất cả các cơ sở điều trị đến các trung tâm hỗ trợ và trung tâm chỉ huy. Các phần mềm nêu trên sẽ tích hợp cùng với các thiết bị y tế hiện đại như máy thở CARESCAPE R860 và máy theo dõi bệnh nhân CARESCAPE B450.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối mạng lưới các cơ sở khám, chữa bệnh có khả năng thu dung chẩn đoán và điều trị người bệnh Covid-19, từ đó hỗ trợ kịp thời trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.
Cụ thể, trong trường hợp bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh có điều trị người bệnh Covid-19, trung tâm điều hành sẽ thiết lập điểm cầu để bảo đảm việc giám sát, hỗ trợ từ xa về chuyên môn chẩn đoán điều trị người bệnh Covid-19 tại chỗ, hạn chế tối đa việc chuyển người bệnh lên tuyến trên không cần thiết.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 (Bộ Y tế) cho biết, với phương châm 4 tại chỗ, gồm: Cách ly tại chỗ, điều trị tại chỗ, nguồn lực tại chỗ và chỉ huy tại chỗ, đã giúp Việt Nam hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh và điều trị thành công cho 16 ca bệnh Covid-19. Do đó, Trung tâm Quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid-19 được triển khai là hết sức cần thiết.
Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, việc áp dụng công nghệ thông tin tại trung tâm này trong tư vấn điều trị từ xa giúp nâng cao năng lực xử lý dịch bệnh của hệ thống khám, chữa bệnh, kịp thời đối phó với các cấp độ kịch bản bệnh dịch, đồng thời giúp các bác sĩ tại cơ sở giảm sự tiếp xúc với bệnh nhân, giảm được nguy cơ phơi nhiễm.
Đây là bước đệm quan trọng trong việc thành lập các trung tâm chỉ huy của Bộ Y tế, Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam tập hợp các bệnh viện lớn tại 3 miền Bắc, Trung, Nam để các chuyên gia đầu ngành có thể hỗ trợ hội chẩn từ xa, tiên lượng, tư vấn giải pháp xử lý và điều trị kịp thời các trường hợp nhiễm Covid-19, hay ứng dụng để kiểm soát dịch bệnh trong tương lai cho các bác sĩ tuyến dưới khi cần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.