(HNMO)- Ngày 30/3, tại BV Mắt TƯ đã diễn ra Lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế thành lập Ngân hàng Mắt. Đây là Ngân hàng Mắt và cũng là ngân hàng mô đầu tiên ở Việt Nam.
Ngân hàng Mắt có chức năng tiếp nhận, đánh giá chất lượng, phân loại lưu giữ bảo quản và phân phối giác mạc và các mô của mắt đến tất cả các cơ sở có điều kiện và khả năng ghép giác mạc và các mô của mắt trong toàn quốc.
Là một tổ chức phi lợi nhuận, các hoạt động của Ngân hàng Mắt dựa trên phương châm vận động hiến, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong xã hội tham gia đóng góp, hỗ trợ để triển khai các hoạt động hiến, ghép giác mạc cho người mù với hình thức nhân đạo và từ thiện.
Từ năm 2005, được sự giúp đỡ của tổ chức Orbis, BV Mắt TƯ đã tiến hành xây dựng và hình thành mô hình hoạt động Ngân hàng Mắt thông qua dự án "Nâng cao năng lực điều trị các bệnh giác mạc bằng ghép giác mạc" với tổng kinh phí gần 500.000 USD. Đến nay, thông qua dự án này, các chương trình đào tạo cho đội ngũ kỹ thuật viên, cộng tác viên và cộng đồng không ngừng được tăng cường... Nhiều bác sĩ, kỹ thuật viên đã có điều kiện học tập, nghiên cứu, tiếp cận các mô hình hoạt động của Ngân hàng Mắt tại nhiều nước trên thế giới.
Từ 2 ca thu nhập được giác mạc đầu tiên do cụ bà Nguyễn Thị Hoa (Kim Sơn, Ninh Bình) hiến tặng và ngay sau đó đã được ghép, mang lại ánh sáng cho 2 bệnh nhân ở Thanh Hóa và Đắk Lắk, đến nay BV Mắt TƯ đã thu nhận được 136 giác mạc từ 69 người đã hiến tặng, 155 giác mạc từ những mắt bị chấn thương, 335 giác mạc từ tổ chức Orbis và 84 giác mạc từ các tổ chức quốc tế khác.
Thông qua dự án "Truyền thông vận dodnọg hiến tặng giác mạc" tính đến ngày 31/12/2009, đã có 10.437 người đăng ký hiến tặng giác mạc và 338.272 người được tuyên truyền, tiếp cận thông tin về hiến tặng giác mạc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.