(HNMO) - Cuốn sách dày 201 trang là tài liệu tham khảo thú vị dành cho các bạn trẻ muốn trở thành phóng viên điều tra giỏi và những bạn muốn viết lách chính xác, sâu sắc và hấp dẫn.
Trong lời tựa cuốn sách, tác giả cho biết: Hiện giờ ở Việt Nam chưa có nhiều sách về báo chí, đặc biệt là sách về phóng sự điều tra, một thể loại mà bất cứ bạn trẻ nào muốn vào nghề báo hoặc đã hành nghề báo chí đều yêu thích. Vì vậy chúng tôi biên soạn cuốn sách này, mong góp một viên đá nhỏ vào việc xây dựng nền móng cho việc đào tạo nhà báo, nhất là nhà báo điều tra. Tuy vậy những bạn trẻ yêu thích viết lách, thường xuyên đưa bài lên mạng xã hội (Facebook, Google +, Twitter…) cũng dùng được sách. Và đương nhiên cả những bạn đang làm những nghề liên quan đến kinh doanh. Vì sách cung cấp những gợi ý có thể áp dụng ngay để soạn thảo các loại văn bản một cách chính xác, sâu sắc và hấp dẫn.
Phần lớn những gì được trình bày, thảo luận trong cuốn sách này đều dựa trên kiến thức, kinh nghiệm của nhiều phóng viên, nhà nghiên cứu trong nước lẫn ngoài nước và của tác giả sách. Có thể xem sách như một “thiên phóng sự điều tra” về báo chí điều tra theo một phương pháp nhất định. Đó là phương pháp của tác giả sách, mang tính kỹ thuật nhắm đến thực hành, nhưng vẫn có thêm một ít lý thuyết. Bởi không cách gì giải thích được thực hành nếu không viện đến lý thuyết.
Sách tập trung vào báo viết. Nhưng người đọc có thể sử dụng mọi kỹ năng được hướng dẫn ở đây cho bất cứ loại hình báo chí và viết lách nào. Nó gồm có hai phần chính - rất cổ điển: săn tin và viết lách. Mục tiêu của phần một là giúp người đọc nắm vững những kỹ năng điều tra rồi sử dụng chúng vào công việc hằng ngày. Nó được thiết kế nhằm cung cấp một số kỹ thuật nghiên cứu và phân tích cần thiết để chuẩn bị cho việc viết bài chuyên sâu và phóng sự điều tra, trong đó bao gồm cả những kỹ thuật mới liên quan đến Internet như tìm nguồn tin thông qua mạng xã hội. Mục tiêu của phần viết lách là giúp người đọc viết lách. Sách còn có một phụ lục về đạo đức của nhà báo tiếp cận theo hướng thực tế. Đó là một yêu cầu khách quan: hành xử theo các tiêu chuẩn đạo đức sẽ tạo thêm sự tin cậy nơi độc giả.Và giống như bất cứ nghề chân chính nào, nghề báo cũng phải có đạo đức.
Nhà báo Ngọc Trân hiện là cố vấn biên tập Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư, giảng viên thỉnh giảng Khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Ông cũng thường xuyên được các hội nhà báo mời thực hiện các lớp viết tin thời sự, viết bài kinh tế, kỹ thuật phóng sự, nghiệp vụ biên tập ... Ông từng làm việc tại các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ và Thời báo Kinh tế Sài Gòn; tu nghiệp tại Đại học Báo chí Lille và thực tập ở nhật báo Ouest France (Pháp). Ông được Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh trao Giải nhất Phóng sự - Điều tra; Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng Huy chương vì Sự nghiệp Báo chí. Ông từng xuất bản các cuốn sách: Khám phá nghề biên tập; Kinh tế học ồ quá dễ!; Viết tin, bài đăng báo; Thuật viết lách từ A đến Z.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.