(HNM) - Háo hức, hồi hộp là cảm xúc chung của đoàn phóng viên đi theo 3 chuyến tàu
Chiến sỹ kéo xuồng chuyển tải vào bờ để bảo đảm an toàn trong mùa biển động.
Ngày 10-1, tàu rời cảng ra Trường Sa. Thời tiết thật đẹp. Sóng yên, biển lặng. Tôi cùng 13 phóng viên khác đi theo nhánh Nam quần đảo Trường Sa trên tàu Trường Sa 20. Nhà tàu ưu ái bố trí chỗ ở thuận lợi. Tôi và 3 đồng nghiệp nữa được bố trí ở cùng phòng với Máy trưởng. Ba ngày đầu, sóng gió chỉ cấp 3-4, nhưng vì say sóng, không ít đồng nghiệp đã nằm bẹp trong buồng, liên tục bỏ bữa. Tới đảo chìm Đá Lát, do ảnh hưởng của gió mùa Đông bắc, biển động, sóng cao dần, từ 1,5 đến 2m, rồi 3m đến 3,5m. Mặc, Trường Sa 20, tải trọng nghìn tấn, vẫn băng băng cưỡi sóng lướt tới. Nhiều lúc, sóng đánh vọt lên tận ca bin, tàu nghiêng tới 18o, chòng chành tưởng lật. Trời lại mưa. Nhiều lúc như trút nước. Sự khắc nghiệt của biển cả đã hiện rõ. Nằm trong buồng kín đã vất vả, nhưng chưa bằng một phần sự gian khổ mà các sỹ quan, chiến sỹ ở ngoài boong, hành lang tàu phải chịu đựng. Không ít lần, nửa đêm trời chợt đổ mưa rào, trên boong lịch kịch, lịch kịch, rì rầm tiếng gọi. Mọi người tất bật thu dọn tư trang trú tránh mà không kịp. Đêm ở biển lạnh. Đã thế, nhiều người lại bị ướt. Tay Máy trưởng trẻ tuổi (sinh năm 1980), có cái tên rất con gái - Quyên - nửa đùa, nửa thật: Nếu là thuyền trưởng, tôi sẽ để các nhà báo nằm ngoài boong cho thật thông cảm với lính biển. Nghe anh nói mà lòng chúng tôi nghẹn lại...
Ngày 15-1, tàu đến đảo Trường Sa Lớn nhưng phải neo cách xa chừng 1km bởi không thể cập cảng do sóng to, gió lớn. Neo cạnh đảo mà con tàu vốn đã quen với sóng gió vẫn bị xô dúi dụi, chao đảo, lắc như lên đồng. Tàu không di chuyển, nhưng toàn bộ thuyền viên vẫn duy trì các ca trực để sẵn sàng xử lý tình huống xấu có thể xảy ra. Những người chịu được sóng như tôi bắt đầu "thấm hương vị" của biển. Anh em tiền đình yếu thực sự tơi tả. Sự sốt ruột hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người. Đoàn trưởng Nguyễn Viết Thuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Trường Sa cũng vậy. Khuôn mặt sạm nắng, lạnh lùng không che được sự âu lo trong đôi mắt ông. Nhiệm vụ của đoàn lần này là phải chuyển đủ, kịp thời hàng hóa cho các đảo ăn Tết. Thời tiết bất thuận có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chuyển hàng. Đó mới là điều thực sự đáng lo. Không thể "ăn chờ, nằm trực" mãi, sáng 16-1, dù biển chưa yên, tàu vẫn quyết định cập cảng đảo Trường Sa Lớn (thị trấn Trường Sa). Xem ra đây là quyết định đúng đắn. Toàn bộ thủy thủ đoàn căng như dây đàn. Trên ca bin, Thuyền trưởng Nguyễn Quang Huy yêu cầu tất cả nhân viên các bộ phận không phải trực có mặt tại neo mũi và đuôi tàu để hỗ trợ tổ neo khi vào cảng. Phía đối diện, hàng chục chiến sỹ đảo Trường Sa Lớn cũng túc trực, thả hơn chục lốp xe ô tô cỡ lớn để giảm va đập giữa tàu với cầu cảng. Vậy mà tàu bị sóng dập liên hồi vào cầu cảng. Sau mỗi con sóng, tàu lại bị bật cách xa cầu cảng chừng 2m. Việc chuyển hàng hóa, đưa người xuống được tính bằng phút nhưng vẫn phải bảo đảm tuyệt đối an toàn. Trời mưa sầm sập, nhưng dường như Thuyền trưởng Nguyễn Quang Huy và thủy thủ đoàn không cảm nhận được những hạt mưa đang táp vào mình. Sau mỗi mệnh lệnh, lái tàu, máy tàu, bộ phận neo… phối hợp nhịp nhàng để từng người, từng người lựa theo con sóng "tiếp đất" an toàn. Thoáng có tiếng văng tục vì nhiều người chen ra hành lang boong, khiến việc đi lại của thủy thủ khó khăn. Chỉ cần sự phối hợp thiếu đồng bộ, dây neo có thể bị đứt, không chỉ nguy hiểm cho con người mà cả con tàu.
Tàu Trường Sa 20 vững vàng trước những con sóng dữ
Theo lịch trình, Đoàn công tác sẽ ở Trường Sa Lớn 1 ngày đêm, nhưng thời tiết bất thuận nên tàu không thể đón. Sóng, gió luôn ở cấp 6-7, mưa suốt đêm ngày. Ở trên đảo đến ngày thứ ba, nghe tin có áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn TƯ, chiều 18-1, vùng áp thấp trên khu vực Nam biển Đông đã mạnh lên thành ATNĐ. Khu vực phía Nam quần đảo Trường Sa, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ cấp 6, cấp 7, giật cấp 8.
Mỗi người một vẻ âu lo. Kẻ sợ không kịp về ăn Tết, người lo không chuyển kịp hàng tới các chiến sỹ. Gọi điện thoại ra tàu, Thuyền trưởng Nguyễn Quang Huy bảo nhà báo cứ yên tâm, khi đủ điều kiện sẽ vào đón, tiếp tục hành trình "chuyển tình thương từ đất liền ra đảo". Gọi cho các đồng nghiệp cùng ra quần đảo Trường Sa nhưng đi nhánh Bắc, nhánh giữa mới biết, nhóm chúng tôi còn may chán. Tàu đi nhánh phía Bắc vẫn chưa thể vào đảo nào.
Mong sao sớm trời yên, bể lặng. Chúng tôi có thể đón Tết trên biển, nhưng các chiến sỹ không thể thiếu gạo nếp, lá dong, thịt mỡ, dưa hành, bánh kẹo… đón Xuân.