(HNM) - Xã Cẩm Đình (Phúc Thọ) đang xây dựng nông thôn mới với những bước tiến vững chắc, song lại đang có dư luận cho rằng tại bãi nổi Cẩm Đình, xã đang để tồn tại hàng chục lò gạch thủ công ngày đêm hoạt động, vi phạm quy định của thành phố.
Mục sở thị tại mốc phân định ranh giới giữa xã Cẩm Đình (Phúc Thọ) và các xã Đại Tự, Liên Châu (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) là một hình ảnh tương phản. Trên bãi nổi Cẩm Đình bạt ngàn một màu xanh của cây lấy gỗ, cây ăn quả, trang trại chăn nuôi gia súc thì bên phía xã Đại Tự, Liên Châu có khoảng 40 lò gạch thủ công ngày đêm nhả khói đen kịt. Bà Vũ Thị Trường, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Đình khẳng định, những lò gạch đang hoạt động đều thuộc địa phận huyện Yên Lạc. Lò gạch thủ công trên địa bàn xã Cẩm Đình đã bị xóa bỏ từ lâu, chỉ còn lại hai cặp lò sản xuất gạch nung theo công nghệ sử dụng hệ thống xử lý khói thải không gây ô nhiễm môi trường.
Trên bãi nổi Cẩm Đình hiện chỉ còn 2 lò gạch có hệ thống xử lý khói thải không gây ô nhiễm môi trường đang hoạt động. Ảnh: Thúy Nga |
Bà Vũ Thị Trường cho biết, bãi Cẩm Đình là vùng cát trắng nằm biệt lập giữa sông Hồng, nhiều năm bị bỏ hoang, xã giao đất nhưng người dân không nhận thầu khoán vì khó canh tác và kém hiệu quả. Trong các năm 2008 và 2010, huyện Phúc Thọ đã ban hành hai quyết định cho phép xã Cẩm Đình thực hiện dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất nông nghiệp làm kinh tế trang trại tại bãi nổi Cẩm Đình với diện tích 100.000m2. Xã đã ký hợp đồng giao cho anh Ngô Xuân Cường, người địa phương nhận thầu khoán, lập dự án phát triển kinh tế trang trại VAC. Căn cứ vào quy hoạch sản xuất vật liệu xây dựng được phê duyệt, năm 2011 và 2013, huyện Phúc Thọ ban hành các quyết định phê duyệt đề án sản xuất gạch đất nung tại bãi nổi Cẩm Đình có hệ thống xử lý khói thải không gây ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH Nguyên Hưng do anh Cường làm Giám đốc. Trước đó, huyện Phúc Thọ cho phép UBND xã Cẩm Đình ký hợp đồng với Công ty TNHH Nguyên Hưng tận dụng đất dư thừa của dự án cải tạo mặt bằng khu vực bãi nổi Cẩm Đình để sản xuất gạch tại chỗ.
Trên diện tích được giao khoảng 98.000m2, chủ nhân khu bãi nổi này đã đầu tư 7 tỷ đồng xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi lợn rừng, nhím, trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ..., mỗi năm xuất chuồng khoảng 20 tấn thịt lợn hơi, gần 100 tấn hoa quả với doanh thu gần chục tỷ đồng. Ông Hồ Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Đình cho biết, anh Cường đầu tư vào khu đất bãi bồi này không những giúp xã bảo vệ đất đai vùng giáp ranh, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 100 lao động mà còn đóng góp 1/2 thu ngân sách địa phương. Ông Khánh khá bức xúc khi có ý kiến cho rằng, trên địa bàn xã Cẩm Đình còn tồn tại lò gạch thủ công đang hoạt động gây ô nhiễm môi trường.
Làm việc với UBND huyện Phúc Thọ, ông Nguyễn Việt Liên, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, sau khi có chủ trương xóa lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường của thành phố, Phúc Thọ đã tuyên truyền, thuyết phục nhân dân tháo dỡ 108 vỏ lò gạch, hoàn thành nhiệm vụ xóa lò gạch thủ công xong trước ngày 7-8-2013. Đi đôi với việc chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai san trả mặt bằng chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang trồng trọt, phát triển chăn nuôi, được thành phố cho phép, huyện đã triển khai sản xuất gạch nung bằng công nghệ xử lý khói thải không gây ô nhiễm môi trường tại các xã Cẩm Đình, Thanh Đa, Ngọc Tảo, Võng Xuyên... Tại một số địa phương vẫn còn nhiều vỏ lò gạch đốt thủ công đã ngừng hoạt động nhưng đang tháo dỡ dở dang là do huyện chưa tìm ra nguồn kinh phí (khoảng 8 tỷ đồng) hỗ trợ việc dỡ bỏ là 10 triệu đồng/lò và 2,5 triệu đồng/lao động trước đây tham gia sản xuất gạch thủ công.
Vấn đề có hay không lò gạch thủ công hoạt động tại bãi nổi Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ đã rõ. Được biết, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 1285/UBND-TNMT, giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Phúc Thọ kiểm tra, xác định các lò gạch thủ công đang hoạt động thuộc địa giới hành chính huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc; đồng thời báo cáo, đề xuất UBND thành phố đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo giải quyết theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.