Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết tâm vừa chống dịch, vừa dạy - học hiệu quả

Thống Nhất| 30/08/2020 06:45

(HNM) - Cùng với cả nước, các trường học ở Thủ đô sẽ tổ chức lễ khai giảng năm học 2020-2021 vào sáng 5-9, với quyết tâm vừa chống dịch, vừa dạy - học hiệu quả. Dịch Covid-19 đã đặt ra nhiều vấn đề về tổ chức dạy - học, song những kết quả đạt được trong năm học 2019-2020 đã khẳng định nỗ lực của toàn ngành để giữ vững chất lượng giáo dục.

Để làm rõ thêm giải pháp sẽ được triển khai trong năm học 2020-2021, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng.

Sẵn sàng đón năm học mới

- Xin ông cho biết, 2020-2021 là năm học đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành Giáo dục Thủ đô đã chuẩn bị như thế nào cho nhiệm vụ mới này?

- Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2,1 triệu học sinh, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học luôn được thành phố Hà Nội xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Chuẩn bị cho năm học mới, các quận, huyện, thị xã của thành phố đã đầu tư xây dựng, thành lập mới 44 trường học; các trường học ở khối trực thuộc Sở đã cải tạo, nâng cấp 72 trường học...

Riêng với lớp 1 - khối lớp đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới được ưu tiên quan tâm, đầu tư về mọi mặt. Các công việc chuẩn bị cho học sinh lớp 1 vào năm học mới như cung ứng sách giáo khoa, mua sắm thiết bị dạy học và bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên được triển khai chu đáo. Hiện 9.000 giáo viên dạy lớp 1 trên địa bàn thành phố đã hoàn thành các khóa tập huấn cơ bản, sẵn sàng nhận nhiệm vụ với quyết tâm cao. Các nhà trường đã chọn những phòng học khang trang nhất, đội ngũ giáo viên tốt nhất dành cho học sinh lớp 1.

Hà Nội cũng đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia, với mục tiêu có hơn 75% số trường công lập đạt chuẩn vào cuối năm nay, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các trường ở địa bàn còn khó khăn.

- Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho trường ở địa bàn còn khó khăn dường như không phải là phần việc mới, thưa ông?

- Tăng cường các nguồn lực đầu tư, ưu tiên cho những đơn vị khó khăn để nâng chất lượng giáo dục của toàn thành phố, thu hẹp khoảng cách giữa các địa bàn là mục tiêu, cũng là nhiệm vụ mà ngành Giáo dục Thủ đô kiên trì triển khai thực hiện nhiều năm nay. Chính vì vậy, chất lượng giáo dục năm học 2019-2020 vẫn được bảo đảm và có khởi sắc, dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Học sinh Thủ đô tiếp tục giành nhiều thành tích ấn tượng, dẫn đầu cả nước trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia với 144 giải thưởng; ngoài ra, các em còn giành 338 giải thưởng và huy chương các loại tại các cuộc thi quốc tế.

- Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, ngành Giáo dục Thủ đô đã đầu tư thế nào cho đội ngũ nhà giáo để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ?

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, sẵn sàng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Hà Nội xác định nhiệm vụ then chốt là tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên theo hướng thiết thực, bám sát thực tiễn. Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn cao. Các quận, huyện, thị xã đã hoàn thành xét tuyển viên chức giáo viên cho gần 1.900 người, các trường khối trực thuộc cũng vừa được bổ sung gần 400 giáo viên, góp phần xây dựng đội ngũ giáo viên đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ.

Chủ động dạy học trước mọi diễn biến của dịch Covid-19

- Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, ngành Giáo dục Thủ đô đã chuẩn bị những gì để thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa chống dịch, vừa dạy - học hiệu quả, thưa ông?

- Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và thành phố, ngành Giáo dục Thủ đô đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch để thực hiện kế hoạch năm học theo đúng tiến độ quy định và giữ an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã kích hoạt lại toàn bộ các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 như ở giai đoạn trước; duy trì chuyên mục phòng, chống dịch trên Cổng thông tin điện tử của ngành để cập nhật, hướng dẫn các đơn vị, trường học thực hiện tốt các quy định.

Những phần việc đã triển khai ở đợt dịch trước đã giúp các nhà trường có thêm kinh nghiệm và chủ động trong việc xây dựng kịch bản tổ chức dạy - học trong tình hình mới, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến của dịch, để vừa an toàn về sức khỏe, vừa duy trì nền nếp, chất lượng dạy - học…

- Ông có thể cho biết công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở các nhà trường đã được triển khai thế nào để đón học sinh tựu trường an toàn?

- Ngày 25-8, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế đã ban hành hướng dẫn liên ngành về việc phòng, chống dịch Covid-19 năm học 2020-2021, trong đó nêu rõ các nội dung công việc mà nhà trường cần triển khai ở từng thời điểm: Trước ngày học sinh tựu trường, khi học sinh đi học... Một trong những phần việc bắt buộc với các nhà trường trước khi đón học sinh tựu trường là phải thực hiện tổng vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp, đồng thời duy trì vệ sinh hằng ngày. Các nhà trường đã rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện an toàn, sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới.

- Việc đeo khẩu trang khi ra ngoài đường là quy định bắt buộc đối với mọi người. Đối với học sinh thì được triển khai ra sao, thưa ông?

- Nội dung này đã được quy định rõ trong hướng dẫn liên ngành và đã được quán triệt tới tất cả nhà trường. Để an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường, học sinh phải nghiêm túc chấp hành quy định về phòng, chống dịch, đeo khẩu trang khi đến trường, trong lớp học, trên đường từ trường về nhà và ở nơi công cộng. Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường chuẩn bị khẩu trang dự phòng, bảo đảm 100% học sinh đều tuân thủ nghiêm túc quy định phòng, chống dịch.

- Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương có thể tổ chức lễ khai giảng linh hoạt, kể cả hình thức trực tuyến. Với gần 2.800 trường học ở nhiều cấp học của Hà Nội, buổi lễ này sẽ được tổ chức như thế nào thưa ông?

- Sở Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn cụ thể để lễ khai giảng diễn ra trang nghiêm, song cũng cần ngắn gọn (không quá 45 phút), đồng thời tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Lễ khai giảng của các trường học ở Hà Nội sẽ diễn ra sáng 5-9 theo hình thức trực tiếp. Các trường có diện tích nhỏ thì tổ chức tập trung khai giảng cho học sinh đầu cấp và đại diện học sinh các khối lớp khác, số học sinh còn lại dự khai giảng tại lớp. Riêng cấp học mầm non tổ chức “Ngày hội đến trường của bé” tại lớp. Các nhà trường phải phân luồng ngay tại cổng, bảo đảm tất cả thành viên vào trường dự lễ khai giảng đều có sức khỏe tốt, không có yếu tố dịch tễ và không có triệu chứng liên quan đến dịch Covid-19.

- Trước thềm năm học mới 2020-2021, một năm học có nhiều khác biệt bởi những ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông có lời nhắn nhủ nào tới học sinh của Thủ đô?

- Đây là thời điểm các thầy giáo, cô giáo, cha mẹ học sinh thể hiện sự nỗ lực, dành sự quan tâm tốt nhất và các điều kiện bảo đảm an toàn cho học sinh. Chúc các em học sinh bước vào năm học mới nhiều niềm vui và đạt kết quả cao trong học tập, rèn luyện, đồng thời có ý thức phòng, chống dịch nghiêm túc.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm vừa chống dịch, vừa dạy - học hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.